Du lịch Ninh Bình đón đầu xu hướng sau đại dịch Kỳ II: Biến thách thức thành cơ hội
Thứ Ba, 09/11/2021, 02:05
Zalo
Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã làm bức tranh du lịch Ninh Bình thay đổi nhanh chóng, từ vị trí mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng thần kỳ đã quay đầu tụt dốc. Tuy nhiên, không dừng bước trước khó khăn, một số đơn vị du lịch trong tỉnh đang chuyển đổi để thích ứng bằng việc bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách, hướng tới những điểm đến đa dạng, phi truyền thống. Và góc nhìn từ những bước đi tiên phong này cho thấy, để biến thách thức thành cơ hội, các đơn vị du lịch cũng còn không ít việc cần làm, từ đổi mới tư duy, nâng cấp nhân sự đến hoàn thiện cơ sở vật chất…
Du lịch Ninh Bình đón đầu xu hướng sau đại dịch Kỳ II: Biến thách thức thành cơ hội
Bắt kịp trào lưu
Chỉ cách thành phố Tam Điệp vài km, hệ thống Trang trại đồng quê (thuộc HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp, thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn) mới nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn để nghỉ dưỡng cuối tuần. Với lợi thế về không gian rộng rãi, thoáng mát, đặc biệt cây xanh, cảnh quan được đầu tư kỹ lưỡng, bước chân vào đây, du khách như đặt chân vào một tiểu vùng khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Hệ thống trang trại này cũng đã đưa ra các chương trình du lịch phục vụ cho các du khách có nhu cầu tìm hiểu về cuộc sống nông thôn. Đặc biệt là các cháu trường mẫu giáo, tiểu học, trung học phổ thông có mong muốn được hòa nhập cùng cuộc sống dân dã, thôn quê.
Ông Trịnh Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp chia sẻ: ban đầu chúng tôi đơn thuần chỉ là những hộ dân đi khai hoang, làm nông nghiệp với mong muốn phát triển các cây, con đặc sản của địa phương. Nhưng 2 năm gần đây, dịch bệnh triền miên, việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Do vậy chúng tôi chuyển hướng, tận dụng không gian thiên nhiên rộng rãi cùng hệ thống trang trại sẵn có của các thành viên để mở thêm dịch vụ du lịch cộng đồng, tạo cơ hội để du khách về với nông thôn, về với cuộc sống lao động của những người nông dân.
Tại đây, du khách được trải nghiệm câu cá, làm vườn, chăn nuôi và thưởng thức những món ăn từ nông sản của trang trại. Vượt xa những kỳ vọng ban đầu, loại hình du lịch này đã nhanh chóng hút khách, không chỉ giúp các thành viên tiêu thụ nông sản ngay tại chỗ với giá tốt mà còn mang lại nguồn thu nhập kha khá từ các hoạt động dịch vụ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, một du khách ở thành phố Ninh Bình nói: Quá trình đô thị hóa đã làm diện mạo các thành phố thay đổi. Những cánh đồng, hồ, ao,… dần dần được thay thế bởi những khu đô thị hiện đại, khu công nghiệp đông đúc, ngột ngạt nên chúng tôi rất thích những không gian lắng đọng, khung cảnh tươi đẹp và hoang sơ như ở đây. Nó giúp gia đình tôi cảm thấy an toàn, tránh khỏi những áp lực của đại dịch.
Trong những lần ít ỏi du lịch Ninh Bình được mở cửa trở lại, tour du lịch trải nghiệm đặc biệt "Về nhà" của Vườn Quốc gia Cúc Phương đã nhanh chóng chiếm được trái tim của những du khách yêu thiên nhiên. Đây là lần đầu tiên ở một Vườn quốc gia tại Việt Nam, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với "ngôi nhà tự nhiên".
Anh Phạm Quốc Vinh, phụ trách Truyền thông (Vườn Quốc gia Cúc Phương) cho biết: Đến thời điểm này, mặc dù các kịch bản sống chung với COVID đã được tính đến nhưng thực tế nhiều nước vẫn áp dụng lệnh hạn chế. Vì vậy, mong muốn bình thường hóa lại các hoạt động du lịch quốc tế là điều vô cùng khó khăn và lúc này, rõ ràng du lịch nội địa vẫn khả thi hơn.
Bởi vậy, ý tưởng xây dựng tour du lịch "Về nhà" cho phép du khách, đặc biệt là khách du lịch nội địa (gần về địa lý) tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ được chúng tôi tập trung quảng bá.
Nhiều người yêu thiên nhiên đã bắt đầu truyền tai nhau về ý nghĩa của tour du lịch đặc biệt này. Bởi khi chứng kiến khoảnh khắc động vật được "hồi sinh", mỗi du khách đều được đón nhận năng lượng tích cực từ rừng già bằng cảm nhận riêng của mình…
Điều đặc biệt là sản phẩm du lịch này được hình thành trên cơ sở tham khảo những xu hướng "xê dịch" của du khách ở trong và sau đại dịch, đa phần họ chọn "sống xanh", trải nghiệm thiên nhiên thay thế cho dịch vụ nghỉ dưỡng trong các khách sạn, resort khép kín. Tour "Về nhà" kịp thời đáp ứng gần như trọn vẹn những mong muốn này. Từ khi triển khai đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức thành công 6 đợt tái thả động vật hoang dã có sự tham gia của gần 140 du khách. Đã có 101 cá thể thuộc 17 loài được tái thả về môi trường tự nhiên. Hệ lụy của đại dịch COVID-19 đã có thời điểm buộc Vườn phải tạm dừng tour để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có khá đông du khách đăng ký chờ một ngày nào đó lại được tham gia...
Còn nhiều thách thức
Tác động từ đại dịch COVID-19 khiến mọi người đều đặt sức khỏe, sự an toàn và tính linh hoạt lên hàng đầu trước mỗi lựa chọn "xê dịch". Khi rủi ro luôn tiềm ẩn, thay vì những chuyến bay xa thì loại hình du lịch gần nhà hay tại chỗ, du lịch nông thôn trải nghiệm thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa địa phương ngày càng chiếm ưu thế.
Ngoài ra, du lịch bền vững được dự đoán sẽ là một trong những xu hướng du lịch chủ đạo trong tương lai do nhận thức của du khách về các vấn đề môi trường ngày càng tăng. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của các mô hình như ở Đông Sơn hay Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Với mục tiêu phục hồi an toàn, bền vững, ngành Du lịch, tỉnh Ninh Bình đã đề ra lộ trình cụ thể, chi tiết để thực hiện. Theo đó, quý IV năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu đón 10.000 lượt khách du lịch nội tỉnh, đồng thời tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến từ các tỉnh ngoài. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.
Dự kiến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh mở cửa đón khách từ ngày 15/11 đến hết ngày 30/11/2021 và chỉ đón khách du lịch trong tỉnh với chủ đề "Người Ninh Bình đi du lịch Ninh Bình". Từ ngày 1/12 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ thí điểm đón khách du lịch ngoài tỉnh…
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đưa ra các phương án với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu như: Lựa chọn, cho phép một số công ty lữ hành tổ chức chương trình du lịch an toàn, khép kín từ Hà Nội đến Ninh Bình để đánh giá mức độ an toàn du lịch trước khi mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh. Ưu tiên kết nối tour du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các gian hàng ảo trên mạng nhằm quảng bá, thu hút khách…
Khi đã được "bật đèn xanh" cho ngày trở lại, ngay lúc này các đơn vị làm du lịch trên địa bàn không thể chậm trễ mà cần nhạy bén nắm bắt cơ hội bằng cách tự làm mới mình, từng bước xoay chuyển hình thức kinh doanh dựa trên những xu hướng du lịch trong bối cảnh "sống chung với COVID".
Bởi vậy, cần bắt đầu từ việc thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch. Sâu sát hơn trong việc xem xét những mối bận tâm chung của người tiêu dùng nhằm nắm bắt những yếu tố mà khách hàng quan tâm khi đặt tour và điều chỉnh cách tiếp cận với họ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, du lịch đoàn sẽ bị hạn chế, du lịch an toàn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bền vững,… sẽ lên ngôi.
Chuẩn bị một tua du lịch trực tuyến của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình. Ảnh: PV
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Ninh Bình cho rằng: Vấn đề bây giờ là chúng ta phải làm rõ, thống nhất được khái niệm thế nào là du lịch an toàn. Theo tôi, an toàn phải đồng bộ từ đi an toàn, ở an toàn, các dịch vụ cũng phải an toàn, gặp gỡ những người an toàn và đến thăm những điểm an toàn. Điều này phải được thể hiện rõ ra bằng những tiêu chí cụ thể.
Thời điểm này bài toán giảm chi phí dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tour chắc chắn sẽ là một trong những giải pháp kích cầu hàng đầu để các doanh nghiệp du lịch hồi sinh. Bởi vậy việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng tạo không gian xanh, trong lành phù hợp với xu hướng du lịch mới là điều cần tính đến.
Với những khó khăn sau đại dịch, các cơ sở lưu trú không dễ gì có thể đầu tư mạnh tay. Một số đơn vị đã linh hoạt thay đổi từng bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn là đảm bảo an toàn, giúp du khách gần gũi với thiên nhiên, giảm thiểu tác động lên môi trường bằng cách: hạn chế rác thải nhựa, mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cơ sở sẵn có...
Tuy nhiên, cũng cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp này để họ yên tâm đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng phục vụ du khách một cách tối ưu nhất. Thêm nữa, mọi nguồn lực của doanh nghiệp lúc này đã chạm đáy, rất cần được Nhà nước hỗ trợ cả khâu xúc tiến, quảng bá.
Cùng với đó, khi khởi động trở lại, ngành Du lịch còn gặp khó bởi lực lượng lao động đã sứt mẻ quá nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ còn một lượng rất nhỏ nhân viên bám trụ lại.
Ông Hà Huy Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngôi sao cho rằng: Để giải quyết khó khăn đó chỉ riêng sự cố gắng của các doanh nghiệp là chưa đủ, ngay từ lúc này cần thiết phải có sự vào cuộc của các ngành và Hiệp hội Du lịch để có giải pháp đào tạo đồng bộ, quy mô, kịp thời đón đầu xu hướng. Có thể khi du lịch sôi động trở lại sẽ thu hút được nhiều lao động song với đặc thù là ngành kinh tế dịch vụ, nhân lực du lịch đòi hỏi phải được cập nhật, bổ sung kiến thức để đáp ứng xu hướng du lịch mới sau những biến động từ dịch bệnh.
Các doanh nghiệp du lịch nếu trụ được qua đại dịch giống như "lửa thử vàng" càng vững vàng, lại nắm bắt được nhu cầu mới của khách hàng sẽ có thêm cơ hội phục hồi hoạt động thành công. Khoảng lặng vì đại dịch là thách thức nhưng cũng là cơ hội để những người làm du lịch nhìn lại mình, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để đón đầu xu hướng mới.