Được người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi phải vượt qua chặng đường rừng khá dài với cả một dãy núi cao hàng trăm mét. Dù đã biết trước là đường khó đi, nhưng tôi không nghĩ lại khó đi đến thế. Gọi là đường, nhưng thực ra chỉ là lối mòn nhỏ leo qua núi do người dân tạo ra, rất nhiều chỗ dốc đứng, leo lên đã khó, đi xuống càng nguy hiểm
bởi rất dễ bị trượt ngã. Mệt mỏi là thế, nhưng khi vào đến động, chúng tôi đến được động Trà Tu và thực sự ngỡ ngàng và quên ngay mọi vất vả trên đường đi bởi cảnh đẹp tuyệt vời của hang động nơi đây.Động Trà Tu nằm ở lưng chừng núi với độ cao hơn 200m, động có hai hang (hang Sáng và hang Tối), hang nào cũng có cấu trúc tự nhiên tuyệt đẹp với vô vàn măng đá, rèm đá, cột đá, nhũ đá nhiều tầng, nhiều lớp có hình thù, kích cỡ khác nhau, có nhiều chỗ trông như các tòa tháp. Với chu vi khá rộng, vòm hang cao, ánh sáng từ cửa hang phản chiếu lên các cột đá, rèm đá tạo nên sự lung linh huyền ảo như trong cung điện. ít nơi nào có được sự tập trung dày đặc các thạch nhũ đến thế với đủ loại hình thù như quả phật thủ, ngà voi, con rồng, con trăn, con rắn, đàn rùa Trong động có những rèm đá xếp liền nhau trông như những phím đàn, gõ vào thì phát ra những âm thanh trầm, bổng nghe thật lạ và vui tai.Động Trà Tu là hang khá dài với dãy hành lang chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ sáng, chỗ tối và rất nhiều ngóc ngách, hình thành khá nhiều phòng riêng biệt. Trong hang có bệ thờ Phật, có đường đi lên
trời và có lối xuống âm phủ, đặc biệt là nhiều chỗ trong hang có những hố nước trong mát nhỏ xuống đều đều từ trần hang, quanh năm không cạn. Người dân địa phương dẫn đường nói với chúng tôi nên uống nước ở các vũng nước trong hang vì rất tốt cho sức khỏe. Tương truyền ở đây có loại thuốc tiên gọi là "linh đan" được chế ra từ các nhũ đá, có thể chữa được bách bệnh. Chưa biết có đúng không, quả thật, sau cả một chặng đường leo núi băng rừng mệt đứt hơi, vào được trong hang có không khí trong lành, thoáng đãng lại uống nước mát lạnh, chúng tôi thấy tỉnh táo hơn rất nhiều.Lúc quay ra, ngồi nghỉ ở cửa hang trước khi xuống núi, tôi chợt phát hiện ra ở đây yên
tĩnh
và hoang sơ quá. Hỏi người dẫn đường là sao không thấy có khách du lịch vào thăm động thì được trả lời là tại đường khó đi quá, không phải ai cũng vào được, chỉ những người khỏe và can đảm mới đi được và thường là họ chỉ đi một lần rồi thôi. Mặt khác ở đây chưa có dịch vụ nào phục vụ du khách cả, khu dân cư ở khá xa, chỉ có những người khai thác sản phẩm rừng núi, thỉnh thoảng vào đây. Có thời gian người ở nơi khác đến đây lấy nhũ đá về làm đá cảnh. Tôi để ý đúng là có nhiều nhũ đá đã bị gãy, bị mất, thật đáng tiếc. Trong suốt hành trình trở về, mặc dù trong đầu đầy ắp những hình ảnh đẹp lung linh của một kiệt tác thiên nhiên kỳ thú, nhưng tôi không khỏi băn khoăn bởi tại sao một hang động tuyệt vời, một tiềm năng du lịch quý như thế mà không được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận và chưa được quan tâm đầu tư, khai thác một cách xứng tầm.Làm việc với lãnh đạo ngành Du lịch, đồng chí Nguyễn Văn Luyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau khi khảo sát và có các đề tài khoa học nghiên cứu, điều tra có thể khẳng định rằng: Động Trà Tu là một trong những động đẹp nhất của vùng núi đá Ninh Bình, sánh ngang với động Hương Sơn. Động
Trà Tu là một danh thắng thuộc khu B của Quần thể di tích Phòng tuyến Tam Điệp đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây là một động kỳ thú, còn giữ được nhiều nhũ đá tự nhiên, là nhóm hang động có dấu tích của con người thời kỳ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn như hang Mo, hang Trâu, hang Cò, hang Khỉ… Động Trà Tu có thể gắn với các danh thắng, di tích khác như Đèo Ba Dội, Kẽm Đó, Lũy Quang Trung, Lũy Quèn Thờ, Đền Dâu, Đền Quán Cháo, động Tam Giao, sân gôn hồ Yên
Thắng… để hình thành nên các tuyến du lịch phục vụ du khách. Với giá trị cảnh quan, lịch sử, động Trà Tu có thể đưa vào phục vụ du khách tham quan, với các loại hình
như du lịch văn hóa, du lịch nghiên cứu lịch sử, du lịch sinh
thái…Để khai thác du lịch ở khu vực này có hiệu quả, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng quy hoạch Khu du lịch Tam Điệp - Phòng tuyến Biện Sơn. Trong thời gian tới, Ngành sẽ đề xuất với
tỉnh cũng như phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan triển khai các phương án
hợp lý để bảo vệ, bảo tồn và phát triển các giá
trị của tài nguyên du lịch; kêu gọi các
tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để khai thác tiềm năng du lịch tại khu vực.Từ sau chuyến đi, chúng tôi luôn mơ ước, một ngày nào đó (sớm thôi), nơi đây sẽ được quan tâm đầu tư mở đường vào thuận tiện như san núi, hạ thấp độ dốc, xây bậc đường đi hoặc có hệ thống cáp treo đi qua núi. Trùng tu, nâng cấp, xây dựng nơi thờ Phật để đáp ứng nhu cầu tâm linh của du khách; nghiên cứu, kết luận, khai thác nguồn dược liệu "linh đan" ở động
Trà Tu để phục vụ du khách; tổ chức các hoạt động dịch vụ khác tại khu vực hang động như bán đồ lưu niệm, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và trước hết cần có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác thạch nhũ trái phép trong khu vực hang động.
Bài, ảnh: Hà Mi