Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực và động lực phát triển; tiếp tục thực hiện mục tiêu, định hướng của tỉnh trong xây dựng và phát triển Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử quốc gia, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và không gian kiến trúc văn hóa cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển kinh tế, xã hội và mở rộng giao lưu hợp tác, năm 2022 vừa qua, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tổ chức thực hiện thành công kế hoạch đề ra, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh, chuỗi sự kiện kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh đã khởi động cho một năm hoạt động sôi nổi của ngành Văn hóa - Thể thao. Việc tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới" cùng các sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật là dịp toàn Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa của quê hương và con người Ninh Bình; khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước, nâng cao tinh thần, ý thức tự giác, tự nguyện trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Ninh Bình trong xây dựng và phát triển.
Với phương châm xây dựng và phát triển trên nền tảng, cơ sở các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, cùng khí thế sôi động của năm ghi dấu nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tiếp tục được tổ chức với sự tham gia của đông đảo nhân dân, du khách và các vùng di sản, chủ nhân di sản văn hóa trong nước, quốc tế.
Đó là Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022, thu hút 18 câu lạc bộ đến từ 8 tỉnh, thành phố tham gia; Trại sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng, người lính, đất và người Ninh Bình thu hút hơn 20 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đến từ các vùng miền trên cả nước; Cuộc thi "Người đẹp Hoa Lư" lần thứ III, góp phần tôn vinh và giáo dục lòng nhân ái cùng vẻ đẹp thể chất và tâm hồn của nữ thanh niên vùng đất Cố đô; Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà ngoại giao trong nước, quốc tế, là một trong những sự kiện ngoại giao văn hóa quan trọng của nước ta trong năm 2022.
Tại Lễ kỷ niệm, bà Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định "Khu Di sản Tràng An là mô hình thành công kết hợp giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với vai trò trung tâm của nhân dân mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên" cho phép Ninh Bình tự tin, kiên định mục tiêu chọn di sản văn hóa làm nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế, xã hội, hướng tới xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch văn hóa của khu vực và cả nước.
Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên Ninh Bình tổ chức một lễ hội văn hóa hiện đại có quy mô và sức lan tỏa mạnh mẽ. Festival Ninh Bình năm 2022 với chủ đề "Tràng An kết nối di sản" với sự tham gia của đông đảo các vùng di sản trong nước, cùng các nghệ sĩ đến từ nước bạn Lào, các hoa hậu đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới tổ chức tại Việt Nam.
Festival Ninh Bình năm 2022 dù còn một vài điểm cần tiếp tục hoàn thiện song cho thấy năng lực sáng tạo và quyết tâm đổi mới của ngành Văn hóa - Thể thao tỉnh nhà trong việc cung cấp các sản phẩm văn hóa mới trên nền tảng cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, để mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm mới. Sự kiện còn khẳng định năng lực tổ chức sự kiện có quy mô, tầm cỡ của tỉnh Ninh Bình, mở ra cơ hội xây dựng "Festival Ninh Bình" trở thành sự kiện văn hóa lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế; nơi hội tụ, kết nối, kết tinh, tôn vinh, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc và nhân loại.
Hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Bên cạnh các hoạt động thường niên như tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ di sản phi vật thể…, năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với tỉnh Hòa Bình, tỉnh Thái Bình xây dựng hồ sơ Mo Mường và hồ sơ Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng đề nghị UNESCO ghi danh. Tổ chức thành công các Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư"; "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình"; Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khai quật khảo cổ học khu vực Cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận… Việc bảo tồn và phát huy giá trị các khu vực khai quật tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư được ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360; 100% hồ sơ lưu trữ di tích trên địa bàn tỉnh được số hóa để tích hợp vào phần mềm Quản lý di sản văn hóa, từng bước số hóa, tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn hóa, thể thao theo lộ trình để tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của tỉnh, của quốc gia.
Phong trào văn hóa cơ sở cũng diễn ra sôi nổi với nhiều liên hoan, hội diễn, chương trình văn nghệ tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân.
Năm 2022 cũng là năm của sự giao lưu kết nối văn hóa khi các đơn vị Trung tâm văn hóa, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc trưng bày triển lãm, nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tỉnh, thành phố trong cả nước như: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Nam, Bắc Ninh… Các CLB nghệ thuật quần chúng tham gia các liên hoan của Trung ương đạt giải cao. Nhà hát chèo Ninh Bình tham gia Hội diễn Chèo toàn quốc đạt 1 huy chương bạc cho vở diễn và 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc cá nhân.
Bên cạnh các sự kiện văn hóa nổi bật, năm 2022 cũng là năm thể thao Ninh Bình bứt phá với việc tổ chức, đăng cai tổ chức nhiều giải đấu quan trọng. Đó là tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình lần thứ VII; đăng cai tổ chức thi đấu thành công môn Karate trong khuôn khổ SEA Games 31; tổ chức thành công Giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư - Bình Điền năm 2022, các trận bóng đá Giải Bóng đá hạng nhất quốc gia; Giải Vô địch Cúp các CLB Vật dân tộc Quốc gia năm 2022; Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang năm 2022; giải Cầu lông các cây vợt thiếu niên, trẻ xuất sắc quốc gia năm 2022... Các đoàn vận động viên của tỉnh tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt 254 huy chương các loại (220 huy chương quốc gia và 34 huy chương quốc tế), tăng 62% so với kế hoạch năm 2022), đặc biệt là Đội Bóng chuyền Ninh Bình DOVECO vô địch Cúp LienVietpostbank; Đội Bóng chuyền Tràng An Ninh Bình đoạt ngôi vô địch Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang năm 2022...
Có thể nói, năm 2022 là năm khá thành công của Ninh Bình trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa và thể thao, tạo điểm nhấn về truyền thông, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo nhân dân và du khách, quảng bá hình ảnh Ninh Bình năng động, sáng tạo và đổi mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến. Từng bước hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và tạo dấu ấn riêng cho văn hóa Ninh Bình, làm cơ sở, nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng giao lưu và hợp tác.
© 2020 Bản quyền thuộc về Báo Ninh Bình điện tử.
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Bình luận