Đây là vở chèo dài 6 cảnh, với hàng chục nhân vật, chủ đề nội dung tập trung là vấn đề khá "thời sự", đó là cuộc đấu tranh giữa lớp người dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh quyền lợi bản thân, đi tiên phong trong việc khôi phục, bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể, những tài nguyên thiên nhiên vô giá... với số ít người vì lợi ích trước mắt mà làm những chuyện trái nhân cách, với xu thế phát triển của thời đại, của đất nước, quê hương.
Vở diễn được dàn dựng bởi đạo diễn, NSƯT Trần Ngọc Giàu; NSƯT, Giám đốc Nhà hát chèo Nguyễn Quang Thập; âm nhạc nhạc sĩ, NSƯT Hạnh Nhân; thiết kế mỹ thuật họa sĩ, NSƯT Tất Ngọc; biên đạo múa NSND Minh Thông cùng với dàn diễn viên trẻ, giàu năng lực sáng tạo.
Chủ đề xuyên suốt của vở diễn được nhà viết kịch Đăng Thanh, bằng bút pháp và ngôn ngữ đặc trưng của thể loại chèo, đã thể hiện khá thành công ý tưởng mà tác giả đặt ra: Đưa kinh tế du lịch thành mũi nhọn nhưng không phá vỡ cảnh quan, di sản, phải giữ cho được hồn cốt dân tộc, bảo tồn được di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, môi trường sinh thái, mở ra một nền du lịch có bước phát triển ngày một tích cực hơn, bền vững hơn...
Câu chuyện bắt đầu từ Thọ, một họa sĩ trẻ sinh ra và lớn lên ở Thành phố Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thọ mang tâm huyết, trí tuệ, những kiến thức có được góp phần vào phát triển và xây dựng quê hương.
Về tham gia làm du lịch ở quê hương, anh đã gặp Diễm, một cô gái trên vùng sơn cước Cúc Phương đẹp như một đóa lan rừng vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm nhưng cùng chí hướng phát huy thế mạnh về lịch sử, cảnh quan, di tích của quê hương vào làm du lịch.
Buổi đầu gặp Thọ, Diễm đã "choáng" trước chàng họa sĩ điển trai, có tầm nhìn và chí lớn làm ăn. Diễm đã nảy sinh tình cảm với anh, mặc dù cô đã có người yêu là một cán bộ kiểm lâm. Ngặt một nỗi, người yêu của cô lại luôn bị đồng tiền chi phối, bị kẻ xấu lợi dụng để khai thác, chặt phá rừng, tàn phá tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên phục vụ cho lợi ích cá nhân. Cô đã kiên trì vận động và thuyết phục người yêu đừng vì hám lợi mà đánh mất phẩm chất của người cán bộ giữ rừng.
Trong khi đó, Thọ có người yêu là Quyên, làm Trưởng phòng Tín dụng ngân hàng, lại không cho Thọ vay vốn đầu tư vào du lịch, vốn là niềm khát vọng cháy bỏng trong anh vì cô vẫn muốn người yêu về thành phố để thăng tiến, vừa không phải vất vả nơi núi rừng, vừa không còn cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc với Diễm mà theo Quyên là nguy cơ đánh mất hạnh phúc của mình.
Các đạo diễn đã xử lý khá hài hòa các lớp diễn giữa tình yêu đôi lứa với những mâu thuẫn đặt ra trong đấu tranh nhằm đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Vở diễn thêm thu hút khán giả khi có sự xuất hiện của Việt kiều Mỹ, hay ông Vang, một nhân vật phản diện đầy cá tính, người luôn cho vay nặng lãi và ông Quỳnh- bố Diễm, nạn nhân của ông Vang.
Do không trả được nợ, ông Vang đã cho tay chân đến đòi phá nhà ông Quỳnh, ngôi nhà sàn cổ vốn đã có hàng trăm năm tuổi nằm dưới cánh rừng bạch đàn lộng gió, từng được nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn, tìm hiểu.
Thọ và Diễm đã bàn nhau quyết tâm bảo vệ bằng được căn nhà sàn, một sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với bản Mường.
Đan xen với mối tình tay ba Thọ- Diễm- Tùng đầy éo le và giàu cảm xúc là mối tình già của hai người cựu chiến binh giữa ông Quỳnh, bà Cẩm. Họ đã đi qua chiến trận, trong bối cảnh một người đã góa vợ, một người chồng đã hi sinh trong chiến đấu. Đồng thời họ là những người nhiệt tâm ủng hộ cho Thọ và Diễm, những người con của họ làm du lịch, những mong Ninh Bình là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Vở diễn "Tiếng hát đại ngàn" của Đăng Thanh với các mảng, miếng, trò diễn gắn với đặc sản văn hóa chèo Ninh Bình cùng với những sắc màu lung linh trong sắc phục dân tộc Mường... đã tạo nên lực hút và sức lan tỏa mạnh mẽ.
"Tiếng hát đại ngàn" là sự đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa giữ gìn những giá trị truyền thống và việc làm vô thức chạy theo những cái lợi bất chính.
Dàn diễn viên tài hoa, trẻ đẹp với các nghệ sĩ mà tên tuổi họ đã quá quen thuộc với công chúng yêu nghệ thuật, như: Anh Tú trong vai Thọ, Huyền Diệu trong vai Diễm, Quốc Trị vai ông Quỳnh, Mai Hiên vai bà Cẩm, Mạnh Hưng vai ông Vang.
Mỗi người với nỗ lực và khả năng diễn xuất đầy sáng tạo đã lột tả được cái thần của nhân vật, từ tính cách đến nội tâm, đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với đông đảo khán giả .
Các diễn viên, nghệ sĩ đã lao động nghiêm túc, hóa thân vào nhân vật, thực hiện thành công ý tưởng mà tác giả và đạo diễn đặt ra cho vở diễn.
Nghệ sĩ Huyền Diệu vẫn đằm thắm, mặn mà, vẫn giữ được phong độ khi diễn cặp đôi với Lê Anh Tú. Quốc Trị đã khắc họa khá thành công vai ông Quỳnh cả về tính cách và nội tâm nhân vật. Mai Hiên là một diễn viên trẻ nhưng đã sớm bộc lộ năng lực sáng tạo, đã mang đến cho khán giả những khoảng lặng thật ngọt ngào, đằm thắm khi thủ vai bà Cẩm. Lê Mạnh Hưng, lần đầu lên sàn diễn nhưng được sự dẫn dắt tận tình của đạo diễn anh đã vào vai ông Vang khá thành công.
Sự xuất hiện của Việt kiều Mỹ do Hồng Quân thủ vai cũng đã gây tiếng cười sảng khoái của khán giả.
Bên cạnh sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ đầy nhiệt tâm và khát vọng sáng tạo là sự thành công của 2 đạo diễn, NSƯT Trần Ngọc Giàu và NSƯT, Giám đốc Nhà hát chèo Quang Thập.
Bằng sự trải nghiệm và những thủ pháp tinh tế đã đẩy những tình tiết, những xung đột của vở diễn lên cao trào, tạo nên một không gian sân khấu đầy hấp dẫn, đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, như màn mua bán ngôi nhà cổ với sự xuất hiện đầy bất ngờ của ông Việt kiều Mỹ.
NSƯT, nhạc sĩ Hạnh Nhân với những giai điệu trữ tình, mượt mà, sâu lắng đã tạo nên một âm thanh sống động, sức lan tỏa và hấp dẫn mạnh mẽ đối với người xem. Biên đạo múa, NSND Minh Thông là một trong những biên đạo rất "hot" trong giới biên đạo hiện nay đã thể hiện khá thành công những màn múa "Bạch đàn hát", "Văn nghệ của Mường" trong vở diễn…
Vở diễn "Tiếng hát đại ngàn" là tác phẩm sân khấu đầu tiên nói về đề tài du lịch không chỉ đối với Ninh Bình mà còn đối với cả nước, nên ngay sau khi được công diễn đã được đón nhận, đánh giá cao.
Lê Liêu