Phương châm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt mà Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra đối với công tác điều động, luân chuyển cán bộ, đó là: phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; phải "chọn đúng người, giao đúng việc" và khắc phục cho được tư tưởng "cục bộ", "khép kín" trong công tác cán bộ. Thành phố Ninh Bình là địa phương thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ. Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình công tác số 1 về "Xây dựng hệ thống chính trị thành phố Ninh Bình, giai đoạn 2020 - 2025". Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí Bí thư Đảng ủy cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Ngoài ra, thành phố Ninh Bình còn thực hiện cả việc bố trí Phó chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương nhằm tạo bước "đệm" trong xây dựng, bồi dưỡng nguồn cán bộ. Với phương châm "chọn đúng người, giao đúng việc", các cán bộ quản lý các phòng, ban, cán bộ các xã, phường được thành phố lựa chọn điều động, luân chuyển đều xuất phát từ nhu cầu công việc, bảo đảm phù hợp với khả năng chuyên môn đã được đào tạo, đồng thời dựa trên cơ sở tín nhiệm của tập thể và chất lượng công việc thực tế mà họ đảm nhiệm. |
Tháng 9/2021, đồng chí Lê Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ninh Sơn được điều động, chỉ định tham gia BCH, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Đông Thành. Ngay sau khi được điều động luân chuyển, đồng chí đã nhanh chóng nắm tình hình cơ sở, cùng tập thể lãnh đạo BCH, Ban Thường vụ Đảng ủy phường Đông Thành tập trung chỉ đạo công tác quản lý trật tự đô thị, xây dựng các tuyến đường văn minh. Trong đó trọng tâm là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: chỉnh trang trụ sở UBND phường; nâng cấp Đài tưởng niệm liệt sỹ; nâng cấp nhà văn hóa các phố; giúp đỡ xây nhà cho hộ khó khăn. Những công trình, phần việc này được khởi công xây dựng và hoàn thiện đã góp phần chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, phục vụ tốt hơn đời sống dân sinh. |
Đến nay, thành phố Ninh Bình đã thực hiện bố trí 13/14 Bí thư Đảng ủy cấp xã, 13/14 Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương; các đồng chí Phó chủ tịch UBND cấp xã, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã cũng được luân chuyển. Cùng với thành phố Ninh Bình, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, coi đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài của tỉnh. Trong quá trình điều động, luân chuyển cán bộ, các cấp, các ngành, các địa phương đã thận trọng, lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, trong quy hoạch, cần đào tạo, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để đưa đi luân chuyển. Đồng thời chú trọng lựa chọn địa phương được luân chuyển cán bộ là những nơi có khó khăn về công tác cán bộ, khó khăn trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là những đơn vị phải giải quyết những tồn đọng phức tạp. Các cấp ủy cũng thường xuyên theo dõi, giúp đỡ cán bộ luân chuyển để họ phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ được luân chuyển. Việc điều động, luân chuyển cán bộ đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều địa phương trong toàn tỉnh, tạo ra chuyển động mới và cách làm mới trong công tác cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, chỉ định, hiệp y bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 167 lượt cán bộ theo thẩm quyền. Trong đó luân chuyển 20 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh đã gắn với việc bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương. |
Giữa năm 2019, đồng chí Bùi Phú Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Viễn điều động tham gia BCH, Ban Thường vụ Đảng ủy xã và chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Gia Phương. Đồng chí Bùi Phú Sơn cho biết: Trước khi nhận nhiệm vụ, tôi được các đồng chí Thường trực Huyện ủy gặp gỡ, giao nhiệm vụ. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đã nói với tôi: "có 2 nhiệm vụ chính mà Ban Thường vụ Huyện ủy tin tưởng giao cho đồng chí, đó là xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ để tập trung phát triển kinh tế- xã hội, đưa Gia Phương đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2019; chỉ đạo thành công Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025, nâng cao đời sống nhân dân". Nhận nhiệm vụ công tác mới, tôi rất băn khoăn vì chưa từng đảm nhiệm vai trò Bí thư Đảng ủy cấp xã. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Gia Phương đang đối mặt với nhiều khó khăn từ nội tại nền kinh tế và các vấn đề về xây dựng đội ngũ cán bộ, đây cũng là địa phương cuối cùng của huyện Gia Viễn chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Song, được sự quan tâm, hỗ trợ của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ huyện nên ngay sau khi được điều động, tôi đã bắt tay vào triển khai nhiệm vụ với phương châm "vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm"... |
Thực hiện nhiệm vụ mới, đồng chí Bùi Phú Sơn xác định: Phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trước hết là tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng gắn với lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và hiểu sâu hơn về những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đồng chí Bùi Phú Sơn đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, nắm tình hình sản xuất; tham gia sinh hoạt với các chi bộ thôn, xóm; tích cực học hỏi, thường xuyên lắng nghe góp ý, chia sẻ của các đồng nghiệp, các cán bộ tiền nhiệm để hiểu hơn về địa bàn công tác, những phong tục, tập quán, tư duy sản xuất của người dân… Từ đó, đồng chí đã cùng tập thể BCH Đảng bộ xã từng bước tháo gỡ những khó khăn cho Gia Phương, nhất là việc huy động sức dân chung tay đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo bước chuyển tích cực trong đời sống xã hội. Do vậy, cuối năm 2019, xã Gia Phương đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, xã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện xã đang phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Gia Phương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. |
Còn đối với đồng chí Lê Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy phường Đông Thành thì việc luân chuyển cũng chẳng khác nào cuộc "thử lửa" cho sự quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. |
Thực hiện công tác điều động, luân chuyển gắn với bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương đã thực sự tạo bước chuyển tích cực trong công tác cán bộ. Cán bộ được luân chuyển đã tự tin, quyết tâm nhận nhiệm vụ mới với tinh thần nghiêm túc để học tập và rèn luyện, tích lũy thêm kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và điều hành; đã chủ động, tích cực vừa học hỏi, vừa tìm tòi đồng thời cùng tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đối với địa phương, đơn vị nơi có cán bộ luân chuyển đến đã cơ bản nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ; quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ được luân chuyển; thực hiện tốt việc đấu tranh tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết nội bộ, dần dần xóa bỏ tư tưởng "cục bộ", "khép kín" trong công tác cán bộ. |
Đánh giá về hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Viễn cho rằng: Thực tế trong những năm vừa qua đã chứng minh nhiều địa phương ở Gia Viễn khi có cán bộ luân chuyển đến đã có sự phát triển rõ rệt, tập thể cấp ủy đoàn kết thống nhất, sinh hoạt nền nếp hơn, kỷ cương được tăng cường; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được nâng cao hơn trước, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành, tình hình địa phương được củng cố và phát triển. |
Làm tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã thực sự tạo ra những đột phá trong công tác cán bộ. Đồng chí Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Hiện ở Kim Sơn đã bố trí 15/25 đồng chí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương (đạt 60%); 8/25 đồng chí chủ tịch UBND không phải là người địa phương (đạt 32%); 5/25 đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy, 2/30 đồng chí phó chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. "Việc thực hiện chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ được cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đánh giá rất cao, cho đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, tạo tiền đề tốt cho sự phát triển của huyện, làm thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đưa việc điều động trở thành nề nếp, thường xuyên. Qua thời gian điều động, luân chuyển thì nền nếp, kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan, đơn vị được nâng lên; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo có sự đổi mới, hiệu quả công việc được nâng cao"- đồng chí Bùi Xuân Diệu khẳng định. |
Sau thời gian luân chuyển, nhìn chung cán bộ được luân chuyển đều có bước trưởng thành mới, vận dụng và phát huy được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong lãnh đạo, điều hành; tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới, có cách nhìn và phương pháp lãnh đạo toàn diện hơn; có ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo địa phương thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương đề ra... Điều này được cán bộ, đảng viên nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Ông Nguyễn Công Dũng ở phố 4, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) cho rằng lãnh đạo không phải là người địa phương thì sẽ có những thuận lợi, đó là không bị vướng bận bởi mối quan hệ lợi ích nhóm, các cán bộ trẻ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ không ngại va chạm, dám đấu tranh với những hiện thực tiêu cực, thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng giao. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Minh cho biết: Thực tiễn trong gần 3 năm được làm việc với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Gia Minh Đinh Hồng Lĩnh- một trong những cán bộ là người địa phương khác được cấp trên luân chuyển đến, tôi nhận thấy chất lượng hoạt động, quản lý điều hành của bộ máy cấp ủy được nâng lên. Đặc biệt với địa phương còn nhiều khó khăn như Gia Minh thì tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ nói chung, cán bộ được luân chuyển là rất cần thiết, góp phần xóa bỏ tư tưởng "an phận thủ thường", ngại khó trong một số ít cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với vai trò "đầu tàu", đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã mạnh dạn đưa ra những chủ trương mới, sát thực tiễn đồng thời quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện, như: việc dồn điền đổi thửa; việc chuyển đổi phương thức cấy lúa truyền thống bằng hình thức gieo sạ lúa hữu cơ… Nhờ đó mà đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. |
Sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ được luân chuyển ở Ninh Bình đã là minh chứng cho một chủ trương lớn của Đảng: tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt với những địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp thì sự năng động của cán bộ luân chuyển sẽ góp phần tạo những đột phá giúp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các địa phương, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cán bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân, không làm được cách mạng. Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". |