Giáo dục hướng nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược giáo dục, chiến lược nghề nghiệp và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, đồng thời bám sát nội dung của Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 tỉnh Ninh Bình theo Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh với mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế. Ở cấp Tiểu học, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào nội dung giáo dục của một số môn học, hoạt động giáo dục như: Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS, giáo dục hướng nghiệp tiếp tục được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong hai năm cuối cấp. Ở cấp THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. |
Để giáo dục hướng nghiệp hiệu quả, thực chất, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", các trường đã đưa giáo dục hướng nghiệp lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần. Nội dung giáo dục hướng nghiệp được Ban giám hiệu truyền cảm hứng tích cực, nêu bật tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu học tập nhằm mang đến cho học sinh nhận thức sâu sắc về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Em Phạm Thị Quỳnh, lớp 12A1, Trường THPT Kim Sơn B cho biết: Với các câu trả lời tư vấn của Ban giám hiệu nhà trường ở các buổi chào cờ đầu tuần về các câu hỏi như: Tiêu chí nào ưu tiên lựa chọn trường đại học? Có nên lựa chọn ngành nghề theo sở trường, sở thích? Lựa chọn ngành nghề theo khả năng có quan trọng không? Làm thế nào để không bị tâm lý cả thèm, chóng chán khi chọn nghề? Có nên chọn nghề theo nhu cầu xã hội? Từ đó em đã có lựa chọn đúng đắn cho mình. Em đang nỗ lực thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn được thực hiện qua các hoạt động ngoại khóa, bằng hình thức sân khấu hóa như hát, múa, diễn kịch, hùng biện…, giúp các em thỏa sức sáng tạo, năng động và thể hiện tài năng. Thầy giáo Phạm Văn Khanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm học 2023-2024, nhà trường có 1.009 học sinh/24 lớp. Định hướng giáo dục hướng nghiệp là nội dung mới, hấp dẫn, được nhà trường đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tổ chức 8 chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp đa dạng, hấp dẫn với học sinh. Nhà trường thành lập Ban cung cấp thông tin tuyển sinh cho học sinh; tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận thông tin tuyển sinh về các trường đại học, cao đẳng, đơn vị tư vấn du học, tạo điều kiện tốt nhất cho các em lựa chọn ngành nghề. Những năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt trên 97%; tỷ lệ học sinh học trung cấp nghề trở lên đạt trên 75%,... |
Cô giáo Đỗ Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B cho biết: Năm học 2023-2024, Trường THPT Kim Sơn B có 1.558 học sinh/32 lớp, trong đó có 418 học sinh lớp 12. Nội dung giáo dục hướng nghiệp được nhà trường rất quan tâm, ngay từ đầu năm học, nhất là đối với học sinh khối 12. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm hàng tuần tư vấn, hướng nghiệp, định hướng về các trường đại học cho học sinh trong các buổi sinh hoạt lớp; thường xuyên đăng tải thông tin về các trường đại học trên các trang Fanpage của nhà trường để các em chủ động tìm hiểu và lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, sở trường của mình. Những năm gần đây, kết quả học sinh nhà trường đỗ đại học đạt 80%, 20% học sinh học nghề, đi làm, đi xuất khẩu lao động, du học… |
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A5, Trường THPT Gia Viễn B cho biết: Chúng tôi cố gắng xây dựng các tiết học trải nghiệm để học sinh được trải nghiệm, tìm kiếm khả năng của bản thân, tìm hiểu về sở trường, sở đoản, sự phù hợp của bản thân mình với nghề nghiệp hiện nay; giúp học sinh tìm hiểu về thị trường lao động, các tiết học trải nghiệm cho học sinh thử làm sinh viên, giáo viên. Đồng thời, trong các buổi họp giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, tôi trao đổi để phụ huynh hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiểu về chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện nay, định hướng cho phụ huynh tìm kiếm thông tin cần thiết trong định hướng nghề nghiệp. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục hướng nghiệp tập trung cao ở khối THPT khi học sinh phải lựa chọn môn học, tổ hợp học tập phù hợp ngay từ lớp 10. Theo đó, học sinh sẽ căn cứ vào định hướng nghề nghiệp của bản thân, năng lực, sở trường, sở thích để đăng ký một trong các tổ hợp. Căn cứ vào tổ hợp, học sinh lựa chọn, mỗi trường sẽ triển khai tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. |
Em Nguyễn Phương Uyên, Trường THPT Gia Viễn B: Em có nguyện vọng đỗ vào trường báo chí. Đây là sở thích của em, em có năng lực về thuyết trình, dẫn chương trình. Gia đình ủng hộ sở thích của em. Ở trường học, thầy cô thường tổ chức các hoạt động và em được tham gia, trải nghiệm các hoạt động đó. Bạn bè, thầy cô thường xuyên góp ý để em hoàn thiện bản thân và vững bước trong tương lai. Đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), bên cạnh việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục theo quy định, các Trung tâm GDNN-GDTX còn tăng cường làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề cho học viên. |
Với cách làm hướng nghiệp theo nhu cầu người học, chủ động nắm bắt cung - cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, các Trung tâm GDNN-GDTX đã triển khai đúng hướng hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học viên. Đồng thời, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, tổ chức và liên kết đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp để hướng tới tính ổn định về việc làm sau học nghề cho học viên. |
Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư, với mô hình vừa giảng dạy chương trình văn hóa, vừa tổ chức dạy nghề, trong nhiều năm qua, công tác giáo dục của Trung tâm đã giúp cho người học và gia đình người học dễ dàng lựa chọn được các cơ hội học tập; giúp cho người học tự tin trong việc lựa chọn các hình thức học phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế của gia đình và địa phương; giúp cho người học tiết kiệm được chi phí về thời gian, các chi phí học tập khác. Sau 3 năm học tại Trung tâm, học viên ra trường có bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề, tạo điều kiện cho học viên dễ dàng tìm kiếm được việc làm trên thị trường lao động hiện nay. |
Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, lớp 11D, Trung tâm GDNN-GDTX Hoa Lư cho biết: Từ lớp 10, em đã được học nghề may công nghiệp. Những tiết học nghề đã trang bị cho em kỹ năng làm nghề may công nghiệp từ đó giúp em chủ động, tự tin trong tìm kiếm việc làm hoặc nâng cấp trình độ nghề cao hơn sau khi tốt nghiệp THPT. Những năm gần đây có nhiều học sinh lựa chọn du học và xuất khẩu lao động, các nhà trường đã phối hợp với các đơn vị, công ty xuất khẩu lao động có uy tín được UBND tỉnh cho phép vào tư vấn cho học sinh, học viên các ngành nghề ở các thị trường lao động và đi xuất khẩu lao động. |
Bà Đoàn Thị Thu Hà, đồng sáng lập Công ty TNHH Nova Global Visa cho biết: Nova Global Visa là công ty tư vấn định cư có trụ sở chính tại thành phố Melbourne, Australia và TP. Hồ Chí Minh - với sứ mệnh hỗ trợ tối đa các học sinh, sinh viên tìm kiếm cơ hội được học tập tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tới đất nước Úc xinh đẹp và phát triển. Vừa qua, Công ty đã có chương trình phối hợp với một số trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để cung cấp thông tin về cơ hội học tập, cách săn học bổng du học, cùng những kiến thức cần trang bị khi đi du học; giới thiệu những ngành nghề thị trường lao động quốc tế còn thiếu trong trung và dài hạn để các em có thể chọn ngành học dễ tìm việc và có cơ hội định cư sau khi tốt nghiệp. Qua đó, để các em có định hướng cho bản thân sau này học xong ra trường có việc làm ổn định, thu nhập tốt. |
Với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, công tác giáo dục hướng nghiệp của tỉnh đã đạt được kết quả khả quan. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm 2022-2023 không học THPT hoặc GDTX cấp THPT chiếm tỷ lệ 9,6% (tăng 2,9% so với năm học trước). Tổ chức dạy nghề phổ thông đáp ứng nhu cầu học sinh, phù hợp với điều kiện của địa phương và nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thi nghề phổ thông cấp THPT cho 8.736 học sinh, học viên dự thi; kết quả 99,99% học sinh đỗ, trong đó xếp loại giỏi là 8.124 học sinh, tỷ lệ 93%; loại khá đạt 560 học sinh, tỷ lệ 6,47%; loại trung bình là 46 học sinh, tỷ lệ 0,53%. |