Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã bày tỏ sự thích thú khi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống của Ninh Bình như thêu ren, gốm Bồ Bát, các sản phẩm hàng lưu niệm bằng gỗ, đá của Công ty Vạn Bảo Ngọc, gốm Gia Thủy, sản phẩm cói bèo Kim Sơn... Cùng với việc trưng bày sản phẩm thêu ren, du khách được trực tiếp tham gia các hoạt động trình diễn nghề thêu ren cùng với các nghệ nhân của làng nghề. Chị Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc doanh nghiệp Minh Trang cho biết: Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2018 không chỉ kích cầu du lịch mà có ý nghĩa động viên rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Ninh Bình.
Thông qua việc trưng bày các sản phẩm, bên cạnh mục đích quảng bá, giới thiệu nghề thêu truyền thống của địa phương còn tạo điều kiện, cơ hội cho các thợ thêu và khách du lịch giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng thêu ren nhằm từng bước hoàn thiện kỹ thuật thêu ren của các thợ thêu. Mở ra không gian trải nghiệm trực tiếp các kỹ thuật thêu ren cho các khách du lịch đến tham quan.
Không chỉ mang đến cho du khách và doanh nghiệp có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc và hiểu nhau hơn mà tại Tuần Du lịch năm nay tỉnh Ninh Bình đã lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Bàn tay vàng thêu ren với quy mô toàn tỉnh. Cuộc thi đã thu hút 25 thợ thêu ở các địa phương trong tỉnh như Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn... đã có 14 thợ thêu được lọt vào vòng chung khảo.
Ông Nguyễn Thanh Luân, Chủ tịch Hiệp hội nghề thêu cho biết: Trong bối cảnh ngày nay nghề thêu đang dần mai một. Nhiều thợ thêu giỏi, làng nghề thêu truyền thống dần mất đi do không sống được bằng nghề thì cuộc thi này là sự tôn vinh của nhà nước đối với những người làm nghề thêu, vinh danh những người thợ yêu nghề đã có công gìn giữ nghề cho thế hệ sau.
Những thợ thêu tham gia cuộc thi này đều là thợ có tay nghề cao ở các doanh nghiệp có thể làm được tất cả kỹ thuật thêu ren, rua truyền thống.
Thông qua cuộc thi đã cổ vũ, động viên mỗi người thợ làm nghề thêm yêu nghề để làm ra các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao và đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Theo thống kê của Sở Công thương, tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 251 làng có nghề, trong đó có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. 64 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Đặc biệt, làng nghề thêu ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là một làng nghề thủ công truyền thống còn bảo lưu rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần có ý nghĩa lịch sử, chuyên sản xuất các mặt hàng thêu ren từ rất lâu đời và được biết đến như là "vương quốc của thêu ren", được cho là nơi phát tích, hội tụ đầy đủ nhất những tinh hoa của nghề thêu ren.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã công nhận Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước và có hai nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
Bà Lê Thị Hào, 82 tuổi, đội 2, Văn Lâm xúc động khi theo dõi cuộc thi Bàn tay vàng thêu ren. Bà Hào cho biết: Ngày xưa làng nghề rất hay tổ chức hội thi thêu mỗi dịp giỗ tổ nghề. Nhưng lâu lắm rồi chúng tôi không còn thấy cuộc thi được tổ chức.
Hôm nay ra cổ vũ các cháu thi tôi rất vui, cảm thấy được sống lại với thời kỳ mà nhà nhà, người người làm nghề thêu ở Văn Lâm. Tôi mong rằng cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức hàng năm để những người yêu nghề được tôn vinh và góp phần gìn giữ nghề tổ.
Không chỉ có sản phẩm thêu ren được tôn vinh tại Tuần Du lịch năm nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của tỉnh cũng được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Anh Trần Trọng Hiếu, du khách người Thái Nguyên cho biết: Sản phẩm gốm Bồ Bát rất đẹp, mẫu mã và chất liệu gợi cho người ta nhớ về những sản phẩm gốm cổ chứ không hào nhoáng như những sản phẩm gốm của các làng nghề phát triển trong nước.
Mang đến triển lãm, trưng bày lần này, Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát đã có trên 50 sản phẩm chính gồm: lọ hoa, đĩa, lục bình, ấm chén, vòng tay mặt gốm, bát... Trong đó chủ lực là các dòng sản phẩm gốm với những họa tiết, hình ảnh thể hiện nét đặc sắc của đất và người Ninh Bình như Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng an, Chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động; Lễ hội Hoa Lư.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang, giám đốc Công ty cho biết: Tất cả các sản phẩm trên đều được làm theo công nghệ cổ truyền của người thợ gốm làng Bạch Liên, Yên Mô từ khâu chọn đất, chế tác, tạo hình, đánh bóng, khắc họa cho đến kỹ thuật nung. Chúng tôi mong rằng đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu nét đẹp truyền thống của gốm Bồ Bát đến với du khách mà còn quảng bá, tìm đầu ra cho các sản phẩm của Công ty.
Có thể nói, hoạt động trưng bày, trình diễn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh đã tạo động lực để các doanh nghiệp, các làng nghề tiếp tục đẩy mạnh thiết kế mẫu mã, kiểu dáng mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và mặt hàng quà tặng lưu niệm nói riêng, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình tới du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Thơm