"Đây là lần thứ bao nhiêu anh đi hiến máu tình nguyện (HMTN)?"- tôi hỏi. "Tôi không thể nhớ hết số lần đã tham gia hiến máu. Chỉ biết rằng tôi hiến lần đầu khi vừa là sinh viên của Trường Đại học TDTT. Đến nay, đã có gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi vẫn đều đặn hiến máu mỗi năm. Cứ ở đâu cần là mình hiến thôi"- anh Phạm Ngọc Tú, giáo viên Trường THPT Gia Viễn A chia sẻ nhanh trước khi bắt đầu thực hiện việc hiến máu. |
Chúng tôi chờ cho đến khi thầy giáo Tú hiến máu xong để được nghe những lời tâm sự từ người tình nguyện viên đặc biệt này. Anh Tú cười, đó là việc làm rất đỗi bình thường, ai cũng có thể, thậm chí muốn làm nếu hiểu hết ý nghĩa của việc hiến máu "Hiến máu - để cứu người". Hãy cứ nghĩ trong lúc mình còn đang đắn đo, lưỡng lự vì một vài nỗi sợ hãi mơ hồ thì người bệnh lại không thể chờ đợi được lâu. Họ cần máu của chúng ta để duy trì sự sống. Họ cần máu của chúng ta để bước qua lằn ranh sinh - tử … |
Không chỉ tham gia hiến máu như một tình nguyện viên tích cực, anh Phạm Ngọc Tú còn mang trong mình nhóm máu hiếm, trách nhiệm của anh đối với cộng đồng trở nên lớn hơn. Tham gia vào CLB máu hiếm của tỉnh, anh Tú tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi những người cùng nhóm máu tham gia sinh hoạt và cứu người. CLB cũng kết nối với nhiều nhóm máu hiếm khác trên cả nước để sẻ chia thông tin và hỗ trợ lẫn nhau. Bất cứ khi nào có lời kêu gọi hiến máu thì các anh em trong CLB đều không quản xa xôi, nhanh chóng thu xếp công việc để tham gia hiến máu cứu người. |
Ngoài 50 tuổi, ông Phạm Hồng Minh, phố Bình Hòa, phường Ninh Khánh đã có trên 30 lần tham gia HMTN, trong đó lần đầu tiên là vào khoảng năm 2007. Kể từ đó, năm nào ông Minh cũng hiến máu, có năm ông hiến 2 lần. Ông Minh còn là thành viên của CLB hiến máu của phường, của tỉnh. Không chỉ tích cực HMTN, ông Minh còn vận động người thân trong gia đình cùng tham gia. Đến nay, cậu con trai của ông cũng đã có hơn chục lần hiến máu. Rồi em gái, em rể, cháu… của ông Minh cũng đều tích cực tham gia HMTN. Với những nỗ lực đó, ông Minh được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh Ninh Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN. |
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng BCĐ vận động HMTN tỉnh chia sẻ: Những năm qua, công tác vận động người dân tham gia HMTN của tỉnh đã đạt được kết quả rất tích cực và đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, toàn tỉnh vận động tiếp nhận được 9.575 đơn vị máu, vượt 13% kế hoạch năm. Thời gian tới, mong muốn và kỳ vọng các cấp, các ngành tiếp tục chung tay với Hội Chữ thập đỏ các cấp để vận động người dân (từ 18-60 tuổi) tham gia HMTN đạt 2% lượt dân số thì mới đảm bảo an toàn về máu (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Nguồn máu từ tình yêu thương của cộng đồng chính là cội nguồn của sự sống. |
Trước đây, do khan hiếm nguồn máu dự trữ nên máu để điều trị cho người bệnh chủ yếu lấy từ người nhà bệnh nhân và người cho máu chuyên nghiệp, chế phẩm máu truyền cho người bệnh chủ yếu là chế phẩm máu toàn phần. Nghĩa là truyền toàn bộ các thành phần trong máu như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, huyết tương… cho người bệnh. Trong những năm trở lại đây, nhờ sự tiến bộ của Y học cùng với việc chủ động được nguồn máu dự trữ nên máu truyền cho người bệnh là máu từng phần đúng như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới "thiếu gì truyền nấy". Từ nguồn máu hiến toàn phần, máu sẽ được tách chiết thành các chế phẩm khác nhau như khối hồng cầu, khối tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh… phục vụ cho các chỉ định chuyên biệt. |
Để những giọt máu của tình nguyện viên có thể hòa nhịp trong cơ thể người bệnh, đó là kết quả của quá trình tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và bảo quản, phân phối máu theo đúng quy trình. Công việc này đòi hỏi nhiều công sức, sự tận tâm của các nhân viên y tế Khoa Huyết học - truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sĩ Quách Thị Ánh Ngọc, Phó Khoa huyết học - truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, ngay khi tiếp nhận nguồn máu hiến tặng, các nhân viên y tế đã phải nhanh chóng đưa số máu về viện và bắt đầu quy trình bảo quản, điều chế theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành trong khoảng thời gian nhanh nhất, đáp ứng tiêu chuẩn của các chế phẩm máu. |
Đặc biệt, do đặc điểm tiểu cầu có đời sống 2-5 ngày và các yếu tố đông máu huyết tương dễ bị phân hủy như yếu tố VIII có đời sống rất ngắn (trong khoảng 12h), do đó bắt buộc các nhân viên y tế phải điều chế máu ngay khi máu về: sàng lọc, đưa máu vào máy li tâm lạnh, điều chế thành các chế phẩm máu khối hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu… Các công đoạn này đòi hỏi phải nhanh và tuân thủ đúng quy trình. Ở Khoa Huyết học-truyền máu có 2 bác sĩ, 12 kỹ thuật viên, điều dưỡng và chủ yếu là nữ giới. Khối lượng công việc lớn nên các nhân viên y tế phải bám trụ tại Khoa trong vài ngày liền. Các chế phẩm máu được tạo ra được bảo quản trong kho máu dự trữ, sau đó phân phối xuống các khoa để thực hiện điều trị cho người bệnh. |
Tiếp nhận các đơn vị máu từ Khoa Huyết học - Truyền máu chuyển đến để chuẩn bị truyền cho bệnh nhân đang điều trị trong Khoa, bác sĩ Phan Thị Mai, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khoa Nội tổng hợp là khoa sử dụng máu trong điều trị nhiều nhất. Ở đây, có những ca mắc bệnh mãn tính về máu như: Thalassemia, suy tủy xương, các bệnh xuất huyết tiêu hóa… Những bịch máu này là để truyền cho bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh Quách Thị Luận, 32 tuổi, ở xã Phú Long (huyện Nho Quan). Bị bệnh tan máu bẩm sinh nên chị là bệnh nhân quen thuộc của Khoa Nội tổng hợp từ nhiều năm nay. Định kỳ 3 tháng, chị Luận xuống đây để truyền máu 1 lần. |
Chị Luận kể, khi mới 17 tuổi, chị xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, xanh xao. Khi đi kiểm tra sức khỏe thì các bác sĩ kết luận chị bị tan máu bẩm sinh, chị gái của Luận cũng bị bệnh tương tự. Mẹ mất sớm, bố vất vả mưu sinh nuôi 4 chị em, vì vậy những ngày đầu phát hiện ra bệnh, một mình chị Luận phải tự ra Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để truyền máu định kỳ mỗi năm một lần. Từ năm 2010, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh di chuyển sang cơ sở mới với quy mô 700 giường bệnh thì chị Luận về đây thực hiện điều trị. Sức khỏe không được như ngày trẻ, vì vậy số lần truyền máu của chị Luận cũng thay đổi, cứ 3 tháng thì đến viện truyền máu một lần. Chị Luận lập gia đình và sinh được 1 cậu con trai, năm nay 7 tuổi. Nhưng hiện nay, chỉ có hai mẹ con chị sống cùng nhau. Hàng ngày, chị Luận đi làm cho công ty may mặc với mức lương vài triệu đồng/tháng. Khoản thu không lớn nhưng cơ bản đáp ứng sinh hoạt tối thiểu của cả hai mẹ con. Điều mong mỏi nhất của chị Luận là luôn khỏe mạnh, có sức khỏe để lao động, chăm lo cho con và cho chính mình. Sau 4 ngày thực hiện truyền 5 bịch máu, chị Luận được xuất viện. Chị Luận cười thật tươi vì chị cảm thấy khỏe mạnh hơn: Phải về luôn thôi, về với con và với công việc mưu sinh của mình. |