Làm việc ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm cho một công ty may mặc tại Bình Dương đã gần 20 năm nay, cuối cùng anh Nguyễn Văn Lâm (xã Yên Phong, huyện Yên Mô) quyết định trở về quê nhà lập nghiệp, dù rằng mức lương mà anh Chiến nhận được là hơn 20 triệu đồng/tháng. "Công ty mới thay đổi chủ, chế độ không còn tốt như trước nữa, vậy nên cả hai vợ chồng tôi quyết định trở về quê. Hiện nay, tôi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với mức hưởng 17,8 triệu đồng/tháng. Với số tiền tích lũy, tôi sẽ có kế hoạch kinh doanh tại địa phương. Còn vợ tôi, sẽ tìm một công việc phù hợp khác để làm nếu cô ấy muốn. Ở quê mình bây giờ không còn thiếu việc làm nữa"- anh Chiến bày tỏ. Anh Nguyễn Văn Xuân ở xã Yên Phong (huyện Yên Mô) đang làm lái xe điện cho Công ty TNHH MCNex Vina (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình). Anh Xuân mới làm ở đây được vài tháng với mức lương 7 triệu đồng/tháng sau khi nghỉ việc ở một công ty ngoại tỉnh. Thu nhập chưa phải là cao, nhưng như anh Xuân nói anh hài lòng với sự khởi đầu này. |
Chị Mạc Thị Nhớ đang làm thủ tục hưởng BHTN sau khi quyết định nghỉ việc tại một công ty sản xuất điện tử ở Cầu Yên (huyện Hoa Lư). Chị Nhớ tham gia vào phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với mục đích tìm kiếm việc làm mới ở gần nơi chị ở. Chị Nhớ cho biết: Quê tôi ở xã Gia Phú (huyện Gia Viễn). Vì vậy, tôi muốn trở về quê để làm việc gần nhà, đỡ vất vả phải đi ở trọ. Khi đến phiên giao dịch việc làm, tôi được tư vấn nhiều vị trí việc làm, tôi sẽ lựa chọn những công việc phù hợp nhất với bản thân mình. Thật may mắn cho tôi khi đây là thời điểm mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn. Tôi sẽ tận dụng tốt cơ hội này. Khác với nhiều năm trước, tình trạng lao động phải vất vả ly hương để tìm việc làm đã không còn đáng kể, nhất là sau dịp Tết nguyên đán. Thực tế cho thấy, những năm qua, tỉnh ta đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Ninh Bình nhằm tạo việc làm cho người lao động… Theo thống kê, hiện nay tỉnh Ninh Bình có 5 KCN, 11 CCN với hàng trăm doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương. Tỷ lệ lao động chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng, vì vậy mức lương đã cải thiện đáng kể so với những năm trước. |
Tỉnh ta cũng đã tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó lựa chọn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, phân bón. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; Phát triển công nghiệp hỗ trợ: sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày...; Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch và nông thôn mới: nghề thêu ren Ninh Hải, Hoa Lư, làng nghề đá truyền thống Ninh Vân, đan cói Kim Sơn... là những ngành sử dụng nhiều lao động để thu hút lao động từ ngành nông nghiệp sang phi nông nghiệp. |
Cùng với đó, trong năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước đưa chính sách việc làm đến với người lao động, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Theo đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong việc giải quyết việc làm cũng như đối với người lao động trong việc chủ động tạo việc làm, tìm kiếm việc làm. |
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động phục vụ việc cung ứng nhân lực, tìm kiếm việc làm, tuyển dụng và đào tạo lao động theo nhu cầu thị trường. Việc thực hiện tốt hoạt động cập nhật thông tin cung - cầu lao động đã góp phần cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ và phục vụ cho hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, người lao động và Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp điều kiện thực tiễn ở địa phương, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến rõ nét. |
Thực tế cho thấy, việc thu hút được nguồn lao động tại chỗ sẽ là lợi thế rất lớn đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Qua đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cho thấy, việc sử dụng được nguồn lao động tại chỗ đã giúp các doanh nghiệp xây dựng được kịch bản ứng phó dễ dàng và tiết kiệm hơn. Không bị biến động lớn về nhân lực bởi dịch bệnh, vì thế đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn đảm bảo tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Vì vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút lao động, trong đó, có cả những lao động đang làm việc ở ngoại tỉnh. |
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Ở tỉnh ta, một yếu tố rất thuận lợi đó là đã phát triển rất cân đối cả về công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Vì vậy, ở thời điểm khó khăn do ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi trên thế giới, trong khi một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực thì có nhiều ngành nghề có chỉ số tăng, nhờ vậy đã giúp thị trường lao động tiếp tục có những chuyển biến tốt, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng ở những tháng cuối năm 2023. Nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất, kinh doanh, tùy theo diễn biến của kinh tế trong và ngoài nước. Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn thuộc về ngành du lịch, dịch vụ… |
Bước vào năm 2024, quan sát các phiên giao dịch việc làm và thực tiễn khai thác nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cho thấy, thị trường lao động những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tính riêng trong phiên giao dịch việc làm được tổ chức vào đầu tháng 3/2024, các doanh nghiệp đã gửi tới trên 11 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, trình độ trung cấp trở lên là 354 người, còn lại là trình độ sơ cấp và lao động phổ thông. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty TNHH giầy Adora (TP. Tam Điệp), Công ty TNHH MCNex, Công ty TNHH giầy Athena (Yên Mô)… Những tháng đầu năm 2024, đơn hàng của các doanh nghiệp tương đối ổn định. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động mới theo các đơn hàng đã ký kết của các doanh nghiệp diễn ra khá thường xuyên. Đại diện Công ty TNHH MCNex Vina (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm 2022, 2023 là giai đoạn có nhiều khó khăn của Công ty do thị trường quốc tế bị thu hẹp. Thiếu đơn hàng, nhiều lao động thuộc diện bị cắt giảm. Tuy nhiên, tình hình đã có nhiều khởi sắc, từ giữa năm 2023 tới nay, Công ty đã phục hồi sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khá lớn để bù đắp lượng lao động thiếu hụt, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức đầu tháng 3/2024, Công ty TNHH MCNex Vina cần hàng chục chỉ tiêu tuyển dụng lao động chất lượng cao như: Phiên dịch tiếng Hàn, Lập trình viên, Thiết kế công cụ về máy, Thiết kế mạch… và đặc biệt là 200 công nhân sản xuất với những yêu cầu không khắt khe. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động cũng không hề dễ dàng. Sự phục hồi của nhiều ngành, nghề sản xuất đã khiến cuộc cạnh tranh về lao động đã khó khăn trở lại. |