Tình cờ được bạn tặng tập truyện ngắn "Trú rét" của nữ nhà văn Vũ Thanh Lịch, tôi tranh thủ tối thứ bảy không phải cùng con học bài, ngồi đọc. Ban đầu cũng chỉ định đọc cho vui, nhưng rồi 11 truyện ngắn của tập truyện đã cuốn hút tôi, khiến tôi say sưa đọc từ đầu đến cuối. 11 câu truyện là 11 mảnh đời, có tối, có sáng, được miêu tả chân thực, tinh tế và giàu xúc cảm. 11 câu truyện ấy hòa vào nhau tạo thành một bức tranh sinh động và khái quát về cuộc sống, về tình yêu, về ánh sáng của lương tri, của tâm hồn.
Là một nhà văn nữ chưa có nhiều tác phẩm trên văn đàn, nhưng qua tập "Trú rét", tôi cho rằng, Vũ Thanh Lịch đã tự tìm cho mình một chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Số phận của người phụ nữ trong "Trú rét" được tác giả khắc họa ở nhiều chiều cạnh, đi liền với số phận của họ là tình yêu. Người phụ nữ trong truyện của chị đã cháy hết mình, hạnh phúc vô cùng mà đau khổ cũng tột cùng. Đó là tình yêu trong sáng, mãnh liệt, đầy khao khát của những "trinh nữ" trong "Suối nữ", mất người yêu trong chiến tranh mà chưa được một nụ hôn. Đó là nỗi buồn dai dẳng của người mẹ đơn thân mang "cái nợ đồng lần" trong "Dưới chân Đức mẹ". Đó là những nhục cảm được tạo nên bởi nhục dục và tiền bạc đã làm đổi thay sự thánh thiện trong trái tim người phụ nữ trong "Những con sóng màu mật". Là nỗi khát khao, nỗi đau, sự dày vò của một người phụ nữ không có hạnh phúc được làm mẹ trong "Tiễn biệt một lời đùa". Là sự sám hối dù muộn màng của người đàn bà được chồng yêu thương nhưng lại có phút xao lòng ngã vào tay kẻ khác trong "Sau trận mưa rào". Và dù trong xã hội đương đại nam - nữ bình quyền, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh người phụ nữ yếu mềm, phụ thuộc, đánh mất bản thân mình trong "Thuốc lú". Một hình ảnh của cô Mị của Tô Hoài "lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", chỉ nhìn thấy bầu trời mờ mờ qua ô cửa mà không rõ là "sương hay là nắng".
Cốt truyện tuy không mới, nhưng cách miêu tả của Vũ Thanh Lịch vô cùng tinh tế. Dưới ngòi bút của chị, những con chữ không còn là những con chữ nằm yên trên giấy, mà chúng biết nhảy nhót, biết cựa quậy, biết khóc, biết cười cùng nhân vật. Những từ tượng hình, tượng thanh được sử dụng khá đắt khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, đầy gợi cảm mà không gợi dục. Tôi bắt gặp trong truyện của chị những từ ngữ khá lạ. Chị tả trăng để tả vẻ đẹp trinh nữ và sự khát khao yêu đương. Trăng của chị biến hóa khôn lường: "trăng nõn nường", "trăng xộ xệch", "trăng vỡ vụn", "trăng sầm sập", "trăng ỡm ờ", "trăng hoang hoải", "trăng rót mật"…
Với số phận của lương tri con người, truyện của Vũ Thanh Lịch mang hơi hướng văn học lãng mạn với những cái kết có hậu. Đó là dù ở đâu, hoàn cảnh nào, dù bị xô đẩy xuống tận cùng xã hội, thì ánh sáng của tâm hồn, hơi ấm của trái tim con người vẫn tỏa sáng, vẫn sưởi ấm bao số phận trong đêm giá lạnh.
Ta như chợt gặp một Thằng gù xấu xí mà lương thiện trong "Thằng gù nhà thờ Đức bà" của Huy Gô trong nhân vật Hùng "giang hồ" trong "Trú rét". Ta gặp cái ranh giới mong manh giữa thiện và ác trong "Rễ phủ giữa dòng" với lời răn dạy "nghèo cho sạch, rách cho thơm" của người cha. Rất nhẹ nhàng, "không đao to búa lớn", tác giả phê phán bệnh chạy theo thành tích trong "Mùa đông sẽ qua nhanh" và qua đó tôn vinh những người "gieo chữ" cho trẻ em nghèo.
Nhưng có lẽ tôi tâm đắc nhất là truyện ngắn "Bus Hà Nội". "Bus Hà Nội" mang hơi thở đương đại. Bus không chỉ là Bus, mà còn là những mảnh vụn cuộc sống được tác giả tìm tòi, khám phá, trải nghiệm và ghép lại thành một bức họa hoàn hảo về xã hội thu nhỏ trên xe búyt. Cảm giác chòng chành khi đi xe búyt hay chính là sự "chòng chành" của lương tri con người trong những sóng gió cuộc đời. Sự chen lấn, xô đẩy khi đi xe búyt hay chính là sự "chen lấn" thậm chí "dẫm đạp lên người khác" để tìm cho mình những phú quý, vinh hoa trong xã hội. Cái việc người này ngã vào người kia khi đi xe búyt hay chính là những cú "ngã" trước cám dỗ của tiền bạc và quyền lực. Nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn thấy được sự cao quý của tâm hồn con người qua hình ảnh cụ già và chị phụ nữ có bầu đã nhường ghế cho nhau.
Tôi sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng chưa từng đi xe búyt. Sau khi đọc xong "Bus Hà Nội", tự nhiên tôi lại muốn thử trải nghiệm một lần, muốn được nhường ghế cho ai đó một lần, để tự nhận thấy mình còn lòng trắc ẩn, để khẳng định rằng xã hội này, dù có những người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, thì vẫn còn có những tấm lòng, mà nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là "để gió cuốn đi".
Đọc xong 11 truyện ngắn của "Trú rét", tôi tin rằng mỗi chúng ta đều tìm được cho mình một chút thư thái, một chút bình yên sau những giông bão cuộc đời, như con chim đã tìm được đến nơi "trú rét" cho cả mùa đông giá lạnh, như ánh sáng tâm hồn đủ sức thắp sáng màn đêm.
Tự giới thiệu về mình trong cuốn sách, Vũ Thanh Lịch đã thầm ước những gì chị viết ra có thể nhóm lên một ngọn lửa, sưởi ấm một tâm hồn, thì ít nhất đối với tôi, chị đã làm được điều đó.
Việt Hà
(Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam)