Ngành Du lịch đã đón được trên 3,37 triệu lượt khách, tăng 38,66% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 121,3% so với kế hoạch năm. Trong số đó, khách Quốc tế trên 700 nghìn lượt, tăng 16,32% so với năm 2009, đạt 100% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 119,8% so với năm 2009, nộp ngân sách 55 tỷ đồng. Đây là những con số đáng mừng, báo hiệu kết quả khả quan về mục tiêu đến năm 2015, du lịch Ninh Bình đón 6 triệu lượt khách mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Ghi nhận đầu tiên đó là các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đậm nét, tạo hình ảnh, thương hiệu về du lịch Ninh Bình đối với du khách trong và ngoài nước. Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch đã tiến hành tuyên truyền, quảng bá thông qua các sự kiện lễ hội, hội chợ trong nước, như: Hội chợ Du lịch Hải Phòng, liên hoan du lịch Quốc tế Thăng Long - Hà Nội, liên hoan văn hóa ẩm thực các tỉnh Bắc Miền Trung…; tuyên truyền trên mạng Internet qua trang thông tin điện tử du lịch Ninh Bình; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các ấn phẩm, biển quảng cáo lớn; cung cấp thông tin, tư vấn cho các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về Ninh Bình, các công ty lữ hành qua điện thoại, thư điện tử; hướng dẫn trực tiếp… Nhờ đó, Ninh Bình đang trở thành tâm điểm, thu hút ngày một đông du khách. Để thực hiện kích cầu, thúc đẩy sự phát triển của du lịch tỉnh ta, ngành Du lịch còn vận động các đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm vui chơi giải trí…trên địa bàn chung tay thực hiện liên kết và hỗ trợ nhau trong chương trình "Việt Nam - Điểm đến của bạn" và nhiều chương trình thiết thực khác như tổ chức thành công Hội thi ẩm thực và Hội thi lễ tân giỏi; hoàn thiện hồ sơ phê duyệt khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là khu du lịch Quốc gia và công nhận Khu du lịch sinh thái Vân Long là khu du lịch cấp tỉnh.
Từng bước nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lí luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức, cán bộ quản lý, lao động trực tiếp tham gia làm du lịch… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, ngành đã thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo ngoại ngữ, tập huấn kiến thức pháp luật về du lịch… Trong năm 2010, Ngành tổ chức được 2 lớp đào tạo về ngoại ngữ (tiếng Trung Quốc, trình độ A) cho trên 60 học viên là cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ du lịch trên địa bàn. Khóa học đã trang bị những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết, nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách Trung Quốc. Ngành cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về du lịch tại huyện Gia Viễn và thành phố Ninh Bình cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, những người tham gia quản lý các hoạt động du lịch tại các phòng, ban, các hộ kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Thông qua các lớp tập huấn nhằm trang bị hành lang pháp lý từ việc tiếp cận các văn bản pháp luật như Luật Du lịch năm 2005, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…, góp phần tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan thực hiện tốt các quy định của pháp luật về du lịch, nhất là trong quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, đã mở lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý khách sạn du lịch cho trên 70 học viên đến từ các đơn vị kinh doanh khách sạn, nhà hàng, các khu, điểm du lịch, với nhiều nội dung quan trọng như vai trò, nhiệm vụ, nội dung và cách thức quản lý du lịch, mô hình quản lý tại các khu, điểm du lịch, phương pháp quản lý hiện đại trong kinh doanh khách sạn, hoạt động xúc tiến trong kinh doanh du lịch.
Bước chuyển mình của du lịch năm 2010 còn là sự thay đổi diện mạo rõ nét ở các khu, điểm du lịch, do có sự huy động các nguồn lực, tranh thủ hỗ trợ, đầu tư kinh phí của Trung ương, nội lực của địa phương và các doanh nghiệp. Hiện đã có 43 dự án được chấp thuận đầu tư vào kinh doanh du lịch trên địa bàn. Nhiều khu, điểm được chỉnh trang, tu bổ, xây mới khang trang, sạch, đẹp. Các nhà hàng, khách sạn cao cấp phục vụ nhu cầu của du khách được xây dựng khang trang, hoạt động dịch vụ sôi động. Đa dạng loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch hang động, du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu khoa học… Về cơ chế quản lý, ở các khu, điểm du lịch tiếp tục áp dụng, thực hiện công tác quản lý khoa học, bài bản, thống nhất, phù hợp hơn, góp phần làm cho việc khai thác mang lại hiệu quả cao, phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ khách du lịch của cán bộ, công nhân viên tốt, tận tình, chu đáo, tình trạng ép khách mua hàng, chèo kéo chụp ảnh, xin tiền bo giảm hẳn, cảnh quan môi trường, văn minh, văn hóa, an ninh trật tự được đảm bảo. Du lịch phát triển kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Hàng nghìn lao động ở các địa phương được giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình còn một số bất cập như sản phẩm du lịch chưa có sự độc đáo, sự liên kết giữa các tuor, tuyến còn hạn chế, chưa khai thác đúng mức, hiệu quả dịch vụ lưu trú… Để phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch kinh tế của tỉnh, thời gian tới ngành Du lịch đang nỗ lực tập trung và huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; tích cực tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh thông qua các hình thức đa dạng; tích cực khai thác thị trường khách du lịch, tạo sự hoàn chỉnh, đặc sắc trong các sản phẩm và dịch vụ du lịch; không ngừng nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chú trọng đến quy hoạch, nâng cao năng lực đầu tư phát triển du lịch.
Thanh Thủy