Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tình trạng rác thải nhựa gia tăng, du lịch xanh chính là giải pháp để phát triển du lịch bền vững. Bắt nhịp xu hướng đó, huyện Gia Viễn đang nỗ lực xây dựng các điểm đến xanh, sản phẩm xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn xung quanh vấn đề này.
Du lịch xanh - Xu hướng phát triển bền vững
Phóng viên (PV):Gia Viễn là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và nhiều di tích lịch sử - văn hóa, phù hợp để đẩy mạnh phát triển du lịch. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về tiềm năng phát triển du lịch của huyện?
Đồng chí Vũ Thị Dược: Gia Viễn là một vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, được coi là vùng đất "sinh vương, sinh thánh", nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư) và nhiều danh nhân tiêu biểu khác như Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thượng thư Trịnh Tú, Thái sư Lưu Cơ thời nhà Đinh và thái sư Trương Bá Ngọc thời Lý. Vì thế trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Đền Thánh Nguyễn, Nhà thờ Nguyễn Bặc, Lăng mộ Nguyễn Bặc, Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Chùa Kỳ Lân - Lăng phát tích, Đền Quan Thái Bảo, Đền Thung Lá - Động Hoa Lư...
Trên địa bàn huyện có 2 khu du lịch trọng điểm với nhiều nét nổi bật thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái. Trong đó Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh là quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam đã được xác lập. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ có diện tích hơn 2.700 ha trên địa bàn 7 xã của huyện Gia Viễn. Đầm Vân Long được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi có các hang động đẹp, thảm thực vật đặc trưng của hệ sinh thái núi đá vôi.
Khu Bảo tồn hiện đang giữ 2 kỷ lục thiên nhiên của Việt Nam là "Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam" và "Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam" (bức tranh núi mèo cào). Tại khu bảo tồn này có hệ động thực vật đa dạng phong phú với 457 thực vật bậc cao, hơn 100 loài chim, 39 loài thú, trong đó nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã được công nhận là khu Ramsar số 2360 của thế giới và là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Năm 2020 tiếp tục là Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được Ủy ban Danh lục Xanh toàn cầu (IUCN) chính thức phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh.
Việc được công nhận là khu Ramsar và đạt danh hiệu Danh lục Xanh sẽ là động lực cho huyện, cũng như các cấp, các ngành nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động bảo tồn quần thể Voọc mông trắng và phát triển bền vững hệ sinh thái núi đá vôi, đất ngập nước lớn bậc nhất Việt Nam. Điều này cũng góp phần tác động tích cực vào sự phát triển du lịch của Gia Viễn. Bên cạnh đó Gia Viễn còn có nhiều danh thắng đẹp và nhiều khu du lịch đang được đầu tư nâng cấp nhằm thu hút khách du lịch như: Suối khoáng Kênh Gà ở Gia Thịnh, chùa Địch Lộng tại Gia Thanh… Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi, Gia Viễn được coi là cửa ngõ quan trọng của tỉnh trong việc giao thương phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn huyện có 21 xã, thị trấn; trên địa bàn huyện hiện có 12 công ty có yếu tố nước ngoài. Đây là những lợi thế để hàng năm huyện Gia Viễn thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch tại các khu du lịch, di tích trên địa bàn huyện, góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người lái đò tại Khu du lịch Vân Long được trao tặng giỏ đựng rác. Ảnh: Anh Tuấn
PV:Với định hướng phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường, huyện Gia Viễn đã triển khai những hoạt động cụ thể gì?
Đồng chí Vũ Thị Dược: Với mục đích xây dựng ngành Du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua huyện Gia Viễn đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Quyết định 1339/QĐUBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh về Ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2045.
Trên cơ sở tiềm năng và hiện trạng về kinh tế - xã hội, huyện đã xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển cho từng vùng, từng khu nhằm tạo ra những vùng chiến lược chuyển giao, lưu thông giữa sản xuất, thương mại và phát triển du lịch, gồm: Khu du lịch Vân Long; Khu công nghiệp Gián Khẩu; Khu đô thị hành chính. Huyện đã xây dựng nhiều tuyến, tour du lịch gắn kết các khu danh lam thắng cảnh, các khu di tích lịch sử, văn hóa và những sản phẩm, sản vật đặc trưng của địa phương. Các tuyến, tour du lịch của huyện đều được xây dựng trên cơ sở bảo tồn, phát triển tiềm năng sẵn có kết hợp với công tác bảo vệ cảnh quan môi trường.
Đầu năm 2023, UBND huyện đã tổ chức ra mắt thành công tour du lịch "Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng" nằm trong chuỗi tour du lịch "Tìm về cuội nguồn". Lễ ra mắt thu hút trên 2.000 người tham gia, được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, thu hút được nhiều đoàn du khách đến trải nghiệm. "Tìm về cội nguồn" được đánh giá là một trong những sản phẩm du lịch mới mang tính giáo dục cao; góp phần khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của vùng và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các điểm di tích trên địa bàn huyện.
Tiếp đến là trong tháng 3 vừa qua UBND huyện đã tổ chức phát động Chiến dịch "Tuần lễ du lịch xanh" gắn với Đề án giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch Việt Nam nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường, hiểu rõ tác hại của chất thải nhựa, từ đó có những hành động cụ thể góp phần giảm lượng chất thải nhựa, phân loại chất thải tại nguồn tiến tới hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh quê hương, con người Gia Viễn thân thiện, hiếu khách, văn minh với những cảnh quan kỳ thú.
Trong tuần lễ du lịch xanh đã diễn ra nhiều hoạt động gắn với bảo vệ môi trường như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về rác thải nhựa; chương trình trao tặng giỏ đựng rác cho lái đò với thông điệp "Chở xanh - Thở lành"; chương trình "Điều em muốn nói" với hoạt động đổi rác nhận quà, bán sản phẩm tái chế, tạo tháp cây; ra quân tổng vệ sinh môi trường. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi, phát triển ngành Du lịch của huyện.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã xây dựng cơ chế thu hút nhằm huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm như sản xuất tranh, ảnh lá Bồ đề, sản xuất các sản phẩm sinh dược của làng nghề Sinh Dược ở xóm 4, xã Gia Sinh; sản xuất nón lá tại xã Gia Vượng, nghề thêu ren tại xã Gia Thanh, sản xuất mắm tép tại thị trấn Me, xã Gia Trung, Gia Thịnh… để phục vụ du khách.
Đẩy mạnh các loại hình du lịch cộng đồng nhằm khai thác tối đa lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý của huyện, tập trung triển khai tại các xã Gia Sinh, Gia Vân, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Hòa, Gia Hưng thông qua các loại hình du lịch Homstay, du lịch tìm hiểu văn hóa địa phương (thông qua hình thức tổ chức Lễ hội hàng năm như: Lễ hội Đền Thánh Nguyễn, Đền Đinh Tiên Hoàng, Lễ hội Đền Thung Lau, Thung Lá xã Gia Hưng,…).
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các điểm du lịch được quan tâm. Làm tốt công tác xử lý nước thải, rác thải trên mặt đất, mặt nước trên các tuyến sông. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhằm phát hiện, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch như hoạt động sai chức năng, kinh doanh trái phép… từng bước đưa hoạt động tổ chức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch vào trật tự, tạo môi trường kinh doanh ổn định.
PV:Đồng chí có thể cho biết những giải pháp sẽ được Gia Viễn triển khai trong thời gian tới để du lịch ngày càng phát triển bền vững?
Đồng chí Vũ Thị Dược: Trong thời gian tới để du lịch ngày càng phát triển bền vững, bên cạnh thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Gia Viễn sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn và tin cậy. Tăng cường các hoạt động bảo tồn cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương bằng cách trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch từ đó có nguồn thu nhập một cách bền vững.
Cùng với đó, Gia Viễn sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các điểm du lịch mới, có tiềm năng, phát huy được nét đặc trưng riêng của huyện nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch.
Huyện tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa, văn minh tại các khu, điểm, du lịch. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động du lịch.
Đặc biệt huyện sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình của tỉnh và Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế để thu hút các công trình dự án cho phát triển du lịch của huyện, đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch của Gia Viễn đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.