Nằm bên bờ sông Hồng thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay là xã Xuân Hồng, tỉnh Ninh Bình), Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện là một trong những công trình Phật giáo cổ tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gắn liền với Thiền sư Dương Không Lộ, vị Quốc sư thời Lý, chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi chứa đựng kho tàng văn hóa kiến trúc độc đáo. Trải qua hàng trăm năm, nơi đây vẫn bảo lưu được nhiều hạng mục kiến trúc nghệ thuật truyền thống thời Lê - Nguyễn, với hệ thống phù điêu, hoa văn chạm khắc và bia ký có giá trị lịch sử, mỹ thuật đặc biệt.
Tuy nhiên, như nhiều di tích cổ khác, Chùa Keo Hành Thiện cũng đối mặt với những thách thức lớn trong công tác bảo tồn, do tác động của thời gian, môi trường và hoạt động con người. Những chi tiết chạm khắc quý trên bộ khung kiến trúc gỗ như hình linh thú, lân nghê, hoa lá thiêng,… cho đến các mảng chạm trên đá đang đứng trước nguy cơ dần bị bào mòn, xuống cấp. Trước thực trạng đó, năm 2023, một dự án Số hóa di sản làng Hành Thiện quy mô đã và đang được triển khai tại đây, với sự tham gia của các chuyên gia bảo tồn, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nghệ nhân và đội ngũ công nghệ.
Trong chuỗi hoạt động số hóa, phương pháp in rập, một kỹ thuật thủ công cổ truyền phương Đông, đã được ứng dụng để lưu giữ lại các chi tiết, hoa văn, họa tiết và chữ khắc trên các bức phù điêu, bia đá và cấu kiện gỗ của chùa. In rập sử dụng giấy dó truyền thống kết hợp màu dầu đá khoáng để sao chép trực tiếp bề mặt hiện vật, giúp lưu lại chính xác các dấu vết mà mắt thường hoặc thiết bị số hóa hiện đại khó thể hiện đầy đủ.
Điểm nhấn của hoạt động này là triển lãm “Hành Thiện 200 năm danh xưng”, tổ chức nhân dịp kỷ niệm hai thế kỷ ngôi làng mang tên Hành Thiện. Triển lãm đã trưng bày nhiều bản rập văn bia cổ, tranh ký họa, tranh ảnh tư liệu gốc về chùa Keo và các sản phẩm văn hóa được hình thành từ tư liệu in rập, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân địa phương và du khách. Từ bản rập, người xem có thể hình dung rõ hơn các lớp văn hóa tích tụ trong từng mảng chạm trang trí, từng dòng chữ cổ.
In rập là phương pháp lưu giữ chính xác những chi tiết gốc, đồng thời tạo nên một lối tiếp cận giàu cảm xúc và thẩm mỹ với di sản. Mỗi bản rập thủ công trở thành sợi dây kết nối giữa hiện vật và cộng đồng, giữa nghệ thuật cổ truyền và công nghệ hiện đại. Trên những tấm giấy dó thấm đượm dấu thời gian, hồn cốt di sản như được đánh thức, hiện lên sống động trong không gian trưng bày và lan tỏa vào ký ức của những người đang bước qua dặm dài miền di sản.
Nếu ở chùa Keo Hành Thiện, in rập là một phương pháp khoa học phục vụ bảo tồn và số hóa di sản, thì tại Quần thể Danh thắng Tràng An, kỹ thuật thủ công này lại được chuyển thể thành một hoạt động giáo dục, nghệ thuật, truyền cảm hứng đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những bản rập không còn bó hẹp trong không gian nghiên cứu hay trưng bày, mà đã bước ra giữa đời thường, gắn với trải nghiệm và ký ức của từng cá nhân.
Trong không gian trải nghiệm do Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Nghệ thuật (ERCA) tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách có thể tận tay thực hiện một bản in rập truyền thống trên giấy dó, từ khâu pha màu, đặt khuôn, dùng con rập bọc vải và con lăn để in rập tranh. Chị Nguyễn Tử Phương Chi, Trợ lý Dự án của ERCA chia sẻ: “Chúng tôi thiết kế các bản khắc dựa trên họa tiết mang đậm bản sắc của Cố đô Hoa Lư như các trích đoạn từ Long sàng - Bảo vật quốc gia hiện lưu giữ tại đền Vua Đinh với họa tiết tay rồng, họa tiết mặt trời mây đao lửa,… hoặc hình cá tràu, loài cá tiến vua đặc trưng vùng chiêm trũng được khắc trên Long sàng. Ngoài ra, các đề tài đồ họa hiện đại miêu tả các loại cây cỏ hoa lá cùng một số động vật đặc biệt ở Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long như bướm và voọc quần đùi trắng cũng đang được khai thác, giới thiệu đến du khách. Cùng với đó, các tình nguyện viên sẽ giới thiệu kiến thức lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, truyền tải câu chuyện đằng sau mỗi họa tiết, để người tham gia hiểu được bối cảnh ra đời, biểu tượng ý nghĩa và giá trị văn hóa của từng bản rập. Đó cũng là cách giúp di sản trở nên gần gũi hơn, đặc biệt với thế hệ trẻ”.
Tất cả các sản phẩm in rập đều là “độc bản” bởi mỗi thao tác, mỗi lần chạm mực, mỗi sắc độ màu đều mang dấu ấn cá nhân, ghi lại những khoảnh khắc sáng tạo khác nhau của mỗi người. Qua đó, khiến du khách có những trải nghiệm vô cùng ấn tượng. Maddy, 25 tuổi, du khách đến từ Anh bày tỏ sự thích thú sau khi hoàn thành bản in đầu tiên: “Tôi chưa từng nghĩ mình có thể tạo ra một tác phẩm truyền thống chỉ bằng đôi tay và sự trải nghiệm sáng tạo của mình. Điều thú vị là tôi không chỉ thực hành mà còn hiểu ý nghĩa của hình ảnh - như con cá biểu tượng cho sự sinh sôi và mùa màng. Tôi sẽ giữ bản in này như một phần ký ức đặc biệt từ Việt Nam”.
Không riêng người nước ngoài, nhiều gia đình Việt cũng tìm thấy giá trị kết nối khi tham gia hoạt động này. Chị Phạm Thị Thu Hạnh (phường Nam Định) cùng hai con gái nhỏ lần đầu đến Tràng An, xúc động chia sẻ: “Các con tôi vốn chỉ biết tranh cổ, hoa văn qua sách giáo khoa, nhưng hôm nay được tận tay làm, tận mắt xem, các cháu rất thích. Tôi thấy đây là cách học lịch sử, mỹ thuật rất hiệu quả".
Có thể thấy, khi được thiết kế phù hợp, in rập, từ một kỹ thuật bảo tồn khoa học, có thể trở thành phương thức truyền tải, lan tỏa văn hóa sống động, bền vững. Mỗi bản tranh nhỏ là một lát cắt của ký ức văn hóa, góp phần đưa di sản đến gần hơn với đời sống thường nhật. Trải nghiệm bằng tay, hiểu bằng tâm và mang đến những giá trị đích thực, đó là hành trình “chạm tay vào di sản” theo đúng nghĩa.