Lao động chất lượng cao thiếu, lao động phổ thông yếu
Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, nhiều người dân ở Hoa Lư đã không chỉ sống dựa vào đồng ruộng. Họ chuyển sang đầu tư mở các nhà hàng khách sạn, homestay phục vụ khách du lịch. Gia đình ông ánh ở thôn Nội, xã Ninh Xuân là một trong số đó, đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây khu nghỉ dưỡng gồm 10 phòng đầy đủ tiện nghi với bể bơi, nhà hàng… nhưng việc quản lý lại gần như giao phó hoàn toàn cho một nhân viên ở Hà Nam. Ông ánh lý giải: Khách hàng đến đây đa phần là người nước ngoài, việc đặt phòng thông qua các ứng dụng, trang web, trong khi đó chúng tôi thì "ngoại ngữ một chữ cắn đôi không biết", tin học càng không. Vì vậy, gia đình tôi phải thuê người từ nơi khác để làm công tác quản lý, điều hành, thậm chí số lượng khách nhiều hay ít cũng phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên này. Gia đình chỉ làm được các công việc đơn giản như dọn phòng, nấu ăn, bảo vệ.
"Chi phí thuê người quản lý cao, không làm chủ hoàn toàn được công việc kinh doanh là điều khiến tôi trăn trở. Nhưng để thay đổi được thực trạng này cũng không thể trong một sớm một chiều bởi việc tiếp cận với ngoại ngữ hay công nghệ hiện đại với người già như chúng tôi quả thật rất khó khăn. Giờ chỉ trông chờ vào đứa cháu đang học ngoại ngữ trên Hà Nội mà cũng phải 2 năm nữa nó mới ra trường…".
Cùng với hàng trăm homestay như gia đình ông ánh, còn rất nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh cũng đang thiếu nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các vị trí như lễ tân, sales & marketing, hành chính, nhân sự... Theo anh Lê Ngọc Quỳnh, chuyên viên kinh doanh của resort Tam Coc La Montagne: Cơ sở đã đi vào hoạt động gần 1 năm nay nhưng đến giờ một số vị trí quản lý quan trọng vẫn chưa tuyển dụng đủ. Đặc biệt, nhiều vị trí khách sạn đã phải mời người từ Hà Nội hoặc các tỉnh khác về, điều này không thực sự thuận lợi so với việc tuyển dụng được người địa phương.
Không chỉ thiếu nguồn lao động chất lượng cao mà ngay cả đối với lao động phổ thông trong ngành du lịch của tỉnh ta cũng đang có vấn đề. Nhiều Quản lý nhân sự ở các khách sạn, cơ sở lưu trú phàn nàn: Nhu cầu nhân lực rất lớn nhưng để tuyển dụng được lao động là điều vô cùng khó khăn, có thời điểm phải chấp nhận "vơ bèo vạt tép" để lấp chỗ trống, hoặc thuê sinh viên theo kiểu "mùa vụ". Đa phần trong số đó vừa thiếu kinh nghiệm lại vừa thiếu chuyên nghiệp, sẵn sàng "nhảy việc" khi gặp phải áp lực, thậm chí luôn có tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ" chứ không chịu cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện bản thân.
"Bao ăn ca, thưởng lễ tết, lương tháng 13, hỗ trợ phát triển bản thân, có chế độ riêng đối với nhân viên gắn bó lâu dài với công ty từ 1 năm trở lên, các chế độ phúc lợi khác theo quy định của nhà nước và doanh nghiệp…", dòng thông tin tuyển dụng này được khách sạn Hoàng Sơn thường xuyên đăng tải trên các diễn đàn, trang web nhưng không phải lúc nào họ cũng tuyển đúng, đủ số lượng nhân viên như mong muốn. Một nhân viên phụ trách nhân sự của khách sạn cho biết: Số người đến ứng tuyển khá đông nhưng đa phần kỹ năng sống, kinh nghiệm thực tế, sự tự tin trong giao tiếp còn yếu. Vậy mà lúc cao điểm chúng tôi vẫn phải sử dụng và khắc phục bằng cách đào tạo thêm. Tuy nhiên sau một thời gian, khi có kinh nghiệm, hoặc khi không chịu được áp lực họ lại bỏ việc. Vòng luẩn quẩn tuyển dụng - đào tạo - tuyển dụng cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của khách sạn.
Giải quyết vấn đề nhân lực để phát triển bền vững
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, với những nỗ lực của các cấp, các ngành, lượng khách đến với Ninh Bình đã tăng đột biến. Tuy nhiên, nếu chưa giải quyết được những cái khó trong vấn đề nhân lực thì sự phát triển này chưa thực sự bền vững và chưa đem lại giá trị tương xứng.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 Ninh Bình sẽ đón khoảng 9,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế là 1 triệu lượt, còn lại là khách nội địa. Số lượng cơ sở lưu trú dự kiến cũng sẽ đạt con số trên 500, trong đó khách sạn 3-5 sao là 20 cơ sở, khách sạn 1-2 sao là 60 cơ sở. Kéo theo đó, ngành sẽ cần khoảng 7.600 số lao động trực tiếp. Trong khi đó hiện nay, chúng ta mới có hơn 5.000 lao động làm du lịch. Mà theo khảo sát của Sở Du lịch, trong số lao động này chỉ có khoảng 17% có trình độ đại học và sau đại học; 25% có trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo. Đó là chưa kể mặc dù có bằng cấp nhưng chưa hẳn các đối tượng này đã được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch mà là chuyển từ các lĩnh vực khác sang.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Số lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, thực tế thì lực lượng lao động làm du lịch của chúng ta hiện nay đang còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp. Các kỹ năng cần thiết cho công việc như: ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, kinh nghiệm… cũng có nhiều hạn chế. Đặc biệt, Ninh Bình đang rất thiếu đội ngũ lao động chất lượng cao, cán bộ quản lý từ trung đến cao cấp ở các khách sạn từ 3-5 sao. Trong khi đó các chuyên gia trong ngành đã khẳng định rằng, một nhà quản lý giỏi quyết định đến 50% sự thành công của một khách sạn.
Nguyên nhân của thực trạng này là do Ninh Bình chưa có hệ thống đào tạo riêng, chưa có cơ sở dạy nghề du lịch. Đại học Hoa Lư mới chỉ đào tạo một số ít chuyên ngành về du lịch, đồng thời Sở cũng đã phối hợp mở các lớp bồi dưỡng tại chỗ, nhưng nguồn nhân lực đào tạo theo hình thức này sẽ hạn chế về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Việc thu hút lao động được đào tạo bài bản giàu kinh nghiệm về Ninh Bình thì lại khó do các đối tượng này yêu cầu cao về mức lương, môi trường làm việc cũng như các điều kiện để phát triển năng lực bản thân.
Nếu không sớm cải thiện về nhân lực, ngành Du lịch Ninh Bình sẽ đối mặt với nhiều rào cản. Để giải quyết vấn đề này, trước tiên cần có một chương trình điều tra, đánh giá bài bản chi tiết về số lượng, chất lượng cơ cấu nguồn nhân lực du lịch hiện có. Trên cơ sở đó định hướng công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp kinh doanh du lịch, để tạo ra những chương trình thực tập, kiến tập bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên nhiều hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho quá trình hội nhập của sinh viên khi làm việc tại doanh nghiệp. Khuyến khích và thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nhân lực du lịch, tạo điều kiện để các tổ chức, đơn vị có thể tham gia góp vốn, góp kiến thức, kinh nghiệm cho công tác đào tạo nhân lực; thu hút doanh nghiệp tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo du lịch. Thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đào tạo du lịch hệ từ xa, đào tạo trực tuyến, định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới.
Hà Phương - Đào Duy