Mô hình du lịch tâm linh hiệu quả
Thời gian qua, Ninh Bình đã trở thành một hiện tượng về du lịch tâm linh. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính… Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của ngành Du lịch, năm 2009 với doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt 170 tỷ đồng, sau 4 năm đến năm 2013 ngành Du lịch Ninh Bình đã đón trên 4 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 20%/năm, với doanh thu trên 800 tỷ đồng. Đây là một con số tăng trưởng khá ấn tượng của ngành Du lịch tỉnh nhà trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt tại khu vực châu á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đối với Ninh Bình đây cũng là một loại hình sản phẩm du lịch tiềm năng hứa hẹn đem lại xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, sản phẩm du lịch tâm linh đã tạo được bước đột phá mới, thay đổi cuộc sống cả chục ngàn người dân vùng đất Gia Viễn - Hoa Lư. Ngược thời gian hơn 10 năm về trước, khu vực Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh. Nhưng từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính được triển khai, cuộc sống của người dân đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang ngành công nghiệp không khói, hàng chục ngàn người đã có việc làm. Có thể nói, cuộc sống của người dân ở đây đã thực sự đổi thay nhờ du lịch tâm linh. Chị Nguyễn Thị Vân, người bán hàng ở khu vực chùa Bái Đính cho biết: Từ khi có chùa Bái Đính, du khách về thăm vãn cảnh chùa, lễ phật rất đông, đặc biệt là dịp đầu năm. Nhờ vậy, người dân chúng tôi cũng đã chuyển dần từ làm nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch, thu nhập cũng được khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, so với làm nông nghiệp vừa nhàn hơn lại ổn định không lo thiên tai, mất mùa.
Việc phát triển du lịch tâm linh chính là khai thác yếu tố truyền thống với tầm phát triển cao hơn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc đầu tư cho du lịch tâm linh phải đề cao chất lượng, hình thức phục vụ, vừa đạt được nhu cầu thưởng thức tự nhiên của du khách, vừa thu được lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Không chỉ có điểm du lịch chùa Bái Đính mà ngay cả đối với những khu vực như Cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm việc đưa các di sản văn hóa tâm linh vào khai thác du lịch đã giúp cho người dân có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ một cách hiệu quả.
Cần có chiến lược lâu dài
Với mỗi tour du lịch tâm linh, du khách đều có sự trải nghiệm thú vị, đây là một sản phẩm rất tiềm năng. Sản phẩm du lịch tâm linh có thể là cuộc hành hương đến đền chùa, thăm các cơ sở tôn giáo, các tuyến đường lịch sử văn hóa liên quan đến các di sản hữu hình và vô hình như lễ hội, âm nhạc, sân khấu, văn học, nghệ thuật ẩm thực, giải thích về bản chất vũ trụ, lịch sử; thiền tĩnh tâm; nghỉ tại nhà dân cộng đồng bản địa và các sản phẩm du lịch được tạo ra bởi sự sáng tạo của con người.
Ninh Bình có lợi thế về hệ thống đền chùa, thắng cảnh đa dạng và phong phú, nếu xây dựng tốt các điểm tour sẽ thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, Ninh Bình hiện có trên 1.000 di tích văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 183 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng với 114 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng đậm chất dân gian. Các di sản văn hóa, lễ hội ở Ninh Bình đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đóng góp giá trị không nhỏ vào nền kinh tế trong tỉnh…Nhận diện được tiềm năng này, Tổng cục Du lịch đang xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh Ninh Bình như một điểm đến trọng điểm của du lịch phía Bắc.
Để góp phần mở rộng thêm các sản phẩm du lịch, đem đến nhiều hành trình và sự trải nghiệm khác nhau cho du khách trong nước và quốc tế, tỉnh cũng như các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh đã có sự liên kết mở rộng các tour, tuyến trong đó tập trung phát triển tam giác du lịch gồm Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long để kết nối 1 tuyến hành trình thú vị với nhiều trải nghiệm khác nhau.
Trong tương lai không xa, theo quy hoạch tổng thể của du lịch Ninh Bình với mục tiêu lấy Quần thể danh thắng Tràng An làm trung tâm phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa tâm linh, có thể khuyến khích số lượng khách tăng nhanh. Ước tính nếu di sản đề cử được công nhận là di sản thế giới số lượng khách du lịch sẽ tăng đều đặn qua các năm và có thể lên đến 2 triệu lượt khách/năm.
Tuy nhiên theo nhận xét của ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục phó Cục di sản văn hóa- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại buổi tọa đàm về liên kết phát triển du lịch vừa qua thì "việc khai thác những giá trị văn hóa tâm linh vào phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn chưa xứng tầm với tiềm năng sẵn có của địa phương. Đơn cử như Quần thể danh thắng Tràng An, hoạt động du lịch mới dừng ở khai thác các giá trị tự nhiên, gần như chưa đi vào chiều sâu các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch; các di tích, lễ hội cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh, tham quan vãn cảnh của người dân, việc khai thác hàm lượng văn hóa trong các di sản để phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài một số khu di tích trọng điểm của tỉnh, như Chùa Bái Đính và Cố đô Hoa Lư thì các khu di tích còn lại đều ít người biết đến, trừ các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa và người dân trên địa bàn...
Thiết nghĩ, Ninh Bình cần xây dựng một chiến lược lâu dài, gắn liền việc bảo tồn, tôn tạo với khai thác phát huy giá trị văn hóa tâm linh để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Có vậy, du lịch tâm linh giàu tiềm năng của tỉnh nhà mới được "đánh thức", phục vụ xu hướng phát triển du lịch bền vững.
Vân Giang