Ấn tượng du lịch Ninh Bình Tại hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình mới được tổ chức nằm trong chuỗi các sự kiện Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An", nhiều đại diện các công ty lữ hành lớn trên cả nước đã có những nhận xét và đánh giá rất tích cực về du lịch Ninh Bình.
Chị Phạm Thị Thu Minh, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã có sự phát triển ấn tượng. Ngoài các tour, tuyến và các sản phẩm du lịch đã có như khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, khu Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, động Thiên Hà, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm.... Ninh Bình đã phát triển rất nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Ông Sato Eiichi (Công ty Du lịch StarLotus của Nhật Bản) - đơn vị chuyên tổ chức các đoàn khách từ Nhật Bản về Việt Nam nói: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Ninh Bình và ấn tượng về cảnh quan, con người của Ninh Bình trong tôi rất sâu sắc. Trước tiên tôi thấy các bạn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều các danh thắng đẹp, có giá trị trong phát triển du lịch. Hầu hết các khu, điểm du lịch còn bảo tồn và lưu giữ được nét tự nhiên, ít bị con người tác động. Bên cạnh đó người dân nơi đây cực kỳ mến khách, thân thiện, tâm huyết. Đây là những lợi thế rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được để phát triển du lịch.
Lượng khách lưu trú thấp
Theo báo cáo của Sở Du lịch, năm 2017 Ninh Bình đã đón trên 7 triệu lượt khách du lịch, gấp 2 lần so với năm 2012. Lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đạt gần 900 nghìn lượt. Khách lưu trú qua đêm đạt gần 1,1 triệu ngày khách. Doanh thu toàn ngành Du lịch đạt gần 2.525 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2016. Kết quả 5 tháng đầu năm 2018, toàn ngành ước đạt trên 4,8 triệu lượt khách, tăng 6,5% so với cùng kỳ, khách lưu trú qua đêm đạt 300 nghìn lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Nhìn vào số lượng khách đến Ninh Bình cho thấy du lịch Ninh Bình có sự phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, theo đánh giá nguồn thu từ du lịch còn thấp, chưa tương xứng số lượng khách đến và tiềm năng du lịch của tỉnh. Một trong những nguyên nhân là do khách du lịch tới Ninh Bình lưu trú ít, mặc dù hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ phát triển khá mạnh những năm gần đây.
Theo ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai: Du lịch của Ninh Bình và Lào Cai có điểm giống nhau là đều đang trong giai đoạn "phát triển nóng". Với con số 7 triệu lượt khách/năm, cho thấy tốc độ phát triển du lịch của Ninh Bình rất nhanh. Tuy nhiên, so sánh với Lào Cai thì số lượng khách lưu trú lại Ninh Bình quá ít.
Hiện du lịch của Lào Cai thu hút được 800 nghìn lượt khách/năm nhưng khách lưu trú đã đạt được con số 2,5 triệu ngày khách. Về khoảng cách địa lý, đi đường xa, cộng với sự liên kết giữa các sản phẩm du lịch nên khách đến Lào Cai hiển nhiên phải ở lại lưu trú qua đêm. Còn với Ninh Bình, số khách ở lại lưu trú còn thấp, mới chỉ đạt hơn 1 triệu ngày khách. Vậy Ninh Bình cần phải tìm ra giải pháp để "níu chân du khách".
Ông Bùi Huy Tùng, đại diện Công ty lữ hành Vietravel nhận định: Qua 2 ngày khảo sát các sản phẩm du lịch của Ninh Bình cho thấy đây là địa phương có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch, đã và đang thu hút lượng khách lớn. Tuy nhiên phân tích cụ thể thì khách đến Ninh Bình phần lớn ở lứa tuổi trung niên và lứa tuổi già, chỉ có nhu cầu đi du lịch trong ngày và chưa hấp dẫn nhóm khách lứa tuổi trẻ. Nguyên nhân do các sản phẩm du lịch Ninh Bình chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh và du lịch tâm linh, chưa có điểm du lịch mới như du lịch giải trí, du lịch mạo hiểm có thể giữ chân nhóm khách du lịch trẻ ở lại.
Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty Du lịch Nghệ An cho rằng: Ninh Bình còn thiếu sự đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đi kèm như: Các điểm giải trí về đêm như quán bar cho giới trẻ, các trung tâm thương mại,.... Khi quyết định ở lại Ninh Bình lưu trú, khách du lịch không biết buổi tối sẽ đi đâu và làm gì? Chính điều này không hấp dẫn du khách ở lại.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng tính cạnh tranh
Từ những phân tích trên cho thấy Ninh Bình cần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn, chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trong "ngành công nghiệp không khói". Theo đại diện Công ty du lịch TNK của Nhật Bản, Ninh Bình cần tập trung nghiên cứu, định hướng thị trường, nhóm khách, phân khúc thị trường và cập nhật xu hướng mới trong du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang những nét đặc trưng riêng có của địa phương. Trong đó, chú trọng khả năng liên kết của các sản phẩm, các khu, điểm du lịch để tạo thành chuỗi các sản phẩm, nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách.
Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty Du lịch Nghệ An cho rằng: Đối với các sản phẩm du lịch truyền thống cần thêm "gia vị" để tăng tính hấp dẫn. Ví dụ tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích động, trước đây khách sẽ thấy có phần đơn điệu chỉ đi thuyền ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm.
Như những ngày trong Tuần lễ Du lịch Ninh Bình, khu du lịch Tam Cốc đã được bố trí thêm một số hoạt động như hát chèo, làm tăng tính hấp dẫn của tuyến du lịch. Ninh Bình cũng cần nghiên cứu để sản phẩm du lịch phản ánh được đúng bản chất của văn hóa "lúa nước", tức là thổi hồn Việt vào du lịch thông qua trang phục của người chèo thuyền, người bán hàng....
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tỉnh Ninh Bình cũng cần nghiên cứu phát triển các công trình nhân tạo như: Công viên nước, biển nhân tạo, dịch vụ tắm ngâm trị liệu chất lượng cao....
Đại diện Công ty Du lịch Viettourist gợi ý Ninh Bình có thể tính toán xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mạo hiểm như leo núi và các dịch vụ lưu trú đi kèm. Các doanh nghiệp làm du lịch cần chủ động liên kết với nhau xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn cung cấp thông tin và kết nối với các Công ty du lịch, Công ty lữ hành trong nước và quốc tế. Đồng thời kết nối với các tỉnh bạn để xây dựng các tuyến du lịch xuyên suốt, dài ngày.
Ngoài ra, Ninh Bình nên có kế hoạch dự phòng cho du khách nếu gặp thời tiết bất thuận, nghiên cứu tăng thêm các hoạt động cho du khách vào buổi tối như: phố đi bộ, các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống hấp dẫn...
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cho biết: Hiện nay mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang những nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô đang là một trong những chiến lược phát triển của du lịch Ninh Bình trong những năm tiếp theo.
Trong quy hoạch phát triển du lịch đang đợi Hội đồng nhân dân thông qua, Ninh Bình phát triển thêm một số sản phẩm du lịch hấp dẫn mới: Xây dựng khu văn hóa nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Giao (thành phố Tam Điệp), du lịch biển Cồn Nổi, Khu ngâm khoáng nóng trị liệu....
Ngoài ra, qua các ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước, Ninh Bình sẽ nghiên cứu, tính toán xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch phụ trợ cho các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Hy vọng trong thời gian tới, du lịch Ninh Bình sẽ "níu chân" được du khách, đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Giáng Hương