Tỉnh Ninh Bình thuộc đồng bằng Sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 100km, là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược với lợi thế cạnh tranh riêng có, là "cửa ngõ" cực Nam miền Bắc Việt Nam; điểm kết nối trung chuyển của 3 vùng kinh tế: Vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng trung du và miền núi phía Bắc (khu vực Tây Bắc); cùng với hệ thống giao thông cực kỳ lợi thế. Tỉnh Ninh Bình đã và đang được quan tâm chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ, phục vụ và thúc đẩy quá trình kết nối vùng, liên vùng, như: Quốc lộ 1A, trục cao tốc Bắc-Nam; tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An; tuyến đường bộ cao tốc Hải Phòng Ninh Bình… Đây là điều kiện thuận lợi về vận tải, thông thương với các tỉnh trong cả nước và quốc tế, tạo lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa… Với địa hình phân thành các vùng sinh thái rõ rệt, gồm: Vùng núi phía Tây; vùng đồng bằng xen kẽ với núi đá vôi; vùng đồng bằng; vùng bãi bồi ven biển Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc sắc với nhiều danh lam thắng cảnh gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử vô cùng hào hùng, như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… Đặc biệt, Ninh Bình là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 triều đại: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. |
Ninh Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng (cùng thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh) và một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới. Nhưng Ninh Bình là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh, đó là Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới công nhận vào năm 2014. Năm 2022, tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận, Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng tự nhiên. Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia (chiếm 3,5% số di tích xếp hạng cấp quốc gia của vùng đồng bằng Sông Hồng), 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (chiếm 5,88% số di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt của vùng đồng bằng Sông Hồng), 5 bảo vật quốc gia (chiếm 5,95% số bảo vật quốc gia vùng đồng bằng Sông Hồng) và 312 di sản văn hóa phi vật thể; từ đó, đã phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ cổ chí kim, từ truyền thống đến hiện đại. |
Công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được duy trì, phát triển với 77 làng nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông, với các nghề truyền thống, như chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, đan cói....Nhiều làng nghề đã tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường, như các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, gốm sành sứ, trồng đào phai... Đây cũng là các làng nghề mang thế mạnh và đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, Ninh Bình có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Cả hai tôn giáo đều được truyền bá vào Ninh Bình rất sớm và có ảnh hưởng to lớn đối với dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. |
Quần thể danh thắng Tràng An là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh, là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân Ninh Bình mà còn là của Việt Nam. Để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá, giữ gìn bản sắc văn hóa, phục vụ phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản như: Thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa, Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình; Nghị định số 109/2017/NĐCP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về quy định quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới. |
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã ban hành và đang thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển văn hóa như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030"; Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"; Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"… Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang tổ chức triển khai một số dự án trọng điểm như: Dự án quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư. Hàng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp di tích bằng nguồn ngân sách nhà nước cho hàng chục di tích. Đồng thời, việc trùng tu, tôn tạo di tích còn có các nguồn đầu tư khác, như kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp; vốn do Chính phủ đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có từ 20-25 di tích được thực hiện tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa. |
Từ thực tế thi hành chính sách, pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, Ninh Bình vẫn còn một số bất cập, trong đó phải kể đến là: Tiến độ triển khai các công trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư nhìn chung còn rất chậm, không đáp ứng được các mục tiêu đã được đề ra. Cùng với đó, quần thể di tích quá đa dạng, trải dài trên diện rộng, ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện có nhiều công trình đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề do biến đổi khí hậu và thời gian. Đặc biệt, một số công trình có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, hình thức kiến trúc, như khu vực Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, gồm: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, đình Yên Trạch, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, đền thờ Thục Tiết công chúa, bia cửa Đông, lăng vua Đinh, lăng vua Lê và núi Mã Yên, hang Muối và hang Quàn. |
Do tính đặc thù của công tác trùng tu di tích cần nhiều thời gian cho giai đoạn thám sát, khảo cổ, sưu tầm tư liệu, lập dự án, thẩm định khoa học và thực hiện trùng tu tôn tạo; năng lực tư vấn, thi công còn hạn chế chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; nguyên liệu vật tư đặc chủng như gỗ tứ thiết, sơn ta, gạch, ngói men, vàng quỳ, nghệ nhân càng ngày càng khan hiếm. Đặc biệt, nhu cầu vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di sản hiện nay là rất lớn, song khả năng cân đối ngân sách hàng năm của Trung ương còn quá thấp, địa phương không đảm bảo đủ nguồn vốn để trùng tu, bảo tồn kịp thời các công trình xuống cấp bức thiết. Hiện nay, do nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế nên ngay cả việc rất thiết yếu để bảo tồn di sản như đền bù giải tỏa, di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cũng rất khó khăn. Cùng với đó, công tác bảo tồn, tu bổ di tích chịu sự chi phối của nhiều Luật, Nghị định nên thời gian thực hiện thủ tục kéo dài, gây khó khăn cho công tác này. |
Sự phát triển của Ninh Bình trong hiện tại và tương lai đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì tỉnh Ninh Bình sẽ đảo ngược tình thế để bứt phá phát triển rất nhanh. Do đó, mô hình phát triển của tỉnh Ninh Bình trong những thập niên tới cần hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được bất lợi thế hiện nay thành những lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên, cùng với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi hóa của Trung ương được thể chế hóa, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương, nhằm hóa giải bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của Cố đô Hoa Lư. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở đó đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù, vượt trội đối với Ninh Bình trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và danh thắng Tràng An phù hợp với yêu cầu phát triển gắn với sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản nhân loại, đồng thời có ý nghĩa quan trọng tạo động lực để tỉnh có thêm cơ hội phát huy nội lực và huy động nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị đặc thù về giá trị di sản. Theo đó, cơ chế đặc thù sẽ dựa trên những cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thí điểm thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố, trong tập trung vào các nhóm trọng tâm là: |