Những năm gần đây, lượng du khách đến với Ninh Bình ngày càng tăng. Năm 2011, Ninh Bình đã đón 3,6 triệu lượt khách đến tham quan. Toàn tỉnh đã đón 1.841,2 nghìn lượt khách, tăng 22,8% so với cùng kỳ của năm trước.
Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Tiềm năng du lịch của Ninh Bình lớn, nhưng từ năm 1992 (năm đầu tiên tái lập tỉnh) đến năm 2005 được coi là giai đoạn sơ khai của du lịch Ninh Bình, bởi chủ yếu là những hoạt động cộng đồng phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Từ năm 2006 đến năm 2010, du lịch tăng trưởng mạnh, kết cấu hạ tầng được tăng cường… tạo bước phát triển mới có tính "đột phá" cho ngành công nghiệp " Không khói" của tỉnh. Tỉnh đã chủ trương phát triển mạnh hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí để giữ chân du khách lưu trú. Nếu như năm 1992, cả tỉnh mới có 2 nơi (Khánh sạn Hoa Lư và khách sạn Chuyên gia) với 58 buồng ngủ thì đến nay Ninh Bình đã có 224 cơ sở lưu trú du lịch, tăng 112 lần so với năm 1992; Có 3.564 phòng nghỉ, tăng 61 lần so với năm 1992. Trong số các khách sạn trên có 1 khách sạn đạt 4 sao; 31 khách sạn đạt từ 1-2 sao và có 4 khách sạn (trong tổng số 6 khách sạn tại khu dịch vụ trung tâm) dự kiến đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao đang hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động. Nếu như năm 2005, cả tỉnh chưa có cơ sở lưu trú nào tiêu chuẩn 3 sao, thì đến năm 2011 đã có 3 cơ sở với 226 phòng nghỉ và 359 giường, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu lớn.
Phần lớn những khách sạn có quy mô từ 20 phòng nghỉ trở lên đều có dịch vụ ăn uống. Chỉ tính riêng số nhà hàng lớn phục vụ ăn, uống là chính đã có khoảng 800 cơ sở với khoảng 2.000 phòng ăn như: Hoàng Hải, Hoàng Giang, Hương Mai, Trường Giang, Trâu Vàng, Hoàng Long.
ở lĩnh vực kinh doanh giải trí, mua sắm…, toàn tỉnh đã có trên 20.000 cơ sở kinh doanh thương mại và khoảng trên 200 điểm dịch vụ vui chơi, giải trí, như: Club Number One City, Đông Thành Plaza, Sân Golf 54 lỗ hồ Yên Thắng và mới đây đã xuất hiện những điểm vui chơi giải trí hiện đại: New Life Club, Bar, Vũ trường… đang được xây dựng ngay tại trung tâm thành phố Ninh Bình hứa hẹn đem đến cho du khách không gian vui chơi lý tưởng. Ninh Bình hiện đã có 12 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và vận chuyển khách; có 15 doanh nghiệp vận tải theo các tuyến cố định, 8 hãng taxi, 3 tuyến xe búyt và 30 tuyến xe khách xuất phát từ thành phố Ninh Bình tới các địa phương trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của du khách đến và đi.
Đồng chí Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cho biết: Bằng các hình thức và nguồn vốn khác nhau, trong các năm qua Ninh Bình đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ cho du lịch với nhiều công trình, dự án có tổng mức đầu tư lớn: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch cao cấp Anmandara, Sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, Khu nghỉ dưỡng Resort Cúc Phương, Khách sạn Hoàng Sơn Hòa Bình, Khách sạn Legent Thùy Anh, Khách sạn Quang Dũng… đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là ở lĩnh vực lưu trú.
Mặt khác, hoạt động du lịch đã thu hút một lượng lớn lao động tham gia làm dịch vụ và làm việc trong ngành. Năm 2005 ngành Du lịch thu hút được 4.707 lao động thì đến năm 2011 đã có 9.555 lao động, tăng gấp 2 lần (số lao động trên vẫn chưa tính lực lượng chở đò ở Tam cốc- Bích động và Tràng An, khoảng gần 3.000 người).
Du lịch phát triển cũng đã kéo theo ngành tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển: Thêu ren, đan lát hàng cói, chế tác đá mỹ nghệ… tạo ra những sản phẩm làm hàng lưu niệm cho khách mỗi khi đến Ninh Bình tham quan, du lịch, thông qua đó giới thiệu với du khách về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những nét đặc sắc về văn hóa của địa phương và tấm lòng mến khách của người dân Ninh Bình.
Đinh Chúc