Năm 2019, ngành Du lịch Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, tăng 4,79% so với năm 2018; trong đó, khách nội địa đạt 6,68 triệu lượt, tăng 3,9%; khách quốc tế 970 nghìn lượt khách, tăng gần 11%; khách lưu trú qua đêm đạt gần 630 nghìn lượt, tăng 2,3%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 và kể từ khi có dịch Covid-19, nhiều dịch vụ tại nhà hàng, khách sạn bị giảm sút, các lễ hội tạm dừng mà điển hình nhất là Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2020 do Ninh Bình đăng cai tổ chức đã tạm hoãn… Do vậy, lượng khách đến Ninh Bình giảm khoảng 50-70%; một số dịch vụ như tiệc cưới, hội nghị giảm đến 60% so với cùng thời điểm của năm trước.
Theo ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình: Ngành Du lịch đang theo dõi chặt diễn biến của dịch và sẽ có chiến dịch kích cầu mạnh, lấy lại thị phần sau khi dịch được dập tắt. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại mình; củng cố tổ chức, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động…
Các doanh nghiệp trong ngành cũng cần đề cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn, xử lý thỏa đáng những tình huống bất khả kháng như hủy tour du lịch, vé máy bay; đồng thời, cần đối xử nhân văn, lịch sự, không kỳ thị với bất kỳ đối tượng khách du lịch nào.
Các doanh nghiệp hoạt động ở ngành Du lịch cũng mong muốn cơ quan quản lý các cấp có giải pháp kịp thời hỗ trợ bằng các chính sách, như miễn giảm thuế, phí, giãn nợ, giảm lãi suất vay, miễn lệ phí thị thực, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá, bồi dưỡng nhân lực…và đặc biệt quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về lâu dài, nhóm giải pháp về thị trường; quảng bá, xúc tiến du lịch; truyền thông; chính sách hỗ trợ cấp bách được toàn ngành quan tâm. Tổng cục Du lịch có chủ trương đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng ấn Độ.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada, nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga, các nước SNG, các nước Đông Âu; đẩy mạnh khai thác thị trường Australia, New Zealand.
Mặt khác, toàn ngành cần thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông và quảng bá cần được quan tâm đúng mức. Ngành Du lịch cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh ở Việt Nam; các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, bảo đảm các biện pháp an toàn, vệ sinh dịch bệnh cho khách du lịch.
Chú trọng truyền thông qua nhiều hình thức (thông tin/thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí, bản tin điện tử cho báo chí…) tới khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam.
Trong đó công tác tuyên truyền cần tập trung về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế đến các thị trường khách quốc tế và trong nước bằng nhiều hình thức về đảm bảo an toàn khi đến du lịch tại Việt Nam.
Trường Sinh