Xuân này, cụ Đinh Ngọc Kiểm ở thôn Phú Long (xã Khánh Phú) bước qua tuổi 82. Không còn sự tráng kiện, tinh nhanh của một đô vật có tiếng một thời, song năm nào cũng vậy, cứ sắp đến ngày làng mở hội là cụ lại thao thức, tất bật chuẩn bị mọi thứ để sới vật của làng diễn ra trọn vẹn niềm vui.
Với cụ Kiểm và bao thế hệ người dân Khánh Phú, đấu vật không chỉ là cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời trong lễ hội làng, mà đó còn là sự gửi trao bao khát vọng của nhân dân về một năm mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh và phồn vinh.
"Hội thi đấu vật được tổ chức dịp đầu Xuân đã có từ rất lâu đời nhằm tôn vinh những thanh niên cường tráng, ngoài yếu tố vui khỏe những ngày đầu Xuân, hội vật còn mang đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin của người con Khánh Phú"- cụ Kiểm nói vậy.
Sáng ngày mùng 4 Tết, khi vạn vật vẫn còn chìm trong làn sương trắng, cụ Kiểm đã trở dậy, diện trang phục thi đấu của một đô vật và thực hiện vài động tác khởi động. Năm nay, không chỉ đảm nhận vai trò "cố vấn" chuyên môn cho hội thi, cụ Kiểm còn đích thân đăng kí thi đấu một keo. "Với sự tham gia của các đô vật cao tuổi sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, là cách để truyền cảm hứng đến với các vận động viên, nhất là các vận động viên trẻ tuổi"- cụ Kiểm nói.
Bình minh ló rạng, cụ Kiểm hòa vào dòng người về với đình Thượng- một di tích lịch sử của xã và là nơi diễn ra các nghi thức tế lễ, các hoạt động văn hóa đậm sắc màu dân tộc. Sau các nghi thức tế, lễ truyền thống, cụ Kiểm sẽ là một trong 38 đô vật thi đấu đầu tiên trong mùa lễ hội năm nay.
Theo quy định của Ban tổ chức, về cơ bản, hội vật cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Thể thức thi đấu sẽ diễn ra theo vòng tròn, chọn những người chiến thắng ở từng vòng để vào tranh tài ở trận bán kết, chung kết…
Trong quá trình diễn ra hội thi, nếu phát hiện đô vật nào có mùi bia, rượu thì sẽ không được phép lên sới vật tranh tài. Sau tiếng trống khai hội, các đô vật biểu diễn những thế vật đẹp, lần lượt từng cặp ra tranh tài. Để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ với đón đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng"…
Ông Lê Thanh Thu, Chủ tịch MTTQ xã Khánh Phú cho biết, để cuộc thi đấu vật thực sự trở thành ngày hội của người dân xã Khánh Phú, những năm qua, địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân mọi lứa tuổi thường xuyên tham gia tập luyện, vừa là rèn luyện sức khỏe, vừa để góp phần nâng cao chất lượng hội thi mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Những cụ cao niên trong làng chính là huấn luyện viên, chỉ bảo từng động tác, từng thế vật đẹp cho con em mình.
Vì vậy, nếu trước đây chỉ những người trung niên mới tham gia đấu vật thì những năm gần đây, "làng vật" Khánh Phú còn xuất hiện cả những đô vật tuổi thiếu nhi, thiếu niên.
Có những hộ có 3 đời đều tham gia thi vật như gia đình ông Phan Văn Thể, gia đình ông Quán, ông Lượng… So với bề dày truyền thống, hội vật làng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Khánh Phú mỗi khi Tết đến Xuân về.
Hội vật cũng là nơi những người con xa xứ đi làm ăn xa trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, gặp mặt người thân, bạn bè trước khi tự tin đóng khố bước vào sới vật tranh tài với tinh thần thượng võ, lạc quan.
Đặc biệt, ở hội thi năm nay, ngoài các đô vật là người địa phương còn có sự tham gia của vài cặp đô vật đến từ thành phố Ninh Bình.
Việc xuất hiện các đô vật ở địa phương khác đã phản ánh phần nào sức hấp dẫn của hội thi vật trong lễ hội làng. Vì vậy, để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương, với các đô vật ngoài địa phương, Ban tổ chức ban hành những nội quy cụ thể, lột tả được tinh thần thượng võ, fair-play của người dân Khánh Phú.
Trong quá trình thi đấu, các đô vật không được ra đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng của đối phương như bẻ, vặn, tấn công bằng đầu, yết hầu… Hầu hết các vận động viên đều thi đấu hết mình, tạo nhiều pha gay cấn khiến người xem bất ngờ, hứng thú.
Nguyễn Hùng