Phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra nghị quyết về phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái là một trong những loại hình du lịch được ưu tiên phát triển, cũng từ đó Khu du lịch hang động Tràng An được đầu tư xây dựng với quy mô ngày càng lớn, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm linh, cảnh quan danh thắng và đa dạng sinh học.
Được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, nhiều thung lũng và hang động, đã tạo ra cho Tràng An một sự đa dạng về các kiểu rừng: rừng trên núi đá, rừng trên vùng đất trũng, rừng trên vùng đất dốc, đồng cỏ, đất ngập nước với nhiều loài sinh vật phân bố trong một sinh cảnh sống với những mối liên hệ tương tác hòa quyện cùng với thiên nhiên cỏ cây và hoa lá đã và đang cùng với đất trời Tràng An tạo ra một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An đã thống kê được khoảng 300 loài thực vật bậc cao, nhiều loại rêu tảo và nấm, trong đó có một số loài thực vật quý hiếm như: Sưa, Lát, Nghiến..., nhiều loại cây có giá trị cao được sử dụng làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh như Hoài Sơn, Kim ngân, Bách bộ, rau Sắng... 30 loài thú, trên 50 loài chim và nhiều loài bò sát, trong đó có một số loài thú quý hiếm như Sơn dương, Báo gấm, Phượng hoàng đất....
Để từng bước giải quyết những yếu tố ảnh hưởng có nguy cơ gây tổn hại đến công tác quản lý, bảo tồn và phát triển rừng bền vững, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo vệ rừng bằng cơ chế, kế hoạch cụ thể, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ tổn hại đến những giá trị đa dạng sinh học của rừng. Công tác quản lý rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chú trọng, việc kiểm soát lửa rừng được thực hiện một cách nghiêm ngặt, không có tình trạng đốt nương làm rẫy và cháy rừng. Hầu hết các cửa ra vào rừng đã có lực lượng bảo vệ canh gác, việc kiểm soát các hoạt động của nhân dân trong rừng rất chặt chẽ, không có hiện tượng đánh bắt thủy sản trái phép, không có tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Tại các điểm du lịch, việc thu gom rác thải đã được thực hiện triệt để, môi trường cảnh quan khu vực luôn đảm bảo xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh những kết quả về công tác bảo vệ rừng, trong khu du lịch nhiều công trình kiến trúc mới được xây dựng, với các kiểu dáng truyền thống, kết hợp một cách hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, đảm bảo nguyên tắc phát triển trước mắt song không làm tổn hại đến lâu dài...
Với mục tiêu: Kết hợp hài hòa giữa du lịch và bảo vệ rừng, lấy du lịch sinh thái làm công cụ để bảo vệ rừng, các hoạt động tại Khu du lịch sinh thái Tràng An đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sự nhận thức của cộng đồng về các giá trị to lớn của rừng đối với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Khu du lịch sinh thái Tràng An đã thức dậy nguồn tiềm năng to lớn của vùng đất Tràng An - Cố đô lịch sử; giải quyết nhiều công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều người dân trong khu vực, sử dụng đất đai và tài nguyên rừng hợp lý, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, du lịch từng bước phát triển…
Bên cạnh những cố gắng trên, một số nguy cơ đã và đang ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng tại Tràng An, đó là: tình trạng cháy rừng do những hành vi của con người vẫn là mối đe dọa chính đối với môi trường tự nhiên và sự đa dạng sinh học, tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, tình trạng khai thác trái phép gỗ củi, khai thác cây cảnh, đá cảnh và khai thác vật liệu xây dựng, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, nhất là bẫy bắt và buôn bán một số loài chim, loài Lan, Tuế... ở một số khu vực lân cận...
Để Khu du lịch sinh thái Tràng An ngày càng phát triển, công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đang rất cần có sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ và nhân dân, nhất là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương các xã vùng lân cận. Chỉ có vậy Khu du lịch sinh thái Tràng An mới phát triển một cách bền vững và phát huy đầy đủ vai trò và chức năng của một khu rừng văn hóa - lịch sử - cảnh quan và môi trường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đỗ Văn Các
(Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình)