Khai thác chưa hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là nơi còn duy trì gần như nguyên vẹn những đặc trưng cơ bản của vùng đất ngập nước tự nhiên với sự đa dạng sinh học cao. Nơi đây có tới 457 loài thực vật bậc cao, 39 loài thú, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Đặc biệt, hiện ở Vân Long đang có trên 100 cá thể Voọc mông trắng - loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, đang bị đe dọa ở mức toàn cầu. Không chỉ có hệ động, thực vật đa dạng, nơi đây còn là một vùng đất cổ với nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều lễ hội đặc sắc. Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn được mệnh danh là "Hạ Long không sóng" với cảnh quan đẹp mê hồn.
Với tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú cả về tự nhiên lẫn nhân văn như vậy Vân Long có thể trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất cả nước nếu được khai thác hiệu quả.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, dịch vụ du lịch ở đây còn nghèo nàn; các tuyến điểm tham quan rất ít, chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên có sẵn; hệ thống dịch vụ lưu trú, nhà hàng, ăn uống khá hạn chế, hoạt động chưa chuyên nghiệp cũng như không đủ công suất cho số lượng khách lớn. Hiện, Vân Long cũng không có khu vui chơi giải trí nào.
Ngoài ra, các dịch vụ bổ sung đi kèm hỗ trợ du khách như: dịch vụ thông tin liên lạc, thuyết minh viên tại các điểm… cũng là yếu tố còn thiếu và yếu tại đây.
Đặc biệt, việc xúc tiến quảng bá Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long thời gian qua còn hạn chế, chưa có chiến lược, chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản và chưa tiếp cận được các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài.
Theo số liệu từ Sở Du lịch, trong những năm qua số lượng khách du lịch đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có xu hướng giảm, lượng khách từ năm 2011 đến năm 2016 giảm hơn hẳn so với các năm 2009, 2010. Nếu như năm 2009, lượng khách là trên 45 nghìn lượt thì năm 2016 giảm xuống còn hơn 37 nghìn lượt. Khách tập trung đông vào những tháng cuối năm, các tháng mùa hè vắng khách vì điều kiện thời tiết nắng nóng. Riêng với khách nội địa, chủ yếu họ đến vào cuối tuần và ít lưu trú qua đêm.
Còn qua quan sát thực tế của chúng tôi thì dọc tuyến đường chính vào Khu bến thuyền của Vân Long, trước kia các nhà hàng, khách sạn hoạt động khá nhộn nhịp, còn hiện nay cả một hệ thống tổng thể bao gồm khách sạn, nhà hàng, bể bơi, khu vui chơi - giải trí… được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nằm im lìm không một bóng người, gần như bỏ hoang để mặc nắng mưa.
Vấn đề bảo tồn phải đặt lên hàng đầu
Trước những khó khăn, bất cập trong phát triển du lịch ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vừa qua, Sở Du lịch đã xây dựng đề án "Đổi mới mô hình quản lý, khai thác Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030".
Trong đó, khẳng định việc thực hiện đổi mới mô hình quản lý, khai thác ở Vân Long là điều hết sức cần thiết và đề xuất 3 mô hình quản lý mới là: Ban quản lý trực thuộc UBND huyện; Ban quản lý trực thuộc Sở Du lịch, trước mắt giao Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An quản lý và mô hình hợp tác công tư.
Trước đây, khi các hoạt động du lịch ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long mới manh nha hình thành, để quản lý thì đầu năm 1997, UBND huyện Gia Viễn đã có quyết định về việc thành lập Trạm du lịch Vân Long thuộc xã Gia Vân.
Sau đó, tháng 5/1998 Trạm dịch vụ du lịch Vân Long ra đời với chức năng quản lý hoạt động du lịch, dịch vụ (vui chơi, giải trí, chở đò, coi xe, bán hàng lưu niệm…) trên địa bàn. Đây là đơn vị kinh doanh có tư cách pháp nhân chịu sự chỉ đạo của UBND xã Gia Vân và sự giám sát, hướng dẫn của UBND huyện Gia Viễn và Sở Du lịch. Từ khi Trạm được thành lập, hoạt động khai thác du lịch ở Vân Long đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Trong đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Thông qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức du lịch, người dân đã có nhận thức rõ ràng hơn về phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, chú trọng hơn đến công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch được đảm bảo.
Mới đây, tại hội thảo tư vấn phản biện Đề án có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn và 7 xã nằm trong khu vực, đa phần các ý kiến đều khẳng định việc chuyển đổi mô hình quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình nào, cách làm cụ thể ra sao thì các đại biểu cho rằng cần phải tính toán kỹ.
Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS, TS Phạm Xuân Lương cho rằng: "Chỉ riêng việc có thể quan sát được Voọc ngoài tự nhiên đã là một hấp dẫn du lịch rất lớn của Vân Long. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng du lịch của nó mà một trong những nguyên nhân là do mô hình quản lý khai thác hiện nay chưa hiệu quả. Do vậy, chúng ta phải chuyển đổi mô hình.
Tuy nhiên, lựa chọn mô hình quản lý nào, giao cho ai khai thác, khai thác cái gì, quy mô ra sao thì phải rất cẩn trọng. Theo tôi, ở đây chúng ta nên nêu cao vai trò của cộng đồng, để cộng đồng cùng quản lý, cùng bảo tồn và cùng hưởng lợi.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp &PTNT), hiện nay sức ép bảo tồn ở Vân Long là rất lớn, đặc biệt với sự phát triển ồ ạt của các nhà máy, khu công nghiệp hiện nay. Do vậy, dù lựa chọn mô hình quản lý nào thì vấn đề bảo tồn vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Một số đại biểu khác thì cho rằng, hiện nay mô hình quản lý cấp xã như lâu nay là không hợp lý bởi trình độ nhân lực vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, không thu hút được nguồn vốn đầu tư, không đủ tiềm lực để xúc tiến quảng bá đạt hiệu quả…
Tuy nhiên, ông Đặng Hữu Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Vân thì lại cho rằng: Bộ máy quản lý hiện nay tại Trạm du lịch Vân Long khá gọn nhẹ, đa phần người dân, các thuyền viên tự ý thức, giám sát lẫn nhau, cảnh quan thiên nhiên được giữ gìn nguyên vẹn.
Nguồn thu từ du lịch ngoài khoản nộp cho ngân sách và một phần nhỏ dành cho chi phí quản lý còn lại đa phần là để đầu tư lại cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh và cộng đồng dân cư được hưởng…
Do vậy, quan điểm của chính quyền xã là vẫn nên giữ nguyên mô hình quản lý này bởi thực chất hoạt động du lịch ở Vân Long là du lịch dựa vào cộng đồng. Cái cần nhất của chúng tôi hiện nay là sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng từ phía Nhà nước.
Thiết nghĩ, trước vai trò đặc biệt quan trọng của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long không chỉ đối với công tác phát triển du lịch của Ninh Bình nói riêng, cả nước nói chung mà còn là vấn đề bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học…, vì vậy tỉnh cần có sự hỗ trợ tương xứng hơn cho việc thực hiện đề án chuyển đổi quan trọng này, đồng thời cho phép đề án kéo dài thêm để hoàn chỉnh hơn, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn.
Hà Phương