Chương trình khảo sát các khu điểm du lịch có sự tham gia của đại diện Sở Du lịch 3 tỉnh, các Hiệp hội du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. Đoàn có những trải nghiệm, đánh giá tiềm năng, thực trạng tài nguyên du lịch, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để xây dựng các sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch mới nhằm khai thác tiềm năng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến cũng như những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, góp phần phát triển các loại hình du lịch đặc trưng ở mỗi địa phương.
Ba tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích cấp quốc gia và khu vực. Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa là những địa phương có tài nguyên du lịch vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều di sản quốc gia và thế giới.
Ninh Bình với Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Thanh Hóa với Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới; Quảng Ninh với vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Đây cũng là những tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không tương đối phát triển, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong khu vực phát triển khá nhanh, quy mô của các cơ sở lưu trú ở khu vực cao hơn mặt bằng chung cả nước, có khả năng đón và phục vụ khách du lịch cao cấp.
Tại Ninh Bình, Đoàn đã tham quan khảo sát tại các khu, điểm du lịch tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư - Kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam, Tuyệt Tịnh Cốc (động Am Tiêm), Khu du lịch sinh thái Tràng An, phố đi bộ (thành phố Ninh Bình), Khu bảo tồn gấu - Vườn quốc gia Cúc Phương.
Tại Thanh Hóa, Đoàn thăm Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới, Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương; Khu du lịch cộng đồng Pù Luông; tham gia chương trình giao lưu văn nghệ tại Bản Đôn; khảo sát khu du lịch Lam Kinh, Khu du lịch biển Sầm Sơn.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Ba tỉnh Quảng Ninh-Ninh Bình-Thanh Hóa là những vùng đất nhiều tiềm năng, đa dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, nếu liên kết chặt chẽ sẽ trở thành một điểm đến chung, hỗ trợ sản phẩm du lịch cho nhau để có thể thu hút du khách.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác, khuyến khích sự vào cuộc của các đơn vị lữ hành trong việc khai thác dòng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lấy đó làm trọng tâm phát triển dựa trên thế mạnh liên kết của các di sản là Quần thể danh thắng Tràng An - chùa Bái Đính - Thành Nhà Hồ và Khu di tích lịch sử Lam Kinh.
Bên cạnh đó, sẽ có hướng gợi mở để các đơn vị lữ hành kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tạo nên sự đa dạng trong các gói sản phẩm du lịch phục vụ du khách, giúp tăng thời gian lưu trú của họ khi cùng một điểm đến, một tour du lịch được tận hưởng nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Sau chương trình khảo sát các khu, điểm du lịch ở các địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch cấp tỉnh; hợp tác giữa các Sở và Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp của 3 tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2023.
Theo đó, đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch, cùng trao đổi và thống nhất kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch…tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển du lịch; tham mưu định hướng hợp tác kết nối phát triển du lịch giữa ba tỉnh trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch; chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động du lịch nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức các chương trình tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý.
Nhằm thu hút thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế, tăng cường hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển sản phẩm, tour, tuyến du lịch của mỗi địa phương; hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị lữ hành của ba tỉnh khảo sát lựa chọn các khu, điểm du lịch tại mỗi địa phương để xây dựng kết nối các khu, điểm du lịch, tạo thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn khách du lịch; hợp tác phát triển và nâng cao chất lượng của các loại hình dịch vụ du lịch để phục vụ khách du lịch như: Ăn uống, mua sắm, quà lưu niệm, vui chơi giải trí…
Xác định khâu xúc tiến, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, phát triển thị trường là khâu tiên quyết, do đó cần đẩy mạnh việc liên kết tổ chức quảng bá sản phẩm du lịch chung của ba tỉnh, quảng bá các điểm đến và tổ chức tiếp thị thị trường trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác giữa các Trung tâm xúc tiến du lịch của ba tỉnh trong việc phối hợp với Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách; hợp tác trong công tác tuyên truyền, quảng bá liên vùng; phối hợp liên kết website giới thiệu du lịch của các Sở Du lịch; tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch chính của 3 tỉnh liên kết; phối hợp tổ chức đón các đoàn Famtrip trong và ngoài nước đến khảo sát, giới thiệu sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận giới thiệu Dự án đầu tư phát triển du lịch; tăng cường tổ chức khảo sát và các hoạt động để tạo điều kiện giao lưu giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm tăng cường học hỏi kinh nghiệm và trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phối hợp liên kết cùng phát triển.
Với thế mạnh của mỗi địa phương, căn cứ vào nhu cầu thực tế, các Sở Du lịch định hướng cho các doanh nghiệp du lịch triển khai công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp; thường xuyên thông tin cho nhau về chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên để giới thiệu doanh nghiệp du lịch tham gia.
Việc ký kết hợp tác phát triển du lịch của ba tỉnh là hoạt động mang tính định hướng nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các tour, tuyến kết nối các khu, điểm du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa, góp phần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh