Nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, bầu trời ở đây đều phủ một màu xanh ngợp mắt nên cụ đã đặt cho động một cái tên rất đẹp và mộng mơ "Bích Ðộng" (có nghĩa là Ðộng Xanh). Ðến đây du khách sau khi viếng thăm chùa, con thuyền nhỏ sẽ đưa du khách đi quanh co trong hang núi huyền ảo. Bích Ðộng đã được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động" (động đẹp thứ nhì ở trời Nam).
Từ Bích Ðộng du khách tiếp tục ngồi thuyền đi thăm Tam Cốc. Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Lúc thuyền luồn vào ba hang, du khách sẽ cảm thấy mát lạnh. Thạch nhũ từ trần hang rủ xuống lô nhô óng ánh như những khối châu ngọc kỳ ảo.
Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ Phát Diệm ở cách Hà Nội 130 km về phía Nam, được xây dựng vào những năm 1875 - 1899. Ðây là một quần thể kiến trúc phương Ðông gồm có (từ hướng Nam đi vào): Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn với bốn Nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, Nhà thờ đá, Ao hồ hình chữ nhật, ở giữa là một hòn đảo nhỏ, trên có đài chúa Giê su làm vua.
Phương Ðình là một kiến trúc đồ sộ bằng đá (chiều ngang 24m, chiều sâu 17m, chiều cao 25m), trên vách phía ngoài và phía trong có những bức phù điêu bằng đá. Bên trong phía trên có treo một chiếc trống cái và một quả chuông (đúc năm 1890, cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần hai tấn).
Nhà thờ lớn dài 74 mét, rộng 21m, xây năm 1891, có bốn mái và sáu hàng cột gỗ lim. Hai hàng giữa là 16 cột gỗ lim (cao 11m, chu vi 2,35m). Bàn thờ chính là một phiến đá dài 3 mét, rộng 0,9 mét, cao 0,8 mét, trên ba mặt có chạm khắc hoa lá.
Hai bên nhà thờ lớn có bốn Nhà thờ nhỏ hơn, mỗi nhà thờ một kiểu. ở tận cuối phía Bắc là 3 hang đá, đẹp nhất là hang đá Lộ Ðức ở phía Ðông Bắc. Sau cùng ở góc phía Tây Bắc là Nhà thờ nhỏ, còn gọi là Nhà thờ đá vì tất cả cột, xà, tường, chắn song, tháp đều bằng đá.
Nhà thờ đá Phát Diệm là một điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Vườn Quốc gia Cúc Phương
Cây Chò
Ðến Cúc Phương đẹp nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, khi đã qua đi những cơn mưa rừng dữ dội. Vườn Quốc gia Cúc Phương nằmsát vùng đồng bằng Bắc bộ, nhất là nằm trên tuyến đường du lịch với những điểm du lịch hấp dẫn như Bích Ðộng, cố đô Hoa Lư, bãi biển Sầm Sơn... nên thuận lợi đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nằm ở rìa đồng bằng nhưng do địa hình núi đá vôi khá hiểm trở nên Vườn Cúc Phương mới được phát hiện vào năm 1960. Ðến năm 1966, Cúc Phương chính thức trở thành Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Vườn quốc gia Cúc Phương được bao bọc bởi các núi đá vôi có độ cao trung bình 300 - 400m. Ðỉnh núi cao nhất là đỉnh Mây Bạc, cao 656m. Ðến Cúc Phương, bạn được ngắm một khung cảnh thiên nhiên kỳ bí, hùng vĩ giữa rừng bướm rập rờn, tận mắt chứng kiến nhiều loại cây hàng ngàn năm tuổi như chò, chò chỉ, sấu... và những loài động vật quý hiếm như voọc quần trắng, sóc bay, cùng với những đàn hươu sao, nai đã thuần dưỡng... Ðộng, thực vật Vườn Quốc gia Cúc Phương rất phong phú. Hệ thực vật có gần 2.000 loài khác nhau, rừng đã phát triển đến giai đoạn cực đỉnh với cấu trúc 5 tầng. Chỉ riêng loài động vật có xương sống đã có tới 450 loài, chiếm 38% số loài động vật trong cả nước.
Chính vì địa hình núi đá vôi nên Cúc Phương có nhiều hang động đặc thù. Ðộng Trăng Khuyết, động Con Moong, động Phò Mã, động Người Xưa... mỗi động có vẻ đẹp kỳ thú riêng. Hãy tới Quèn Voi, tương truyền đây là nơi xưa kia quân của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã tập kết trước khi thần tốc tiến về Thăng Long đại phá quân Thanh mùa xuân 1789.
Các chương trình môi trường toàn cầu, chương trình phát triển của Liên Hiệp quốc, tổ chức quốc tế về khu hệ thực vật FFI... đã từng nghiên cứu về nét nguyên sinh điển hình của rừng nhiệt đới mưa ẩm gió mùa Đông Nam Á tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Cố đô Hoa Lư
Hoa Lư là kinh đô của nước Ðại Cồ Việt (tên xa xưa của nước Việt Nam) có cách đây gần 10 thế kỷ thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Cố đô Hoa Lư trước đây rộng khoảng 300 ha được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 - 10 mét. Kinh đô Hoa Lư bao gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là Trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh lấy núi làm án. Thành Nội thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình.
Cố đô Hoa Lư
Thành Nam (thành ở phía Nam, từ hang Luồn trở vào trong, nằm đối diện và nối liền với khu Thành Ngoại). ở đây xung quanh có núi cao bao bọc, án ngữ phía Nam kinh thành, bảo vệ mặt sau, từ đây bằng đường thủy có thể nhanh chóng rút ra ngoài.
Phía Ðông kinh thành có núi Cột cờ, nơi có lá quốc kỳ Ðại Cồ Việt, có ghềnh tháp - nơi vua Ðinh duyệt thủy quân, hang Tiền - nơi lưu giữ tài sản quốc gia, động Thiên Tôn - tiền đồn của Hoa Lư và là hang nhốt hổ, báo để xử kẻ có tội.
Ðến đời Lê Hoàn đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy: điện Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu ở phía Ðông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hỏa Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc được lợp ngói làm bằng bạc.
Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở Cố đô Hoa Lư hầu như bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay chỉ còn lại đền vua Ðinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc" gồm 3 tòa: Bái đường, Thiên Hương- nơi thờ tứ trụ triều đình của nhà Ðinh, Chính Cung-thờ vua Ðinh (ở giữa) bên trái là tượng Nam Việt Vương Ðinh Liễn (con trai cả vua Ðinh), bên phải là tượng Ðinh Toàn và Ðinh Hạng Lang (con thứ vua Ðinh).
Cách đền vua Ðinh 500 mét là đền vua Lê, thờ Lê Ðại Hành (còn gọi là Lê Hoàn). Ðền Lê qui mô nhỏ hơn nhưng cũng có ba tòa: Bái Ðường, Thiên Hương- thờ Phạm Cự Lương - người đã có công đưa Lê Hoàn lên ngôi, Chính Cung- thờ Lê Hoàn (ở giữa), bên phải là Lê Ngọa Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng Hậu Dương Vân Nga.
Ở trên đỉnh núi Mã Yên Sơn hiện có lăng mộ của vua Ðinh và vua Lê.
Ấn tượng Hoa Lư
Đến Hoa Lư - kinh đô xưa của nước Đại Cồ Việt, điểm đầu tiên chúng tôi tham quan là ngọn Mã Yên Sơn. Vượt qua 265 bậc đá cheo leo, chúng tôi lên đến lăng mộ Đinh Tiên Hoàng - vị hoàng đế cách đây hơn 1000 năm đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn. Lăng được xây bằng đá, xung quanh là cây cối um tùm và những mỏm đá vút lên trông rất ngoạn mục. Dưới chân Mã Yên Sơn là đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Đền được xây trên nền cung điện chính thuở xưa, theo kiểu "nội công ngoại quốc" uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, nút giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có "Long sàng" làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng Đinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo. Đền vua Lê nằm cách đền vua Đinh chừng 500m. Tại hậu cung của đền đặt tượng vua Lê Đại Hành. Cạnh tượng vua là tượng Dương Vân Nga và Lê Long Đĩnh (con trai của hai người). Đền vua Lê còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số đồ gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền.
Ngoài ra, khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200m) thu hút nhiều du khách đến dâng hương vãn cảnh.
Điều khiến du khách tâm đắc khi thăm khu di tích Cố đô Hoa Lư là được gặp những hướng dẫn viên rất thú vị. Câu chuyện về triều đại vua Đinh, vua Lê được họ kể một cách giản dị mà vẫn sâu sắc, đặc biệt trong đó chứa đầy niềm tự hào, thành kính của những người con Cố đô đối với tổ tiên.
Hạ Long cạn
Ninh Bình là một tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ nhưng chỉ có hai huyện Kim Sơn, Yên Khánh phì nhiêu, còn 5 huyện, thị khác đều thuộc miền sơn cước. Ruộng ít, núi nhiều; nhất là núi đá vôi.
Chính địa thế "lổn nhổn" này sau hàng triệu năm ngập trong nước biển, sóng biển vỗ không ngừng bào mòn khoét sâu núi đá, và nước mưa chứa nhiều chất a-xit có sức phá hủy đá vôi thế kỷ này sang thế kỷ khác đục sâu vào ruột núi đã tạo ra nhiều hang động có vẻ đẹp tuyệt trần.Từ thị xã Ninh Bình, cách Hà Nội 93km về phía Nam, du khách theo đường I đi 7 km nữa sẽ gặp một đại lộ rộng 50m, dài 3000m, là con đường mới mở dẫn du khách vào khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động. Cảnh đầu tiên làm du khách có thể bị ngợp là bến Văn Lâm với hàng trăm con đò đỗ san sát. Ngồi trên những con đò nhỏ, nghe tiếng mái chèo khoắng nước sông Ngô, thấy núi Văn, núi Võ, núi Mỏ Đại Bàng soi bóng xuống lòng sông trong văn vắt; giữa cảnh núi sông thanh tịch du khách đã có cảm giác khoan khoái tuyệt vời. Nhưng đâu chỉ có thế. Dòng đò nối đuôi nhau còn đưa du khách vào Tam Cốc (3 hang). Hang Cả dài 127m, rộng 45m, cao 5m; hang Hai , hang Ba tuy có ngắn hơn nhưng đều cực kỳ hấp dẫn trước muôn vàn thạch nhũ. Chạy dọc hai bờ sông Ngô là hai dãy núi đá thẳng đứng với từng thớ ngang, dọc trông như những ngôi đền Ăngko khổng lồ. Bao bọc chân núi lại vẫn là hang - hang hàm ếch do nước biển bào mòn từ ngàn đời xưa để lại.
Sau 6km ngồi đò du khách sẽ lên tham quan Bích Động. Chúa Trịnh Sâm từng gọi là Nam thiên đệ nhị động (chỉ sau động Hương Tích ở Hà Tây).
Càng được toại nguyện hơn khi du khách đi ngược về phía Tây Bắc cách thị xã Ninh Bình 20km vào đầm Vân Long ngoạn mục. Đầm có diện tích 2.643ha bao gồm núi và nước. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên rất đặc sắc của Ninh Bình. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã điều tra ra ở Vân Long có 457 loại thực vật, 39 loài thú - đặc biệt trong đó có thú Voọc quần đùi khoảng 50 con là loài vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, 62 loài chim, 26 loài bò sát, 6 loài ếch nhái, 44 loài cá, 39 loài thủy sinh sinh vật (rong, rêu… ), 37 loài động vật đáy (tôm, cua, ốc, hến,… ). Cả khu Vân Long có 14 hang động, có hang Dìa 250m, rộng 10m, cao 8m (hang Cá) hay hang Ông Thang dài 132m, rộng 9m, cao 3m… Đây là những hang xuyên thông núi với muôn ngàn nhũ đá mà chỉ có tài năng của thiên nhiên mới chạm khắc nổi. Ngồi trên những chiếc tuyền câu bé tẻo teo nhẹ nhàng lướt trên bóng núi, trên thế giới rêu tảo, say sưa nghe tiếng tí tách nước nhỏ trong hang, tiếng cá đớp mồi, tiếng ca nhiều bè của chim muông, thú, du khách có thể nhận thấy không khí ở đây trong lành mát mẻ đến mức lý tưởng.
Từ đầm Vân Long đi 25km nữa du khách sẽ đến Vườn Quốc gia Cúc Phương với tổng diện tích 22.000ha. Vườn có một quần thể động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Ở đây đã phát hiện và giám định được tên khoa học 1983 loài thực vật bậc cao, 97 loài thú, 300 loài chim, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 11 loài cá. Trong đó có 37 loài thực vật và 36 loài động vật nằm trong sách Đỏ động thực vật của Việt Nam. Du khách sẽ được thấy cây Chò nghìn năm cao 55m, gốc cây phải 16 vòng tay người ôm mới xuể.
Du khách còn được vào động Người Xưa, hang Con Moong - nơi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngôi mộ cổ, các công cụ đồ đá cùng nhiều các di vật khác cách ngày nay 7000 đến 12.000 năm. Đến Cúc Phương, du khách có thể nghỉ lại cùng ăn, ở với đồng bào Mường.
Đến Ninh Bình du khách sẽ không thể bỏ qua một điểm du lịch nổi tiếng nữa: đền Vua Đinh - Vua Lê và quần thể hang động ở Trường Yên. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nền móng của cung điện cũ nơi Cố đô cùng đồ sành sứ cách đây hơn 1000 năm. Bao bọc quanh Đền có rất nhiều hang động hấp dẫn mà muốn được chiêm ngưỡng hết du khách phải "đi miết" hai, ba ngày.
Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo đồng bào trong nước và hàng trăm khách du lịch quốc tế mỗi ngày, Nhà nước và tỉnh Ninh Bình đang đầu tư 600 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp các khu du lịch sinh thái. Những tên Trường Yên, Vân Long, Cúc Phương, Tam Cốc… sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của du khách bởi đến đây du khách cảm thấy như vào chốn bồng lai, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ và tắm mình trong bầu không khí tinh khiết, thấm vào cõi tâm hồn. Nhiều người nói, những điểm du khách vừa đi qua là Hạ Long cạn của Ninh Bình. Còn nhà thơ Giang Nam từ thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang ra tham quan Ninh Bình đã viết:
"Còn trời còn nước, còn non
Còn đi du lịch, ta còn đến đây"
Kỳ thú động Vân Trình
Từ ngã ba Gián Khẩu trên quốc lộ I, rẽ về phía tây theo đường 12B khoảng 10km đến thị trấn Me, tiếp tục đi về phía nam theo con đường Thống Nhất, khoảng 1km du khách sẽ gặp sông Hoàng Long. Từ bến thuyền sông Hoàng Long, thuyền máy sẽ đưa du khách xuôi dòng khoảng trên nửa tiếng đồng hồ để đến động Vân Trình. Động nằm trên lưng chừng một quả núi cao trên 50m. Đứng ở cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của núi rừng hoang sơ, đồng ruộng màu mỡ ẩn mình trong sương mờ, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình muôn vàn kỳ thú.
Diện tích của động Vân Trình rất lớn, khoảng trên 4.000m2. Vòm động chỗ cao nhất trên 100 m, sàn động bằng phẳng với nhiều vân hoa độc đáo. Trước đây, động còn có tên gọi là Giáng Tiên. Bởi lẽ những nhũ đá ở đây có hình dáng như những nàng tiên mềm mại đang nô đùa, nhảy múa. Động Giáng Tiên xưa là nơi các quan lại chức sắc trong vùng rất năng đi lại, viếng thăm để cầu tài, cầu lộc. Do phải phục dịch vất vả, hao người tốn của vì các cuộc viếng thăm này, dân chúng sở tại đã huy động lực lượng dùng đất, đá lấp kín lối vào động không cho ai đi lại, thăm viếng. Từ đó động Giáng Tiên mới mang tên hang Lấp và bị lãng quên trong một thời gian dài. Từ năm 2000, sau khi được ngành du lịch Ninh Bình chính thức quản lý, hang Lấp mới được đầu tư tôn tạo và được đổi tên thành động Vân Trình, ngự tại thôn Vân Trình, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Sau khi chiêm ngưỡng những nàng tên giáng trần, du khách bắt gặp những nhũ đá bằng phẳng xếp thành tấm chắn thẳng hàng, cao vút lên tận vòm động, đó chính là những bình phong đá che chở cho cả một "hoàng cung" phía sau. Vào "hoàng cung" du khách có thể chiêm ngưỡng ngai vàng của vua uy nghiêm rực rỡ với những rèm che, tán lộng được tạo ra từ nhũ đá kỳ ảo lung linh, đủ sắc màu. Cả một thế giới nhũ đá hiện ra sống động hóa thân thành ông vua đang ngồi thiết triều, những vị đại thần đang nghị luận việc vương triều, chúa Giê su đang dang tay; Phật tổ từ bi nét mặt đăm chiêu,; Lã Vọng câu cá; sư tử và đại bàng trong thế anh hùng tương ngộ, cá sấu, hải cẩu, rồng vàng, voi phục, hổ ngồi, ngựa quỳ. Sau cung vua tiếp đến khu "chợ giời" với hình ảnh Ngọc Hoàng và các vị thần tai to mặt lớn trên thiên đình đang dạo bước, trong khi những thảo dân dưới hạ giới ngưỡng vọng từ xa. Cạnh "chợ giời" có một bàn cờ tiên với các nàng tiên đứng ngồi suy nghĩ, đấu trí với Đế Thích. Một điều đặc biệt là trong động Vân Trình có nhũ đá biểu tượng "của quý" của người đàn ông mà du khách có nhu cầu cầu xin về đường con cái thường sờ tay vào. Đối diện với biểu tượng này là "cửa sinh" - một lỗ nhỏ một người chui vừa. Tương truyền nếu phụ nữ mong muốn sinh nở được dễ dàng, thì hãy chui qua đây để được các vị thần linh trợ giúp trong cơn "vượt cạn". Trên đỉnh động có một lỗ thông thiên hay còn gọi là "mắt trời"-nơi âm dương tương ngộ, đất trời giao hòa. Đi sâu vào trong động, du khách càng như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Đây là bể nước trong vắt cho những nhũ đá như những "bầu vú" của mẹ núi nhỏ xuống đêm ngày. Rải rác ở những ngóc ngách, hang tối là những vựa thóc, đụn bạc, kho tiền mà du khách nào muốn tìm kiếm vận may, tài lộc có thể đến để chiêm ngưỡng và cầu xin. Đặc biệt, cao sừng sững giữa hậu cung là chiếc cột đá chống trời, có thể gọi là "kình thiên nhất trụ". Sau khi tham quan "đường lên giời", du khách tiếp tục theo "đường xuống lòng đất" thông sang bên kia núi thăm ngôi chùa hang thờ tượng phật.
Do ở vào địa thế không thuận lợi, đường sá đi lại khó khăn, bị lãng quên trong thời gian dài, động Vân Trình chưa có dịp đón chào những ông vua, bà chúa, những thi nhân, danh nhân nổi tiếng qua các thời kỳ lịch sử ghé thăm, ghi lại bút tích. Song hiện nay đã có nhiều người, trong đó có không ít du khách nước ngoài đang tìm đến với Vân Trình. Động Vân Trình như nàng công chúa xinh đẹp bị lãng quên sau giấc ngủ dài nay đã vươn mình tỉnh giấc, đón đợi mỗi tao nhân mặc khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Làng thêu Ninh Hải
Làng thêu Ninh Hải (huyện Hoa Lư- Ninh Bình), là nơi có nghề thêu ren nổi tiếng. Nghề thêu đã gắn chặt với người dân nơi đây từ bao đời nay, cứ thế hệ này qua đi thế hệ sau lại tiếp nối để làm ra những sản phẩm tinh tế đặc sắc.
Thời phong kiến, các sản phẩm của làng thêu Ninh Hải được lựa chọn để cung tiến cho các phủ lại và triều đình. Còn ngày nay, sản phẩm mà người dân Ninh Hải làm ra đã trở thành mặt hàng truyền thống đặc sắc, chuyên bán cho khách du lịch nước ngoài và các cửa hàng ở các thành phố lớn. Ông Chu Đức Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Nghề thêu hoàn toàn thủ công, mỗi mặt hàng làm ra lại mang vẻ đẹp riêng, không giống vẻ đẹp của các sản phẩm làm bằng máy móc...! Trải qua bao nhiêu năm phát triển, nghề thêu đã trở thành nghề chính của người dân Ninh Hải. Những năm 1990, 100% số lao động của Ninh Hải làm thêu, từ già đến trẻ trong làng đều tham gia vào làm các sản phẩm thêu, người có tay nghề thấp thì làm những sản phẩm đơn giản, rẻ tiền, người có tay nghề cao thì làm các sản phẩm tinh xảo hơn, đắt tiền hơn.
Tuy thu nhập không cao, trung bình chỉ đạt từ 15.000 - 20.000 đồng/ngày, nhưng công việc ổn định. Gần đây, khu di tích Tam Cốc - Bích Động phát triển mạnh, mỗi năm thu hút hơn 60 nghìn khách du lịch nước ngoài và hàng chục nghìn khách du lịch trong nước thì số lao động làm thêu cũng giảm dần, chuyển sang làm các dịch vụ phục vụ khách du lịch như chèo thuyền, bán hàng ăn... Số lao động chuyên làm thêu giờ chỉ còn 47% số lao động của Ninh Hải. Ông Đỗ Ngọc Lâm-Trưởng thôn Văn Lâm, một thôn có nhiều nghệ nhân cho biết: Số lao động làm nghề thêu giảm xuống chỉ còn khoảng 1.500 người, nhưng đây không phải là chiều hướng đi xuống của làng thêu mà đây là hướng phát triển theo chiều sâu, bởi số lao động còn tiếp tục làm thêu đều là những thợ lành nghề và các tay kim nổi tiếng của làng, có thể tự mình hoàn thiện các yêu cầu của khách. Văn Lâm còn 8 nghệ nhân cao tuổi có kinh nghiệm mấy chục năm đang tích cực truyền nghề cho các thế hệ trẻ trong làng...! Nếu trước kia nghề thêu chỉ phát triển theo quy mô gia đình nhỏ hẹp, thì nay đã phát triển thành 10 tổ hợp sản xuất và 6 doanh nghiệp tư nhân chuyên làm các mặt hàng thêu, huy động hầu hết các tay kim giỏi trong làng, với mức lương dao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/người/tháng. Các tổ hợp sản xuất này đều đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, mà hầu hết là xuất khẩu ra nước ngoài. Chị Đinh Thị Thiên Hương, một Việt kiều Mỹ đại diện cho một hãng may mặc lớn về lấy hàng ở Ninh Hải nói: Các mặt hàng thêu ren của Ninh Hải rất tuyệt vời, người tiêu dùng Mỹ rất thích, chúng tôi đã ký kết và nhập nhiều lô hàng của Ninh Hải, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đặt cơ sở thu mua tại Ninh Hải và đặt các mặt hàng tới từng cơ sở...!
Mỗi đơn đặt hàng trị giá từ 1.000 đến 1.500 USD thì chưa phải là lớn, nhưng đây đang là hướng đi mới và là triển vọng cho làng thêu Ninh Hải trong thời gian tới. Để tích cực mở rộng ra thị trường các nước, một số chủ các tổ sản xuất, giám đốc doanh nghiệp đã mua máy FAX, nối mạng để chào hàng. Song hiện trạng thiếu vốn, thiếu những kiến thức về xuất khẩu đang là những khó khăn cản trở sự phát triển của làng thêu Ninh Hải. Chị Vũ Thị Yến - Doanh nghiệp thêu Minh Trang cho biết: Để xây dựng được một tổ sản xuất... hay một doanh nghiệp chúng tôi phải huy động 300 đến 500 triệu đồng, mà hiện nay việc cầm cố vay vốn gặp rất nhiều trở ngại. Hiện nay, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nơi đây đều có nguyện vọng được vay vốn với lãi suất thấp để phát triển làng nghề. Nghề thêu là nghề nhẹ nhàng, lại có nhiều triển vọng và nhất là không gây ô nhiễm môi trường nên việc tạo điều kiện để phát triển là hướng các cấp chính quyền nên nhìn nhận xem xét.
Du lịch Ninh Bình
Làng Du lịch quốc tế Vạn Xuân (thị trấn Thiên Tôn - Hoa Lư - Ninh Bình) đã xây dựng một tour du lịch đặc biệt với chủ đề "Tour du lịch cuối tuần Vạn Xuân". Tour được bố trí hài hòa giữa nghỉ ngơi và tham quan giải trí
Theo tour này khách sẽ được nghỉ ngơi tại Làng Du lịch quốc tế Vạn Xuân, một quần thể biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, tọa lạc trong một khuôn viên rộng gần 2 hecta với vườn cây đẹp, bên cạnh động Thiên Tôn, cách Hà Nội 83 km. Rồi từ đây, du khách sẽ được đi thăm Nhà thờ đá Phát Diệm, một kiến trúc tôn giáo độc đáo bậc nhất Đông Dương, được thăm Vườn quốc gia Cúc Phương yên tĩnh và trong lành, nơi hội tụ của nhiều loài chim, thú quý như gấu, ngựa, lợn lòi, hổ...
Cũng trong chương trình khách sẽ được thăm Cố đô Hoa Lư lịch sử, ngắm nhìn cây Chò nghìn năm tuổi, tham quan động Thủy Tiên, động Người Xưa và đắm mình vào cảnh đẹp tuyệt vời của danh thắng Tam Cốc - Bích Động.
Giá tour trọn gói Hà Nội - Ninh Bình (2 ngày, 1 đêm) từ 273.000 đồng/khách đến 318.000 đồng/khách cho đoàn 10-15 người và từ 253.000 đồng/khách đến 306.000 đồng/khách cho đoàn 20-30 người.
Kỳ thú động Hoa Sơn
Ðộng Hoa Sơn là một trong những động đẹp của tỉnh Ninh Bình nằm ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Động nằm ở lưng chừng núi, thuộc dãy núi phía đông nam kinh thành Hoa Lư xưa.
Du khách lên thăm động phải bước qua 153 bậc đá, lên độ cao gần 70 mét so với chân núi. Lối lên động có nhiều cây cổ thụ làm cho phong cảnh êm dịu, mát mẻ. Càng lên cao, không khí càng trở nên thoáng nhẹ.
Ðứng trước cửa động, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên có non cao, động thẳm, sông ngòi kỳ thú. Thiên nhiên như đã ưu ái riêng chốn này để che chở, bảo vệ kinh đô thời Ðinh - Lê cách đây hơn 10 thế kỷ.
Tương truyền, thời nhà Ðinh, động là nơi nuôi ấu Chúa, nên còn có tên là "Phôi Sinh Tự". Nhân dân vùng này quen gọi là "Chùa Bà Ðẻ". Người dân ở đây thấy động đẹp đã lấy làm chùa thờ Phật. Ðộng chính là một "ngôi chùa" thiên tạo. Ðộng cao sâu nên "chùa" càng rộng lớn. "Ngôi nhà bảo tàng" tự nhiên này có nhiều pho tượng đẹp và những nhũ đá kỳ thú.
Trước cửa động, ở bên phải có hai pho tượng bằng đá được đánh bóng nhẵn thờ hai ông bà có công tu sửa chùa, tên là Nguyễn Hữu Non và Lê Thị Sánh. Tượng ông Nguyễn Hữu Non ngồi theo thế nhà Phật, tay phải cầm chiếc quạt giấy mở ra trước ngực, tay trái để trên đùi. Tượng bà Lê Thị Sánh cổ đeo tràng hạt, hai bàn tay để dưới tràng hạt. Văn bia khắc ở vách núi phía bên trái cho biết ông bà sửa chùa năm 1815.
Vào thời Nguyễn, vua Tự Ðức trong chuyến tuần du ra Bắc Hà, nghe đồn ở đây có "chùa" đẹp đã ghé thăm. Nhà vua vào động lễ Phật, thấy động kỳ ảo nên đã đổi tên động thành "Hoa Sơn Ðộng". Từ đấy động được gọi là "Ðộng Hoa Sơn" hay "Chùa Hoa Sơn". Nhà vua còn lệnh cho quan sở tại tập hợp lại các ngôi mộ thuộc Hoàng tộc nhà Ðinh và những người có công với triều Ðinh, cho xây lăng Nghĩa Chủng ở khu đất rộng chừng 3 mẫu. Hiện nay, lăng Nghĩa Chủng xây bằng đá vẫn còn, nằm ở phía đông nam, cách động Hoa Sơn chừng 150 mét. Nhà vua cũng truyền cho quan sở tại cấp 2 mẫu ruộng ở phía đông bắc động, giao cho nhân dân địa phương trồng cấy hằng năm, lấy lương thực để cúng tế trong chùa, gọi là ruộng Phù Tự.
Cửa động Hoa Sơn có mây vờn, sương phủ linh thiêng, nước rơi tí tách quanh năm từ các nhũ đá. Cửa tiền của động, chiều ngang 12 mét, chiều cao khoảng 20 mét, có cây Ða Bà rễ thả trước cửa động. Bên trái cửa tiền có chiếc khánh đá to, gõ vào nghe trầm bổng âm u như tiếng chiêng. Chiều dài của động bằng chiều ngang của núi, khoảng 100 mét, xuyên qua núi, có ba hang liền nhau, tam cấp, từ thấp lên cao là: Hang Hạ, hang Trung và hang Thượng.
Vào cửa tiền, bước lên cao gần 3 mét mới đến hang Hạ. Hang Hạ là "một ngôi chùa" thiên tạo. Ở đây thờ Phật, có nhiều tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Hai bên "chùa" là hai lối lên hang Trung. Du khách bước lên 10 bậc đá, cao gần 6 mét là đến hang Trung. Đây là nơi có cảnh sắc thiên tạo tuyệt vời. Hang Trung giống như một ngôi nhà vòm cao rộng, chiều cao khoảng trên 30 mét. Trần hang là những khối đá hình vòm nhẵn lỳ như đánh bóng.
Từ nền hang Trung nếu dựng đà giáo sẽ lên được trần hang và bước vào một hang nữa nằm trên đỉnh hang Trung. Hang này cũng rộng và dài, đều là những vòm đá nhẵn lỳ tạo thành.
Từ hang Trung bước lên độ cao hơn 8 mét nữa mới đến hang Thượng. Hang Thượng nhỏ hơn, cửa hang ở phía tây lại thấp, chỉ cao bằng đầu người. Bước lên cao gần 2 mét nữa, du khách mới ra được cửa hậu hình loe, nhỏ hơn cửa tiền. Nền cửa hậu là một lớp đá phẳng, có độ cao so với chân núi khoảng trên 100 mét, không có lối xuống núi. Ðứng ở đây, du khách phóng tầm mắt ra xa là thấy những cánh đồng lúa xanh mướt và dãy núi Trường Sơn trùng điệp nhấp nhô xám nhạt. Quả là cứ đi lên cao dần, vẻ đẹp thần tiên lại hiện thêm ra.
Ðộng Hoa Sơn là động xuyên qua núi nên lúc nào cũng có sương sa, gió thổi. Trong động mùa hè mát mẻ, mùa đông lại ấm áp. Du khách đến đây tâm linh như được trở về với cội nguồn, hòa nhập với thiên nhiên thanh tao, cao khiết, để rồi chất ngất, đắm say, có được giây phút tĩnh lặng thiêng liêng.
Ninh Bình - một vùng non sông huyền thoại, kỳ thú
Dọc theo đường 1A xuôi về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 93km, du khách đặt chân đến đất Ninh Bình là đã đến "vịnh Hạ Long cạn". Non nước Ninh Bình trùng điệp, sơn thủy hữu tình, đẹp như một bức tranh lụa. Bàn tay tạo hóa khéo sắp đặt cho một vùng đất với độ dài hơn 100km hóa đá, có gần 30 di tích lịch sử và thắng cảnh, từ rừng nguyên sinh Cúc Phương đến vùng biển "Núi vàng" Kim Sơn.
Từ thị xã Ninh Bình, khách du lịch vào núi Non Nước, tên chữ là Dục Thúy Sơn- Con chim trả xanh- một thắng cảnh nổi tiếng còn ghi bao nhiêu sự tích. Nơi này cách đây 10 thế kỷ đã được vua Ðinh Tiên Hoàng chọn làm tiền đồn bảo vệ kinh đô Hoa Lư. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, cảm nhận: "Núi đẹp như bông sen nở trên mặt nước, như cảnh tiên giữa trần gian". Từ thượng cổ các danh nhân, kẻ sĩ và nhiều vị vua đã ghé thăm, đã khắc hàng trăm bài thơ trên mình con chim trả khổng lồ hóa này.
Cách Dục Thúy Sơn vài trăm mét về phía Nam có núi Ngọc Mỹ Nhân. Nhìn núi giống như một mỹ nữ nằm trần đã quá giấc nồng giữa thanh thiên bạch nhật.
Ðến Ninh Bình người ta nhớ đến một cố đô Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên, một miền núi non sông nước hiểm trở. Nơi đây có núi Trường Yên, có sông Hoàng Long như thành cao, hào sâu bảo vệ và tôn thêm vẻ đẹp của cố đô Hoa Lư cổ kính. Năm 968, sau khi dẹp loạn mười hai sứ quân, Ðinh Bộ Lĩnh thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Ðại Cồ Việt và chọn Hoa Lư làm kinh đô. Nơi đây là quần thể di tích lịch sử hai triều Ðinh và Tiền Lê. Trên núi Mã Yên Sơn có lăng vua Ðinh, bên cạnh có đền thờ vua Lê Ðại Hành.
Ở huyện Hoa Lư còn có quần thể danh thắng và di tích lịch sử Bái Sơn, với Bích Ðộng Tam Cốc, được mệnh danh là Nam thiên đệ nhị động, sau Nam thiên đệ nhất động Hương Tích. Trong động còn giữ được nhiều di tích, nhiều cổ vật quý báu như rồng đá và hai khối đá lạ, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng đàn một trầm, một bổng hòa lẫn với tiếng chuông chùa trầm mặc.
Tam Cốc còn có tên Xuyên Thúy Ðộng, có nhiều hang động quanh co hiểm trở đẹp như Bồng lai Tiên cảnh. Ngày trước, vua Trần đã chọn nơi đây làm căn cứ chống giặc Nguyên Mông.
NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM LÀ MỘT TRONG NHỮNG KỲ QUAN CỦA §ÔNG NAM Á, là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp tinh hoa văn hóa phương Tây và phương Ðông. Nhà thờ được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ. Trong kiến trúc từ lầu chuông đến Thánh đường được chạm khắc tinh xảo, đó là sự kết tinh tài năng và trí tuệ sáng tạo tuyệt đỉnh của Việt Nam thời bấy giờ.
Ðịch Lộng, thuộc huyện Gia Viễn được coi là Nam thiên đệ tam động, đẹp thứ ba trời nam. Từ cảm giác huyền ảo của đất trời Ðịch Lộng, ta đến với rừng nguyên sinh Cúc Phương là ta trở về với triệu năm, gặp sự thanh thản và yên tĩnh trong tâm hồn, để suy ngẫm nhìn nhận cuộc đời và trách nhiệm với cộng đồng thực tại và tương lai.
Năm 1998, UBND tỉnh, Sở Du lịch Ninh Bình đã khảo sát và phát hiện khu du lịch Vân Long, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn. Có thể nói, sau Tam Cốc- Bích Ðộng, khu Vân Long là nơi du lịch có quy mô lớn, không gian rộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Từ đi bộ, đi thuyền, leo núi, tắm sông, đi chơi dã ngoại, đến thăm hang động, chùa chiền cổ kính rêu phong. Mùa khô cũng như mùa nước nổi, Vân Long lúc nào cũng như vịnh HẠ LONG THU NHỎ TRÊN ĐẤT NINH BÌNH. Ở ĐÂY TỒN TẠI nhiều loại động vật quý hiếm như voọc hàng đàn trèo leo trên vách núi, dòng sông xanh trong với đàn cá bơi lội nhởn nhơ đẹp mắt đã đưa vùng non nước này vào điểm du ngoạn của khu du lịch, làm hành trang cho ngành du lịch Ninh Bình bước vào điểm hẹn du lịch trong thế kỷ XXI.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong một dịp đi thăm cố đô Hoa Lư và đền Vua Ðinh- Lê đã cho ý kiến tỉnh Ninh Bình cần nâng cấp tôn tạo công trình cố đô Hoa Lư, trình UNESCO công nhận đây là di tích văn hóa thế giới, nâng cấp lễ hội cố đô Hoa Lư thành lễ hội quốc gia, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với tu bổ các di tích.
Phát huy những lợi thế của mình, thực hiện nhiệm vụ mới của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Ninh Bình đang từng bước hoàn thiện các tour du lịch, đổi mới phong cách phục vụ để cảnh và người Ninh Bình là nét đáng yêu đáng nhớ trong lòng du khách.
Đền Vực và truyền thuyết về người con gái tiết nghĩa
Đền Vực nằm bên bờ sông Hoàng Long, thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Đền được xây dựng từ thế kỷ thử 16. Tương truyền rằng, đây là một ngôi đền rất thiêng, lại chỉ cách cố đô Hoa Lư 3 km về phía Tây Bắc và lại nằm trên đường đến khu du lịch hồ Đồng Chương bởi vậy đây cũng là một điếm dừng chân lý tưởng cho du khách khi du lịch về mảnh đất Ninh Bình.
Truyền thuyết kể lại rằng vào thời nhà Mạc có một vị tướng tên là Nguyễn Quyện được lệnh đưa quân về trấn thú tại Trường Yên. Ông có người con gái tên là Nguyễn Thị Niên rất xinh đẹp, giỏi văn lại giỏi cả võ nên được ông cho đi theo mình. Trong đoàn quân của Nguyễn Quyện có hai vị quận công là Quận Mỹ và Quận Kế. Trong hai người thì Quận Mỹ văn võ song toàn, tính tình lại thuần hậu khoan hòa. Còn Quận Kế thì ngược lại văn võ đều tầm thường, tính tình lại huênh hoang, hợm hĩnh hay cậy thế vương triều. Cả hai vị quận công cùng đem lòng yêu mến người con gái của Nguyễn Quyện. Sau bao lần thử thách, Nguyễn Thị Niên đã nặng lòng yêu Quận Mỹ. Còn Quận Kế cũng bao lần tìm cách quyến rũ nhưng nàng đều khéo léo từ chối. Thấy vậy Quận Kế bèn chuyển sang thuyết phục Nguyễn Quyện. Sau một thời gian bị thuyết phục, Nguyễn Quyện cũng bị xiêu lòng bởi Quận Kế. Bị cha ép gả Nguyễn Thị Niên vô cùng đau khổ không muốn cưỡng lệnh cha nhưng nàng lại thú thực rằng mình đã yêu Quận Mỹ. Và nàng xin cha cho hai người được thử tài, ai thắng thì nàng sẽ lấy làm chồng.
Lúc ấy ở đoạn Vực Vông có một vực xoáy lớn, hàng năm gây ngập lụt và tai họa cho dân làng. Vì vậy nơi đây có một tục lệ là mỗi năm phải cúng lễ và sau đó ném một người con gái xuống vực xoáy cho thuồng luồng ăn thịt. Nếu không làm vậy, họ nghĩ rằng thần sẽ dâng nước gây tai họa cho cả vùng. Bất bình trước tục lệ này nên nàng Niên yêu cầu hai người phải tìm ra nguyên nhân để phá bỏ nó. Sau một thời gian tìm hiểu Quận Mỹ thuê người lặn giỏi xuống vực xoáy thăm dò và tìm ra được nguyên nhân: do dòng chảy bị đá ngầm ngân làm đổi hướng. Năm nào nước lên to, vực xoáy càng chảy xiết thì thuyền bè càng có nguy cơ bị nhấn chìm, gây thiệt hại lớn cho người dân trong vùng. Chỉ cần kê đá xoay lại dòng chảy thì sẽ không còn vực xoáy nữa. Và họ đã thuê người phá đá trên núi lấp dòng chảy đối lưu. Sau đó họ còn tìm ra được tục lệ này chính là do bọn kỳ hào địa phương đặt ra để ăn hối lộ của dân.
Không đạt được sở nguyện lại bị bẽ mặt vì thua cuộc, Quận Kế tìm cách trả thù. Hắn ép một số người dưới quyền làm sớ tâu về triều vu Nguyễn Quyện lộng quyền, tự ý phá bỏ phong tục của dân làng. Vua nghe lời Quận Kế, triệu Nguyễn Quyện về cung để hỏi tội và cử Quận Kế lên thay chức Nguyễn Quyện. Được lên cầm quyền, nhân lúc có quân nhà Lê kéo từ Đàng Trong ra, Quận Kế bèn cử Quận Mỹ đem quân đi chặn địch. Nhân cơ hội này, Quận Kế sai một tên tử tù trà trộn vào quân địch dùng mũi tên độc bắn chết Quận Mỹ tại trận. Lúc đó, có một người lính rất yêu quý Quận Mỹ và bà Niên đến ôm xác Quận Mỹ và phát hiện ra mũi tên giết ông có khắc tên Quận Kế, người lính bèn rút tên đó mang về cho bà Niên.
Sau khi giết được Quận Mỹ, Quận Kế tìm cách để bà Niên xiêu lòng, hắn xin bà được kết nghĩa trăm năm. Mặc dù căm giận nhưng bà Niên vẫn nhận lời để tìm cách trả thù cho cha và chồng và yêu cầu tha cho cha nàng. Bà hẹn đoạn tang chồng và sau khi làm lễ tế chồng trên một chiếc thuyền đậu ở sông Hoàng Long thì sẽ kết hôn cùng Quận Kế. Đúng hẹn, bà mời Quận Kế xuống thuyền chuốc rượu. Đợi đến lúc hắn say, bà cho người trói hắn lại và kể tội hắn đã hại cha bà và giết chồng bà. Uất hận, bà sai chặt đầu Quận Kế đem tế chồng. Sau đó, bà nhảy xuống sông tuẫn tiết, thi hài bà trôi dạt vào vực Vông. Thương tiếc và biết ơn bà, nhân dân đã lập đền thờ bà ngay cạnh đó và gọi là đền Vực.
Ngày nay, khi đến Ninh Bình, ngoài việc thăm các điểm du lịch khác du khách có thể đến thăm đền Vực, thắp hương để tưởng nhớ về một người con gái tài hoa, tiết nghĩa. Đồng thời thưởng thức cảnh đẹp thanh nhã u tịch của ngôi đền.
Vân Long - Khu du lịch sinh thái đất ngập nước hấp dẫn
Vân Long là khu bảo tồn đất ngập nước thuộc loại lớn của đồng bằng Bắc Bộ có hệ sinh thái núi đá vôi với nhiều động đẹp và có giá trị du lịch như hang Cá, hang Bóng, hang Rùa.
Vân Long và các vùng phụ cận còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng như đền Đức Thánh, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, động Hoa Lư.
Ngoài hai hệ sinh thái chính, Vân Long còn có hệ sinh thái đồng ruộng, rừng trồng...