Với lực lượng hội viên hùng hậu, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay góp sức đưa nền kinh tế của tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng GRDP bình quân của tỉnh đạt 8,71%/năm, cao hơn mức chung cả nước, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng gấp 1,7 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng, tăng 63% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt trên 940 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với giai đoạn 2010-2015 (là 483 ngàn tỷ đồng), tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 6,7 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành trong tỉnh, Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hiệp hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, từng bước phát triển, bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 49.639 tỷ đồng, tăng 8,62% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 7,0%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 ước đạt 23.300 tỷ đồng, tăng 16,4% so với dự toán, tăng 11,2% so với năm 2021. Ninh Bình trở thành 1 trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Quốc gia.
Từ năm 2021, Hiệp hội được nhận trọng trách mới là cơ quan tư vấn xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện (DDCI). Các thành viên đã tích cực phát huy vai trò tham mưu, góp ý chính sách và phản biện xã hội, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn giữ vai trò là cầu nối lắng nghe tổng hợp, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của hội viên với các cơ quan Nhà nước.
Trên tinh thần dân chủ và bình đẳng, hàng năm Hiệp hội DN tỉnh tổng hợp những kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên trình UBND tỉnh tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN và các buổi tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp theo định kỳ. Bên cạnh đó, tham dự các buổi tiếp xúc, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của các huyện, thành phố trên địa bàn.
Những hoạt động này được các hội viên đánh giá cao và thêm gắn bó với tổ chức Hội. Đồng thời, qua đó đã tạo niềm tin và thúc đẩy các doanh nghiệp tin vào đường lối, chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Hiệp hội đã làm tốt vai trò chia sẻ, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, đồng thời đóng góp với tỉnh xây dựng các quyết sách lớn về khôi phục kinh tế.
Nhiều cá nhân doanh nghiệp là những tấm gương tiêu biểu tham gia công tác an sinh xã hội và phòng chống đại dịch COVID-19 như: Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành, Công ty TNHH Xây dựng Việt Thành; Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn; Công ty TNHH xây dựng Hùng Oanh Ninh Bình; Công ty Minh Minh Trí; Công ty Giấy vở Hồng Điệp và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh...Tiêu biểu trong đó phải kể đến Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành. Từ năm 2020 và năm 2021 trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 bùng phát, Tập đoàn đã ký hợp đồng với các bệnh viện của Trung ương để tiêm phòng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho hàng vạn cán bộ, công nhân viên. Đồng thời, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để mua vắc xin và trang thiết bị, vật tư y tế cho Bộ Y tế và 46 tỉnh, thành phố nhằm chung tay cùng cả nước phòng, chống đại dịch.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Hội trực thuộc và cộng đồng doanh nhân còn có những hoạt động mang nhiều ý nghĩa cho công tác từ thiện như: Tổ chức thăm hỏi tặng quà người khuyết tật, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, Quỹ khuyến học khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh, ủng hộ phong trào tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ... Những nghĩa cử cao đẹp trên thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Ông Bùi Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng quan trọng đông đảo quyết định chất lượng, tốc độ phát triển của tỉnh. Không chỉ đóng góp kinh tế, tài chính, tạo công ăn việc làm, doanh thu, đóng góp ngân sách mà cộng đồng doanh nghiệp tỉnh còn đóng góp, hiến kế cho định hướng phát triển, cho chính sách của tỉnh. Bằng trách nhiệm và tình cảm đối với quê hương, tôi mong muốn thời gian tới, doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, vượt qua thử thách, hội nhập và phát triển, cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách.
Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình lần thứ 3 cũng đề ra mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện xây dựng Hiệp hội và các tổ chức hội, câu lạc bộ (CLB) thành viên vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đầu mối, cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với lãnh đạo tỉnh, Trung ương xem xét điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp hoạt động; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Đề ra các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập do chưa chuẩn bị kỹ về kỹ năng, năng lực và tài lực…