NỞ RỘ MÔ HÌNH DỊCH VỤ HOMESTAY
Chị Nguyễn Thị Loan, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư - Chủ homestay Chez Loan được biết đến như một trong những người đầu tiên ở Ninh Bình làm homestay. Chị nhớ lại: Khi còn là một người lái đò, thường xuyên được tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài, mặc dù còn bất đồng về ngôn ngữ nhưng tôi dễ dàng nhận ra sự thích thú, háo hức, tò mò qua ánh mắt của họ khi nhìn ngắm những cảnh đẹp nguyên sơ của Tam Cốc. Chứng kiến cuộc sống lao động bình dị của người dân quê, họ cũng muốn được hòa mình và trải nghiệm. Nó thôi thúc tôi làm một điều gì đó để có thể kết nối giữa những vị khách xa lạ với người dân quê mình, với nền văn hóa bản địa…
Như một cơ duyên, chị Loan may mắn gặp được một gia đình người Pháp sang du lịch, giúp chị học ngoại ngữ và hỗ trợ các điều kiện để hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Từ ngôi nhà đang sinh sống, chị dành ra hai phòng để đón những người khách có nhu cầu du lịch và ở lại, trải nghiệm cuộc sống cùng gia đình. Những căn phòng này khá đơn sơ, mộc mạc, tô điểm bằng những bức tranh thêu truyền thống của làng nghề thêu Văn Lâm. Hàng ngày chị thường dạy khách nấu bếp, làm công việc đồng áng, cùng ăn uống và trò chuyện với nhau.
Chị Loan chia sẻ: "Du khách đến Ninh Bình rất thích khám phá những điểm du lịch như là Tam Cốc, Bích Động, Tràng An, Bái Đính... Lợi thế của mình là có sông, có núi, lại có những cánh đồng lúa chín vàng, những bờ bãi hoang sơ, quang cảnh rất đẹp, lãng mạn và người ta rất thích khám phá văn hóa của Việt Nam, lối sống và công việc hàng ngày mình làm".
Khi cách làm này của chị Loan nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách trên các chuyên trang về du lịch, khách tìm đến ngày càng nhiều hơn, chị Loan bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người xung quanh cùng làm. Chị Loan cho rằng "Làm homestay rất đơn giản, không mất quá nhiều chi phí đầu tư nhưng lại giải quyết được nhu cầu việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, phát triển kinh tế hộ gia đình và góp thêm một loại hình dịch vụ lưu trú cho du khách".
Thời điểm đó, tuy số lượng các gia đình làm homestay chưa nhiều nhưng cũng đã thực sự để lại những ấn tượng sâu sắc đối với du khách. Trên trang Tripadvisor.com, một du khách người Pháp có tên Franck C đánh giá: "Đến đây, chúng tôi đã bị thu hút bởi lòng tốt của Loan, bởi sự chú ý của cô dành cho khách hàng và thái độ chuyên nghiệp của cô". Còn Julien F. thì cho biết: "Một nơi rất đẹp, người dân rất thân thiện, họ cho bạn lời khuyên về những gì cần xem mà không cố gắng bán cho bạn một cái gì đó"… Chính những nhận xét như thế này đã đưa từ khóa "homestay Tam Cốc" trở nên phổ biến và được tìm kiếm nhiều hơn trên các trang mạng quốc tế.
Homestay được hiểu là nghỉ tại nhà dân. Khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ngủ và cùng sinh hoạt với người dân bản địa, họ được coi như là người nhà, được tham gia vào các công việc thường ngày cũng như lễ hội tại đó. Đây là cách hữu hiệu để du khách nhanh chóng và trực tiếp hòa nhập, cảm nhận về vùng đất mà họ đang đến, chứ không đơn thuần chỉ là tham quan. Tuy nhiên, đó là những mô hình homestay đúng nghĩa giống như chị Loan và một số hộ dân ở Tam Cốc đã làm. Còn hiện nay, với hơn 200 cơ sở lưu trú được treo biển "homestay" thì nhiều homestay đã trở nên "lạc điệu".
Chúng tôi tìm đến một số "homestay" nằm ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải. Dù được quảng cáo có nhà vườn, rộng rãi, view đẹp… nhưng khi đến chỉ có mấy chậu hoa treo trước cửa. Dãy phòng nằm phía sau, mỗi phòng rộng tầm hơn chục m2, thiếu khoảng không để thư giãn. Khi được yêu cầu nấu bữa sáng, chủ nhà báo không làm được "vì bận nhiều việc".
Một du khách đang nghỉ tại đây phàn nàn: Lần đầu tiên đến đây vào năm 2008, giờ tôi quay trở lại với mong muốn tìm lại sự gần gũi, thân thiện khi xưa nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi, có rất nhiều "homestay" mới phòng ở hiện đại hơn, tiện nghi hơn nhưng nó quá giống với cách bố trí của các hotel. Khi tôi hỏi về các trải nghiệm thì người chủ không thể hiểu tôi. Ngoài ra, rất nhiều công trình xây dựng xung quanh tạo ra tiếng ồn từ sáng sớm và lãng phí tầm nhìn từ phòng nghỉ.
Ông Đặng Văn Chiến, một người điều hành tour cho rằng: Tìm một homestay đúng nghĩa ở Ninh Bình hiện nay rất khó. Đa số các homestay bị thương mại hóa đến mức gần giống như các khách sạn, thiếu hẳn yếu tố giao lưu, trải nghiệm. Các chủ hộ chỉ chăm chăm vào lợi nhuận và chạy đua về giá bởi đã phải đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng vào đây. Nhiều hộ làm du lịch không có kiến thức về du lịch, cách đón tiếp, phục vụ khách thiếu chu đáo, thậm chí không đảm bảo các yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trên các trang đặt phòng trực tuyến, nhiều du khách nước ngoài đã để lại những bình luận thất vọng, hụt hẫng. Nếu vẫn tiếp tục phát triển theo cách tự phát, ồ ạt, không có định hướng hay ý thức nỗ lực, thay đổi thì chính người dân tự tay đánh mất cơ hội của mình, du khách sẽ "một đi không trở lại".
Đã có nhiều bài học về việc phát triển nóng các homestay ở một số điểm du lịch như Đà Lạt, Hòa Bình, Hội An… Nó không chỉ phá vỡ cảnh quan tự nhiên mà còn làm méo mó hình ảnh du lịch của địa phương. Đua nhau đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay sẽ khiến nguồn cung của loại hình này tăng mạnh, tạo ra "làn sóng" cạnh tranh giảm giá. Homestay biến tướng thành kinh doanh du lịch như nhà nghỉ chứ không còn là homestay theo kiểu du lịch cộng đồng.
Ông Đinh Ngọc Giầu (chủ một homestay ở xã Ninh Hải) cho biết đã bỏ ra vài tỷ đồng để đầu tư làm homestay nhưng mấy năm rồi vẫn chưa thể thu hồi vốn. "Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết các homestay tại khu vực này đều đang ế ẩm, mấy tháng hè, giá phòng có khi hạ xuống mức 300-400 nghìn đồng nhưng vẫn bỏ không. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ vài ba năm nữa các chủ homestay sẽ đổ nợ vì phần lớn đều vay vốn ngân hàng để làm. Không có khách, thu không đủ bù chi, lấy gì trả nợ ngân hàng" - ông Giầu lo lắng.
CẦN SỰ PHÁT TRIỂN ĐÚNG HƯỚNG
Du lịch cộng đồng là loại hình phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Tuy nhiên, nếu để người dân tiếp tục làm theo kiểu tự phát như hiện nay sẽ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, cần có sự quản lý, hỗ trợ của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực. Người làm homestay cần được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về dịch vụ du lịch, ứng xử, kể cả ngoại ngữ.
Các homestay vẫn đang tiếp tục được người dân đầu tư rầm rộ.
Từ năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, lượng khách đến Ninh Bình tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ thì dịch vụ kinh doanh du lịch với hình thức homestay cũng phát triển rầm rộ. Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện nay toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở kinh doanh homestay với trên 1.500 phòng nghỉ. Các cơ sở này tập trung chủ yếu ở huyện Hoa Lư, ngoài ra còn có một số cơ sở ở huyện Gia Viễn, Yên Mô, thành phố Ninh Bình.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch thừa nhận: Ninh Bình có nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch homestay phát triển. Tuy nhiên thực tế thời gian qua loại hình này chủ yếu do các hộ dân làm tự phát nên có một số vấn đề xảy ra như: việc phục vụ còn đơn giản, dịch vụ bổ sung cho khách còn chưa nhiều, đội ngũ lao động chưa được đào tạo qua trường lớp, yếu về trình độ ngoại ngữ... Cũng từ chỗ kinh doanh du lịch tự phát này nên việc khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như một số vấn đề xã hội bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý. Trong đó, đáng chú ý là việc thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch homestay. Gần đây, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay).
Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kinh doanh lưu trú tại khu vực không được phép (vùng lõi Di sản); xây dựng không có phép, không đúng giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Nhiều cơ sở không đủ điều kiện về an ninh trật tự, không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về thời điểm kinh doanh, không thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; không niêm yết công khai giá phòng, giá hàng hóa, dịch vụ, không niêm yết nội quy, quy chế của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh đối với một số cơ sở, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 13 cơ sở. Bên cạnh đó, Sở cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thu hồi ngành, nghề kinh doanh lưu trú ngắn hạn trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 19 cơ sở kinh doanh trong vùng lõi Di sản.
Mặc dù vậy, sau đó, tại hầu hết các cơ sở được kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu của Đoàn chưa nghiêm, công tác xử lý sai phạm chưa dứt điểm, nhất là các sai phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích.
Để khắc phục tồn tại trong hoạt động kinh doanh homestay, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cắm mốc giới phân định vùng lõi và vùng đệm, lập quy hoạch khu, quy hoạch chi tiết xây dựng của Quần thể danh thắng Tràng An.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh lưu trú tuân thủ các quy định của pháp luật; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, ngoại ngữ cho lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh homestay. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho một số mô hình kinh doanh homestay tiêu biểu nhằm xây dựng mô hình kinh doanh homestay chuẩn trên địa bàn tỉnh, từ đó làm cơ sở nhân rộng.
Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm của cơ sở kinh doanh homestay trên địa bàn. Kiên quyết đình chỉ đối với những cơ sở chưa có đăng ký kinh doanh, chưa đủ điều kiện, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép…
Còn theo ý kiến của những người trực tiếp làm du lịch: Cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn bởi du khách chọn homestay, họ sẵn sàng chấp nhận điều kiện tiện nghi tối thiểu. Yếu tố quan trọng nhất ở đây con người. Chủ nhà đồng thời phải là một chuyên gia du lịch, một sứ giả văn hóa, ý thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội.
Muốn du lịch cộng đồng phát triển thì điều quan trọng là phải giữ nguyên văn hóa bản địa, đó cũng là mong muốn của du khách khi chọn loại hình du lịch cộng đồng. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì nhiều giá trị truyền thống đang có nguy cơ bị mai một.
Một hộ dân làm homestay ở xã Ninh Xuân (Hoa Lư) bày tỏ mong muốn: Do chúng tôi mới làm nên cũng chưa bài bản, thiếu liên kết. Bởi vậy, tôi rất mong muốn tỉnh, huyện cần sớm có quy hoạch, định hướng cho bà con. Đồng thời, đưa các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành về giúp chúng tôi cách làm du lịch homestay. Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, viễn thông, mạng internet cần được nâng cấp để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Có lẽ chẳng loại hình du lịch nào khác có thể khiến du khách và người dân bản địa hiểu và gắn bó với nhau trong một thời gian ngắn như homestay. Thế nhưng, để loại hình này tiến tới chuyên nghiệp và bền vững, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc quản lý, giám sát hoạt động này. Đồng thời, ngay chính người dân cũng cần phải có sự chủ động, tích cực học hỏi, hoàn thiện kỹ năng làm du lịch của mình để phục vụ du khách được tốt hơn, từ đó, nâng cao thu nhập cho gia đình, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Bài, ảnh: Hà Phương, Đào Duy