Đầu tư áp dụng công nghệ 4.0 là xu thế tất yếu để phát triển du lịch
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạnh 4.0) đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội và các ngành kinh tế, làm thay đổi mô hình hoạt động của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, vì vậy ngành Du lịch cũng không ngoại lệ.
Thống kê cho thấy, trên thế giới có 87% số người đi du lịch đang sử dụng smartphone (điện thoại thông minh). Đây quả là con số lý tưởng cho việc triển khai thực hiện cuộc cách mạng 4.0 trên lĩnh vực du lịch. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Ninh Bình theo hướng số hóa nhằm cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất cho du khách đang trở thành đòi hỏi bức thiết hiện nay.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là một trong những doanh nghiệp làm du lịch đã nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số hóa để xây dựng hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như xây dựng kho tích hợp dữ liệu du lịch, cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch trên di động, bản đồ số du lịch, hệ thống quản lý, phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh, phương tiện hỗ trợ thông tin du lịch..
Doanh nghiệp đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để thực hiện công nghệ du lịch ảo trong việc giới thiệu Khu du lịch tâm linh núi, chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An…. Hiện đang phát triển phần mềm du lịch Bái Đính để cài smartphone. Với phần mềm này, chỉ cần có chiếc smartphone, trước mỗi điểm dừng chân, du khách có thể được nghe giới thiệu khái quát về lịch sử văn hóa, tọa độ… cùng với bản đồ hướng dẫn lối đi (tránh đi lạc đường)…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đầu tư công nghệ, kinh phí để quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch gần xa. Trước và trong các sự kiện diễn ra tại các khu điểm du lịch, doanh nghiệp đều cử nhân viên phòng truyền thông thực hiện việc cập nhập, truyền thông trực tuyến, có tương tác với các đối tác, cá nhân có liên quan về lĩnh vực…
Trước đó, Doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dựa vào thực hiện việc kiểm soát vé bằng thẻ từ, không chỉ hạn chế ách tắc (mùa du lịch cao điểm) mà còn giúp cho việc quản lý các khâu thống kê, báo cáo nhanh trong ngày.
Phạm Hồng Biên(Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH Đầu tư TMDV Tràng An)
Cần khắc phục hạn chế trong hoạt động kinh doanh lữ hành
Được thành lập từ năm 2007, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Ninh Bình hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh lữ hành và vận chuyển khách du lịch đường bộ,… luôn phấn đấu giữ vững vị trí đi đầu trong hoạt động lữ hành tại Ninh Bình.
Nhìn vào thực tế, ngoài những cơ hội thì các doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành nói riêng đang gặp không ít khó khăn và trở ngại phải đối diện như: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản là hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc, không liên kết với nhau.
Một số doanh nghiệp hoạt động mang tính mùa vụ (chủ yếu hoạt động 3 - 5 tháng vào mùa du lịch, sau đó đóng cửa, hay hoạt động chỉ mang tính hình thức), một số doanh nghiệp khác hoạt động dưới hình thức chui, mượn (hoặc thuê) con dấu, chữ ký để hoạt động,… Do vậy, thị trường lữ hành bị rối loạn, khách hàng trên thực tế không biết "đâu là thật, đâu là giả",…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dành cho ngành lữ hành cũng hạn chế, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên trình độ chuyên môn yếu và thiếu, đối với nguồn ngoại ngữ cơ bản dành cho thị trường Ninh Bình như tiếng Anh, Pháp, Trung,…, lại thiếu trầm trọng hoặc trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách.
Để tự hoàn thiện và phấn đấu chất lượng dịch vụ tốt nhất dành cho khách hàng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhà, thời gian tới Công ty tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nói riêng và nhu cầu phát triển ngành Du lịch nói chung, vận dụng tối đa nội lực của cán bộ, CNV trong toàn công ty hướng tới mục tiêu chung là phát triển doanh nghiệp phát triển xứng tầm, luôn chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá,…
Tuy nhiên, để có điều kiện giúp các doanh nghiệp lữ hành nói chung phát triển xứng tầm, thiết nghĩ cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ban, ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như công tác quản lý của Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Ninh Bình để các doanh nghiệp làm du lịch được cạnh tranh lành mạnh, góp phần vào thành quả chung của toàn ngành.
Hoàng Bình Minh(Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Ninh Bình)