Gần như sự lãng quên một thị trấn Hội An thế kỉ 19 lại là một đặc ân dành cho khách du lịch vì giờ đây họ được thong dong trên những con phố của một thị trấn cổ có tuổi đời xấp xỉ 200 năm. Hội An không hẳn là những nếp nhà cổ, không hẳn là Chùa Cầu, sông Hoài, cũng không phải đèn lồng hay cơm gà - Hội An chẳng phải là một thứ vật chất cụ thể nào cả, mà hoàn toàn là một thứ thuộc về tinh thần - một cảm giác. Mỗi khi nhớ tới Hội An tôi thường để mình trải qua những cảm giác đã lượm lặt được nơi đô thị cổ ấy. Có đôi khi, ngồi nhìn lại những tấm hình mình đã chụp, và chợt thấy lòng buồn vô hạn, bởi dù có cố đến mấy thì những cảm giác ấy sẽ chẳng bao giờ còn lặp lại. Hội An đông nhất là vào những đêm rằm. Khi màn đêm buông hẳn, con sông Hoài thực sự sống dậy trong không khí "trên bến dưới thuyền". Người ta đổ xô về con đường dọc bờ sông, đi lại như mắc cửi. Đôi chỗ họ tổ chức các sân khấu diễn xướng ngoài trời, cách xa khoảng 300m là đã thấy rộn ràng trong lòng. Dưới sông, hàng đoàn thuyền nối nhau rời bến, người dưới thuyền và người trên bến đều mang gương mặt háo hức. Những ngày trăng khuyết trả lại cho Hội An vẻ tĩnh lặng vốn có. Một vài du khách ngồi ăn tối bên hiên, một ánh đèn đỏ ma mị trên gác mái, một bóng đèn hột vịt trên mẹt hàng dong... Tôi thích nhất là những buổi sáng thức giấc, mất một phút để làm quen với sự yên tĩnh, rồi đội một chiếc mũ rộng vành, đạp xe loanh quanh trong khu phố cổ. Từ những chiếc loa nhỏ gắn rải rác dọc những con đường chính, tiếng đàn Piano nhẹ nhàng rải nốt khiến phút chốc người ta quên mất thực tại. Cũng chiếc xe đạp ấy, nhấn chân khoảng 20 phút là ra đến biển Cửa Đại, ngồi ở quán bar nằm ngay cửa biển cũng là một cái thú khó quên. Tôi từ Hội An trở về, chẳng mang theo món đồ lưu niệm nào cả, chỉ mang trong mình những cảm giác, những cảm xúc thực sự bắt đầu từ nơi này. Lại nói về người bạn nước ngoài của tôi. Bạn hỏi:" Vì sao mình nên đến Hội An?" "Đến đi, để được sống chậm!" Tôi đã nói với bạn, với chính mình, như vậy. Đến Hội An, bạn không thể không thưởng thức các món ăn đặc trưng như bánh bao, bánh vạc (white rose), cao lầu, cơm gà, bánh đập... Hầu hết các nhà hàng ở đây đều tổ chức các lớp học nấu ăn tại chỗ. Xin gợi ý một số địa điểm: Lâu năm nhất ở Hội An phải kể đến nhà hàng Vạn Lộc (27 Trần Phú), tại đây vẫn giữ nguyên không khí một quán ăn cũ, với rất nhiều món đặc sản của Hội An. Nhà hàng Vĩnh Hưng gần Chùa Cầu (147 Trần Phú), là nơi tập trung nhiều du khách nươc ngoài, món ăn nấu kiểu truyền thống, giá cao hơn so với nhà hàng Vạn Lộc. Goodmorning Vietnam đẹp và sang trọng, thực đơn nấu ăn theo kiểu Ý, kể cả các món ăn truyền thống như cơm gà cũng mang hương vị phương Tây. Nếu có thời gian, bạn có thể ra khu ngoại ô tìm "quán bà già". Đi qua cầu Cẩm Nam khoảng 500m sẽ gặp quán nằm khiêm tốn bên tay phải, sát bờ sông. Tại đây bạn có thể thưởng thức hến xúc bánh đa, chè bắp và đặc biệt là món bánh đập dập nổi tiếng. Trước khi về, nhớ ghé nhà 41 Nguyền Thái Học để mua một lọ tương ớt về làm quà. Ở Hội An có khá nhiều khách sạn tư nhân, giá cả dễ chịu, nhưng tận hưởng cảm giác trọn vẹn, bạn hãy đặt một phòng ở khách sạn Vĩnh Hưng - một căn nhà cổ nguyên vẹn nằm giữa trung tâm phố đi bộ. Một lựa chọn khác là khu Resort duy nhất nằm ngay trong lòng Hội An, bên dòng sông Thu Bồn: Life Heritage Hội An với mô hình thiết kế mang phong cách vùng nhiệt đới Châu Á. Từ quầy Bar Heritage, du khách có thể ngắm nhìn một trong những con đường đẹp nhất của Hội An. (www.life-resorts.com) Khu vực ven Cửa Đại tập trung rất nhiều khu resort cao cấp như Hội An Riverside Resort, Victoria Hội An, Palm Garden Resort... nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến The Nam Hải Resort - khu nghỉ dưỡng 6 sao đã nhận được nhiều giải thưởng của các tạp chí uy tín trên thế giới bình chọn. Vào các ngày rằm, ở Hội An có nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, trong đó thú vị nhất là nghe đàn ghita Hawaii (gọi nôm na là Hạ uy cầm) ở Chùa Cầu. "Dàn nhạc" gồm ba người, ngoài một người chơi măng-đô-lin và một người chơi ghita thùng, thì thu hút sự chú ý của du khách nhiều nhất là tiếng đàn đầy ám ảnh của nghệ sĩ Đỗ Văn Bừng. Tiếng đàn của người nghệ sĩ với vẻ ngoài giản dị, giản dị như chính chiếc đàn ghita Hawaii và chiếc loa thùng tự chế, hòa cùng không khí của đêm rằm phố Hội tạo nên một cảm giác thật khó quên.
Theo Tạp chí Đẹp/Vietnam+