P.V: Thưa đồng chí, là Trưởng đoàn công tác của tỉnh tham gia bảo vệ hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An tại kỳ họp 38 của UNESCO tại Doha (Qatar). Xin đồng chí cho biết kết quả của chuyến công tác?
Đ/c Trần Hữu Bình: Tại kỳ họp lần thứ 38 của ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO diễn ra tại Doha (Qatar) có 41 hồ sơ nộp cho ủy ban Di sản thế giới. Tuy nhiên, trước phiên họp có 5 hồ sơ đề cử di sản xin rút. Trong số 36 hồ sơ còn lại chỉ có 26 hồ sơ được ghi danh vào danh mục di sản thế giới, số hồ sơ còn lại được xem xét ở những mức độ khác nhau. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là một trong 26 bộ hồ sơ được ghi danh. Đặc biệt lần này chỉ có riêng Việt Nam đệ trình di sản hỗn hợp theo ba tiêu chí.
P.V: Được biết quá trình bảo vệ hồ sơ di sản Tràng An diễn ra hết sức căng thẳng. Xin đồng chí cho biết diễn tiến của quá trình này?
Đ/c Trần Hữu Bình: Hồ sơ trình ủy ban Di sản thế giới của UNESCO được xem xét và đánh giá theo 4 mức. Ban đầu các cơ quan tư vấn của UNESCO gồm Hiệp hội bảo tồn thế giới (IUCN) và Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICMOS) đánh giá hồ sơ của Tràng An ở mức D, nghĩa là hoãn hồ sơ để bổ sung thông tin, bảo vệ sau 2 năm. Khi nhận được đánh giá của 2 cơ quan tư vấn, trước khi sang Qatar, tỉnh Ninh Bình đã mời giáo sư Paul Dingwall, chuyên gia IUCN sang tư vấn và phối hợp với các chuyên gia Việt Nam chuẩn bị các báo cáo giải trình, phản biện cũng như các phương án lập luận, giải thích cho các chuyên gia UNESCO.
Sau khi nghiên cứu từng vấn đề và nội dung khuyến nghị của các cơ quan tư vấn, các chuyên gia tư vấn thấy rằng có nhiều điểm đánh giá chưa chính xác, đầy đủ và thiếu khách quan, có thể do thời gian thẩm định ngắn và cách tiếp cận khác nhau. Cách nhìn về bảo tồn và phát triển của cơ quan tư vấn UNESCO và phía Việt Nam cũng như các nước đang phát triển có những điểm không thống nhất. Cơ quan tư vấn nhìn nhận vấn đề rành mạch, tách biệt, cách quản lý rõ ràng, dứt khoát. Còn việc quản lý di sản ở Việt Nam có vấn đề chồng lấn, có những vấn đề phải mềm dẻo, chia sẻ trong bảo tồn và phát triển.
Ví dụ, trong Quần thể danh thắng Tràng An dân cư đã sinh sống từ hàng nghìn năm trước, hiện nay vẫn đang sinh sống ở đây. Trong khi, cơ quan tư vấn UNESCO đòi hỏi trong vùng bảo vệ đặc biệt cần phải hạn chế tối đa người dân trong khu vực di sản. Do vậy, UNESCO yêu cầu các chuyên gia làm hồ sơ ở Việt Nam cần giải trình và làm sáng tỏ.
PV: Với quyết tâm bảo vệ thành công hồ sơ di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An theo tiêu chí hỗn hợp, đoàn công tác đã có những giải pháp nào thưa đồng chí?
Đ/c Trần Hữu Bình: Trước đó, nhiều ý kiến của các nước thành viên cho rằng tỉnh ta chỉ nên bảo vệ một tiêu chí thiên nhiên. Tuy nhiên, sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia và sự thống nhất của đoàn công tác, chúng ta kiên quyết giữ vững quan điểm bảo vệ cả 2 tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Bởi trên thực tế của Quần thể danh thắng Tràng An yếu tố văn hóa và thiên nhiên luôn bổ trợ cho nhau, tạo thành thế vững chắc không thể tách rời như chúng ta đi trên hai chân.
Với tâm thế quyết tâm bảo vệ thành công hồ sơ, nên đoàn Việt Nam phải lên kế hoạch tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với tất cả các đoàn chuyên gia của Ủy ban Di sản thế giới theo từng phiên họp để giải thích về các giá trị thiên nhiên, văn hóa của Tràng An, tính toàn vẹn, công tác quản lý, bảo vệ cũng như quan điểm bảo tồn và phát triển của Việt Nam. Từ đó, đề nghị các đoàn ủng hộ. Ủy ban Di sản thế giới có 21 quốc gia thành viên.Theo quy định, nếu 2/3 các quốc gia thành viên Ủy ban bỏ phiếu đồng ý thì hồ sơ được thông qua. Trong các đoàn quốc tế, những người tham gia đều là những nhà khoa học về tự nhiên hoặc văn hóa, đối với họ chỉ có những bằng chứng, lý lẽ về mặt khoa học mới thuyết phục được, đặc biệt đối với các nước Tây Âu như Đức, Bồ Đào Nha, Phần Lan và Croatia. Chúng ta bắt buộc phải giải trình với họ bằng con đường khoa học, thuyết phục bằng những luận điểm, luận cứ xác đáng.
Đoàn Việt Nam đã gặp một số trưởng đoàn của các nước, đều nhận được câu trả lời rất rõ ràng: "Chúng tôi có đồng ý bảo vệ các ông hay không, hay bảo vệ ở mức nào do các chuyên gia của chúng tôi quyết định sau khi nghiên cứu hồ sơ cũng như ý kiến giải trình của các ông". Tuy ở hoàn cảnh khó khăn nhưng đoàn Việt Nam vẫn cố gắng để đạt được sự ủng hộ ở mức cao nhất.
Đúng 10h ngày 23-6-2014, hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An được đưa ra xem xét. Đầu tiên là hai cơ quan tư vấn của UNESCO trình bày báo cáo thẩm định hồ sơ của Tràng An theo 3 tiêu chí: tiêu chí 5 về văn hóa, tiêu chí 7, 8 về thiên nhiên. Những ngày đầu, đoàn Việt Nam rất băn khoăn, mong muốn có một quốc gia có uy tín phát biểu để ủng hộ mình. Đoàn đầu tiên đứng ra ủng hộ rất quan trọng. Có đoàn đứng ra ủng hộ thì mới tìm được tiếng nói chung ủng hộ. Đoàn Việt Nam cũng đặt vấn đề là xem xét đoàn nào phát biểu đầu tiên. Tuy nhiên, đã xảy ra một diễn biến hết sức bất ngờ, cảm động. Sau khi các cơ quan tư vấn trình bày xong đánh giá, thẩm định hồ sơ thì đồng loạt 20 chiếc biển giơ lên đăng ký phát biểu. Các đoàn rất quan tâm đến hồ sơ của Tràng An.
Đoàn Ma-lai-xi-a phát biểu đầu tiên đánh giá tương đối đầy đủ về giá trị văn hóa, thiên nhiên của Tràng An, đồng thời khẳng định sự gắn kết, không thể tách rời giữa văn hóa và thiên nhiên, đề nghị ủy ban Di sản thế giới từ hoãn xem xét chuyển sang công nhận đối với di sản Tràng An. Lần lượt tất cả các nước phát biểu lên tiếng ủng hộ. Sau gần 2 tiếng tranh luận giữa các nước thành viên và các cơ quan tư vấn, cuộc họp đi đến thống nhất Tràng An là di sản vô cùng quý hiếm của nhân loại.
Các đoàn thảo luận sửa đổi dự thảo nghị quyết theo đề nghị của đoàn Ma-lai-xi-a. Dự thảo mới thay đổi lên tới 80% so với bản dự thảo trước đây của Cơ quan tư vấn UNESCO. 11 giờ 57 phút ngày 23-6 giờ Qatar, công chúa Qatar, Chủ tịch kỳ họp, sau khi có được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên Ủy ban Di sản thế giới đã gõ búa công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới.
P.V: Việc Tràng An được ghi danh vào danh mục di sản thế giới là niềm tự hào không chỉ của tỉnh Ninh Bình mà của cả Quốc gia. Theo đồng chí đánh giá thì đâu là nguyên nhân thành công?
Đ/c Trần Hữu Bình: Từ năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-TU về phát triển du lịch. Việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản thế giới, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và thành lập Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An làm đầu mối để điều phối các hoạt động chuyên môn, đồng thời chủ động thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ và các kiến nghị của các chuyên gia, các cơ quan tư vấn trực thuộc UNESCO.
Một yếu tố quan trọng để thành công là tỉnh ta đã mời được các chuyên gia tư vấn hàng đầu về địa chất, khoáng sản và khảo cổ học ở trong nước và các nhà khoa học thuộc cơ quan tư vấn INESCO. Đặc biệt, tỉnh ta đã mời được GS Paul Dingwall, thuộc cơ quan tư vấn IUCN làm cố vấn cho tỉnh trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ di sản, do đó ngay từ bước đi đầu tiên chúng ta đã thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của UNESCO trong việc xây dựng hồ sơ đảm bảo tính khoa học và chất lượng.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng hồ sơ, chúng ta còn nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp như Doanh nghiệp Xuân Trường và nhân dân trong tỉnh nói chung, nhân dân sống trong khu vực di sản nói riêng. Đây chính là những yếu tố quan trọng để tỉnh quyết tâm bảo vệ thành công di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và bảo tồn các giá trị của di sản cho muôn đời sau.
P.V: Sau khi được vinh danh là di sản thế giới, việc tiếp theo của tỉnh cần phải làm để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản là gì thưa đồng chí?
Đ/c Trần Hữu Bình: Việc được ghi danh vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm của nhân dân trong tỉnh đối với di sản. Đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình ghi danh di sản thế giới. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn cần nhiều công sức và thời gian. UBND tỉnh xác định, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, yêu cầu của UNESCO trong việc quản lý bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của di sản. Khi trở thành di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An phải chỉnh sửa hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản, đặc biệt là kế hoạch quản lý du lịch, phân vùng quản lý, bảo vệ di sản.
Đối với vùng lõi cần bảo vệ nghiêm ngặt không được xâm phạm. Cắm biển phân định rõ ràng vùng quy hoạch bảo tồn để bảo vệ vùng lõi, vùng bảo tồn, vùng phát triển du lịch, vùng dân cư. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Giải quyết hài hòa giữa gìn giữ giá trị di sản và nâng cao cuộc sống của dân cư địa phương. Khai thác di sản đó một cách có khoa học và hợp lý để không chỉ gìn giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Rất may, hiện nay vùng lõi của Tràng An đã được bảo vệ rất nghiêm ngặt và có rất ít cư dân sinh sống. Quan điểm của tỉnh là không xây dựng mới, những phần cần phải di dời, tái định cư để bảo vệ di sản một cách khoa học nhất thì sẽ từng bước chỉ đạo di dời. Nhưng sẽ hạn chế di dời đến mức thấp nhất. Trong quy hoạch Quần thể danh thắng Tràng An, vị trí được xây dựng và xây dựng đến mức nào sẽ căn cứ theo hướng dẫn của UNESCO để ban hành quy định cụ thể.
Trước khi làm hồ sơ đề nghị, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị người dân tiếp tục phát huy truyền thống giữ gìn di sản, không được xây dựng những công trình lớn, hay phá núi, phá cây để làm cây cảnh, xâm hại tính nguyên vẹn của di sản. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nâng cao nhận thức về giá trị di sản.
Ví dụ, với các di tích khảo cổ, chủ yếu các nhà khoa học biết giá trị của chúng, trong khi người dân chỉ nghĩ rằng, đó là di tích bình thường. Chúng tôi tuyên truyền cho người dân hiểu, tham gia giữ gìn, bảo vệ hố được khai quật và hố chưa được khai quật. Khi người dân hiểu, chính họ tham gia vào quá trình đấy.
P.V: Thưa đồng chí, tỉnh ta dự kiến thời gian nào sẽ tổ chức đón bằng công nhận di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An?
Đ/c Trần Hữu Bình: Dự kiến, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức lễ đón bằng công nhận di sản trong tháng 11 năm nay.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)