Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Thứ Năm, 22/09/2022, 08:24
Zalo
Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Nho Quan đã xây dựng, có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) là địa phương có trên 80% đồng bào dân tộc Mường. Hiện nay, 10/10 thôn, bản của xã Cúc Phương đều đã thành lập được các CLB, với đa dạng các loại hình văn hóa khác nhau của đồng bào dân tộc Mường.
Trong đó tập trung vào các loại hình truyền thống của người Mường, như CLB hát, múa giao duyên tiếng Mường; CLB ném còn; CLB đánh mảng; CLB biểu diễn cồng chiêng… Các CLB này có từ khoảng chục đến vài chục thành viên, tổ chức sinh hoạt đều đặn 2 lần/tháng. Nguồn kinh phí cho các hoạt động tập luyện, giao lưu, tham gia các cuộc thi, hội thi... được các thành viên đóng góp trên tinh thần tự nguyện.
Bà Quách Thị Hạnh, thôn Sấm 3, xã Cúc Phương, thành viên CLB hát giao duyên tiếng Mường chia sẻ: Bà tham gia CLB đã được 5 năm, ngay từ khi CLB mới được thành lập. Bà Hạnh có suy nghĩ, được thừa hưởng những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông truyền lại, thì cần phải giữ gìn và phát huy các giá trị ấy cho con cháu đời sau. Do đó, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, công việc nhà nông bận rộn, những buổi tập luyện thường vào buổi tối đi lại không dễ dàng, nhưng bà vẫn luôn cố gắng tham gia đầy đủ các buổi tập luyện, giao lưu, biểu diễn của CLB. Rất mừng là tại thôn Sấm 3 và xã Cúc Phương, đến nay đã có nhiều người như bà rất tích cực và hăng hái tham gia các CLB truyền thống của người Mường.
Với ông Bùi Văn Mùi, thôn An Ngải, xã Quảng Lạc, ông yêu tiếng sáo từ thời trai trẻ và gắn bó với nó cho tới nay đã hơn 50 năm. Theo ông Mùi, sáo có vai trò quan trọng, là nhạc cụ rất phổ biến trong hát các bài hát dân ca Mường. Tiếng sáo réo rắt, trầm bổng chỉ thổi riêng cũng đã thu hút nhiều người nghe, còn khi kết hợp càng như quyện vào làn điệu hát, múa uyển chuyển, nhịp nhàng của những bài hát Mường, tạo cho người nghe sự cuốn hút, gọi mời rất riêng có ở đồng bào dân tộc Mường.
Ông Bùi Văn Mùi thường xuyên làm bạn với cây sáo.
Cũng theo ông Mùi, để làm được một cây sáo "chuẩn" không hề đơn giản. Người làm phải chọn được cây nứa tốt, làm hàng nửa tháng với nhiều cây mới chọn được 1 cây đạt tiêu chuẩn ưng ý.
Tại xã Quảng Lạc cũng có khá nhiều người biết thổi sáo và xã đã thành lập được CLB thổi sáo với hàng chục người, duy trì hoạt động luyện tập, biểu diễn ở thôn, xã, trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của xã, của huyện. Mong muốn của ông Mùi là duy trì, khôi phục lại các dụng cụ, nhạc cụ biểu diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng sáo thân thương của bà con dân tộc Mường.
Những bộ trang phục truyền thống được người Mường thường xuyên mặc trong các sự kiện kỷ niệm của thôn, xóm, bản làng.
Thời gian qua, huyện Nho Quan đã dành sự quan tâm đầu tư cho việc khôi phục văn hóa truyền thống của người Mường. Cùng với khuyến khích các CLB hát giao duyên tiếng Mường khôi phục, bảo tồn và phát huy trở lại, trong quá trình triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, huyện Nho Quan đã hỗ trợ kinh phí khôi phục lại một số ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường; mua sắm thêm một số dụng cụ như cồng, chiêng, nỏ; hỗ trợ, động viên các CLB truyền thống các xã thành lập và đi vào hoạt động nề nếp…
Trong các chương trình hoạt động dịp lễ, Tết, giao lưu với các đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Mường Nho Quan đã tự tin và nổi bật trong những bộ trang phục váy áo đặc thù, những nghi lễ cưới xin, ma chay riêng có và đặc biệt là những tiếng cồng, chiêng, những làn điệu hát giao duyên của các đôi trai gái khi mùa xuân-mùa hẹn ước đã về.
Các địa phương cũng luôn có ý thức, trách nhiệm với việc tích cực truyền dạy cho các thế hệ sau - những thanh niên, thế hệ trẻ trong thôn, trong bản có niềm yêu thích học hỏi, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đặc biệt, nhiều CLB truyền thống của người Mường các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Thạch Bình, Quảng Lạc, ngoài tổ chức hát, múa, biểu diễn cồng, chiêng, bắn nỏ, thổi sáo... phục vụ bà con trong thôn và giao lưu với các đội, nhóm khác trong làng, xã, trong huyện, ngoài tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa, nhiều CLB còn thường xuyên đi biểu diễn cho khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường tại các khu, điểm du lịch, các sự kiện khánh thành, kỷ niệm, hội họp của các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát trong và ngoài tỉnh. Đây là mục tiêu lâu dài mà các CLB hướng đến trong quá trình hình thành và gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Mục đích nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.
Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường, ý thức tự giác của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch dân tộc học, du lịch nông thôn miền núi, hướng phát triển du lịch nội địa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường.
Đối tượng thực hiện là đồng bào dân tộc Mường, các nghệ nhân người dân tộc Mường, các CLB văn hóa, đội văn nghệ vùng đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn các xã Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Xích Thổ của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn của thành phố Tam Điệp.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn I từ năm 2022 đến 2025, phấn đấu 50% thôn, bản có CLB/tổ/đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng; các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 1 CLB/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch; 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; có 2 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú...
Ở giai đoạn 2026- 2030, hoàn thành các thủ tục xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phấn đấu có từ 7-10 CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường được được hỗ trợ, bảo tồn, phát huy giá trị, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; 100% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đội văn nghệ, CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên; có từ 7-10 mô hình bảo tồn CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch đặc thù từ di sản văn hóa...