5 giờ sáng, nghe tiếng kẻng báo thức, các bệnh nhân dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Bữa sáng linh hoạt, khi mì, bún, bánh đa... tạo sự ngon miệng cho người bệnh. Sau đó, nắng đẹp, bệnh nhân được đưa đi lao động trị liệu. Nhiệm vụ của nhóm nam hôm nay là nhặt cỏ và thu hoạch rau. Được ra ngoài trong tiết trời ấm áp, nam bệnh nhân Lê Văn Tâm trở nên hào hứng, tươi vui. Không dễ phân biệt được Lê Văn Tâm là người bệnh bởi em khá nhanh nhẹn, hoạt bát, nói chuyện rất có duyên. Tâm quê gốc ở xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh) nhưng theo gia đình sinh sống ở tỉnh Tuyên Quang từ nhiều năm nay. Năm 2011, Tâm thi đỗ và theo học Khoa sư phạm toán, lý của một trường cao đẳng ở Tuyên Quang. Bao ước mơ được thêu dệt trong những tháng năm đẹp đẽ ấy. |
"Nếu bình thường, thì giờ em đã là giáo viên ở một huyện nào đó của tỉnh Tuyên Quang. Đó là ước mơ từ nhỏ của em, đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen, đưa con chữ cho trẻ em miền núi. Ước mơ ấy đã gần chạm đến tay, thì năm 2013 em bắt đầu ốm. Hành trình chữa bệnh bắt đầu, còn hành trình trở thành giáo viên thì trở nên dang dở…"- Tâm nói. Theo lời kể của Tâm, gia đình đã đưa em đi khám, điều trị khắp nơi. Tâm là niềm hi vọng, là tự hào của cả gia đình. Chữa bệnh tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình ổn định, Tâm đã ngập tràn hi vọng về cuộc sống ở phía trước. Nhưng từ năm 2016, bệnh lại tái phát. Chữa nhiều nơi không thuyên giảm, Tâm thường xuyên lên cơn kích động, đánh người, đập phá tài sản… Tâm trở thành nỗi sợ hãi mơ hồ của cả người thân. Cuối cùng, Tâm được gia đình đưa về đây, điều trị và chăm sóc ngay ở quê hương, gốc rễ của mình. Những ngày mới vào Trung tâm, Tâm cảm thấy buồn vì nhớ gia đình, nhớ người thân, nhất là vào dịp Tết. Nhưng ở đây lâu rồi thì không buồn nữa. Trung tâm trở thành ngôi nhà, cán bộ, bác sĩ, nhân viên và những người bệnh trở thành người thân. Phù hợp với phác đồ điều trị, bệnh của Tâm ổn định, những cơn kích động thưa dần. Mỗi ngày, Tâm tham gia tưới rau, nhặt cỏ, liệu pháp ấy giúp em khỏe hơn. |
Sinh năm 1972, vào Trung tâm cũng đã được gần chục năm, với bệnh nhân Lê Văn Thụ (ở Khánh Nhạc) thì Trung tâm đã trở thành nhà. Vốn là một thợ mộc với kỹ năng nghề khéo léo, anh Thụ từng là trụ cột kinh tế của gia đình. Nhưng bệnh tật đã đưa anh đến với ngôi nhà đặc biệt này. Năm nào, anh Thụ cũng được gia đình đón về ăn Tết. Vì vậy, những ngày trước Tết, anh dành nhiều thời gian để cắt tỉa cây cảnh, làm vườn, tạo cảnh quan xanh mát, sạch đẹp, góp phần mang lại cho Trung tâm một diện mạo mới khi năm mới đến. "Ở đây vui lắm. Được uống thuốc, điều trị theo hướng dẫn nên bệnh tình thuyên giảm, rất lâu rồi tôi không bị lên cơn kích động. Những lúc bệnh tình ổn định thì tôi như một người bình thường. Thấy được nỗi nhọc nhằn, vất vả của các y, bác sĩ, lắng nghe được nhiều hoàn cảnh của những người đồng bệnh…, tôi thấy mình may mắn. Tôi chỉ trở về với gia đình dịp Tết Nguyên đán, chứ không dám ở lâu vì sợ bệnh sẽ tái phát. Trung tâm là nhà. Là nơi tôi gửi bao hi vọng về một cuộc sống bình an như một người bình thường khác"- Anh Thụ nói. |
Hai từ "gia đình" đối với nữ bệnh nhân Phạm Thị Vân quê ở thành phố Tam Điệp lại gợi về ký ức đau thương mà bà muốn quên nhất. 70 tuổi, cũng có lúc nhớ, lúc quên, nhưng nỗi đau ngày chồng bà bỏ đi theo người phụ nữ khác, ngày đứa con duy nhất cũng bỏ bà về với tổ tiên thì đeo đẳng theo bà suốt những tháng năm qua. Bà phát bệnh và được đưa vào Trung tâm từ khi nào, bà Vân không còn nhớ rõ nữa. Chỉ biết rằng đó là những ngày bà triền miên chìm trong đau khổ, điên dại. Giờ, bệnh tình của bà thuyên giảm nhiều. Bà Vân vẫn nhớ từng chi tiết trong ngôi nhà cũ, nhưng bà không muốn về nữa, bà thấy sợ phải đối diện với những câu chuyện được gợi lại từ quá khứ. Ở đây, bà đang được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực. Bà cũng được gặp gỡ, an ủi những người bạn tại Trung tâm. Với bà, Trung tâm mới thực sự là ngôi nhà, chỉ khi ở đây, bà mới không cảm thấy bị tổn thương. Bà không dám nói trước về tương lai, nhưng bà muốn ở đây lâu nhất có thể. |
Hiện nay, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô đang chăm sóc, điều trị cho 272 người bị tâm thần nặng, trong đó chủ yếu là các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa. Ở Trung tâm có 59 bệnh nhân trên 60 tuổi, người cao tuổi nhất cũng đã ngoài 70. Họ đã gắn bó gần cả cuộc đời với Trung tâm.. |
Bác sĩ Phan Thị Nhung quê ở huyện Nho Quan. Bác sĩ Nhung công tác ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan trước khi về đây, gắn bó với Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô. 25 năm gắn bó với nghề, là chừng ấy năm chị Nhung chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần đặc biệt. |
Không có thêm thu nhập nhờ phòng khám ngoài giờ; không có cái bắt tay cảm ơn của thân nhân khi người bệnh sức khỏe tốt hơn… đó có phải thiệt thòi với những y, bác sĩ ở đây không?- Tôi hỏi. Bác sĩ Nhung cười thật hiền, nếu vì những điều đó, tôi đã không gắn bó với bệnh nhân tâm thần cho tới tận bây giờ. Họ là những người khổ nhất trong số những người khổ. Đa số người bệnh không còn nơi nương tựa. Nếu có, gia đình cũng ít thăm nom. Vậy mình vừa là bác sĩ, vừa là người thân của họ. Tiếp xúc với họ, đằng sau nỗi sợ hãi ban đầu, là những cuộc đời bị quên lãng. Vì vậy, ở đây luôn có tình thương, sự gắn bó. |
Bác sĩ Nhung nói rằng, chăm sóc, điều trị trong chuyên khoa tâm thần sẽ vất vả hơn nhiều. Bệnh nhân chuyên rối loạn tư duy, cảm xúc, thường xuyên kích động, đập phá chửi bới… Vì vậy, y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc cần nắm rõ tính nết, bệnh lý của từng người. Từ đó có phác đồ điều trị, hạn chế cơn kích động, giữ ổn định cho bệnh nhân. Muốn vậy bác sĩ phải bám sát, thường xuyên theo dõi từng cử chỉ, sắc vóc bệnh nhân, những thay đổi khác thường ở bệnh nhân. Ngoài vấn đề chuyên môn thì yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. |
Là nam giới, nhưng gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân ở Trung tâm cũng được gần 10 năm nay, điều dưỡng Phạm Văn Tuấn đủ trải nghiệm để chia sẻ về công việc đặc biệt này. Đều đặn mỗi sáng, điều dưỡng Tuấn hướng dẫn bệnh nhân dọn dẹp, vệ sinh cá nhân; giúp đỡ bệnh nhân nặng vệ sinh, ăn uống… rồi đưa bệnh nhân đủ sức khỏe đi lao động phục hồi. Những công việc như trồng rau, nhổ cỏ, tưới cây cảnh, cho gà ăn… giúp họ có tinh thần sảng khoái, phục hồi tốt hơn. |
Vừa nhặt rau, trò chuyện với người bệnh, điều dưỡng trẻ Phạm Văn Tuấn không quên quan sát kỹ nét mặt, hành động của từng người bệnh. Anh Tuấn bảo rằng, hàng trăm người, nhưng mỗi người một tính, một thói quen. Chúng tôi cần nắm vững được tâm tính từng người, vì đôi khi việc phát hiện bệnh nhờ vào quan sát sự thay đổi thói quen của người bệnh. |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Na, Phó Khoa bệnh nhân nữ chia sẻ, chăm sóc bệnh nhân nữ cũng không ít phức tạp. Đôi khi, vì tranh nhau những thứ nhỏ nhặt, họ cũng có thể cãi vã, thậm chí xô xát, y, bác sĩ lại phải can thiệp. Vào Trung tâm, tiếp xúc với những người "khổ nhất trong những người khốn khổ" thì ngay cả những người trẻ cũng không còn sự e dè, sợ hãi, nề hà gì nữa. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết sức để cải thiện phần nào sức khỏe cho người bệnh. Họ không có người thân ruột thịt ở bên, vì vậy chúng tôi chính là gia đình của họ, đồng cảm với người bệnh để họ cảm nhận được sự an toàn khi ở đây. |
Các điều dưỡng nữ tận tay chăm sóc cho người bệnh từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt, cắt tóc… cho cả những bệnh nhân nam. Đối với những điều dưỡng trẻ nỗi vất vả còn tăng gấp đôi bởi các chị còn gánh trên vai trách nhiệm với gia đình, với con trẻ. Nhưng với lòng yêu nghề, tình thương với cộng đồng, ai cũng quyết tâm gắn bó với Trung tâm, gắn bó với những mảnh đời bất hạnh này. |
Hiện nay, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô chăm sóc, điều trị cho 272 người bệnh. Trong đó, có 11 người là thương binh, người có công, thân nhân người có công. Trung tâm thực hiện quản lý theo mô hình hệ thống cửa mở, theo giới tính nam nữ, tiêu chí bệnh tật, nhân viên y tế quan tâm hỗ trợ chăm sóc 24 giờ/ngày. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, thời gian qua, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, Trung tâm đã được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng cho đối tượng. Bổ sung nhiều thiết bị khám bệnh hiện đại như: máy siêu âm, xét nghiệm... cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong điều trị. |
Ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô khẳng định: Hầu hết bệnh nhân không có người thân chăm sóc, thậm chí nhiều người bị bỏ quên. Vì thế, ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, họ còn phải chăm sóc cho bệnh nhân từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt móng tay, cắt tóc… Bằng trách nhiệm của người thầy thuốc, bằng tình yêu thương con người, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sức khỏe người bệnh không ngừng được cải thiện, nhiều bệnh nhân hồi phục tốt. Không chỉ là nơi điều trị, mang lại cho người bệnh cơ hội được trở lại người bình thường, hòa nhập với cuộc sống, Trung tâm còn là ngôi nhà để họ gửi gắm cả cuộc đời. Mỗi cán bộ, y, bác sĩ đều là người thân mà bệnh nhân tin tưởng, yêu thương. |