Có mặt tại một lớp truyền dạy nhạc cụ hát Xẩm cho gần 40 học viên, là những người yêu thích bộ môn này thuộc các CLB hát Chèo, hát Xẩm của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Mô nhận thấy, vẫn còn không ít người, trong đó có cả những người trẻ vẫn rất yêu thích và say mê với môn nghệ thuật có phần "bình dân" này. Lớp học do chính những nhạc công - những người có nhiều năm gắn bó và cùng nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu đi biểu diễn, lưu diễn ở nhiều nơi truyền dạy.
Ông Vũ Văn Phó, Chủ nhiệm CLB hát Chèo, hát Xẩm xã Yên Phong năm nay 73 tuổi nhưng có đến hơn 50 năm tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương. Ông Phó chia sẻ, ông gắn bó với bộ nhạc cụ đàn nhị mấy chục năm nay. Trong hát Xẩm, đàn nhị rất quan trọng, đóng vai trò chủ đạo không thể thiếu. Trước đây, nghệ nhân Hà Thị Cầu được coi là người hát xẩm duy nhất, với tài năng hiếm có khi có thể vừa hát, vừa kéo nhị lại vừa gõ phách thuần thục không kém người chơi riêng rẽ một loại nhạc cụ nào. Từng học cách kéo đàn nhị của bà Hà Thị Cầu và sau này nhiều lần đi biểu diễn cùng bà, ông Phó cho biết, nghệ nhân Hà Thị Cầu luôn mong muốn hát Xẩm sẽ được lưu truyền và nhiều người yêu thích nó.
"Việc huyện Yên Mô tổ chức các lớp truyền dạy hát Xẩm, trong đó có lớp truyền dạy nhạc cụ như thế này là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm lưu giữ và truyền dạy về hát Xẩm cho thế hệ sau. Được tín nhiệm là người truyền dạy nhạc cụ kéo nhị, tôi sẽ mang hết tâm huyết, sự nhiệt tình và trách nhiệm để dạy cho những người có niềm yêu thích với ngón đàn này. Đây là nhạc cụ khó chơi, đòi hỏi người chơi phải nắm được những nguyên lý cơ bản của nhạc cụ. Cùng với đó là phải thuộc lời bài hát để kéo đàn nhị sao cho trùng khớp, hợp lý, hòa quyện với nội dung bài hát - ông Vũ Văn Phó chia sẻ thêm.
Cũng như ông Phó, ông Vũ Xuân Năng năm nay cũng đã vào tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng hiện trên địa bàn huyện Yên Mô chưa có ai có thể thay thế được ông trong việc vừa đánh trống vừa gõ xênh cho người hát Xẩm. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn liên tục được mời đi biểu diễn cùng những người hát Xẩm tại các cuộc thi, hội thi, giao lưu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Được giao truyền dạy nhạc cụ gõ trống cho các học viên, ông Năng cho biết, đối với hát Xẩm, việc đánh trống không dễ như hát Chèo. Bởi trống đánh khi hát Xẩm là đôi trống mảnh, rất nhỏ, gọn, âm thanh vừa phải, trong trẻo để giữ hơi và tạo nên độ "phiêu" cho người hát. Đồng thời, người đánh trống cũng phải hiểu, thuộc bài hát và nắm được ý tứ của người biểu diễn để đánh trống sao cho phù hợp, tạo ra sự hòa quyện, nhịp nhàng với người hát.
Ông Năng hiện cũng là một trong số rất ít người của huyện Yên Mô và cả nước có đôi trống mảnh và cặp sênh quý hiếm, đã gắn bó với ông gần 50 năm qua. Những ngày còn là một trong những nhạc công đi theo nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn tại các góc đường, bến chợ, gốc đa, sân đình,… tiếng trống, nhịp phách và cách đánh, gõ kết hợp nhịp nhàng, khéo léo thể hiện rõ sự tự tin, niềm yêu thích của ông Năng đã làm biết bao người yêu thích hát Xẩm phải trầm trồ, thán phục. ở lớp truyền dạy nhạc cụ này, ông Năng có nhiệm vụ truyền lại cho các nhạc công cách sử dụng hai loại nhạc cụ này, để tiếng trống Xẩm rộn ràng cùng nhịp phách lách cách thân thương ấy không bao giờ bị mai một.
Đồng chí Nguyễn Xuân Bính, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao huyện Yên Mô cho biết: Hát Xẩm (hay còn gọi là hát rong, hát dạo…) là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát Xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống cho mọi tầng lớp trong xã hội. Huyện Yên Mô được biết đến là quê hương của hát Xẩm độc đáo và hiếm có, do vậy, những năm qua, huyện đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy hiệu quả môn nghệ thuật này.
Theo đó, từ năm 2014, huyện Yên Mô đã mở được 8 lớp truyền dạy hát Xẩm cho giáo viên dạy âm nhạc các trường Tiểu học, THCS và các em học sinh trên địa bàn. Năm 2018, huyện tiếp tục mở lớp thứ 9 về truyền dạy hát Xẩm, là lớp đầu tiên về truyền dạy nhạc cụ hát Xẩm, với mong muốn xây dựng được lớp nhạc công trẻ kế cận, trong tương lai có thể phát huy loại hình văn hóa phi vật thể hát Xẩm. Lớp học được tổ chức trong 2 tháng cho gần 40 học viên, là hội viên các CLB hát Chèo, hát Xẩm trong huyện. Các học viên được truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ về đàn nhị, trống mảnh và sênh - là 3 nhạc cụ quan trọng trong biểu diễn hát Xẩm.
Việc tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ hát Xẩm nhằm mục đích xây dựng nguồn nhân lực, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể hát Xẩm cho tương lai, đưa hát Xẩm phát triển diện rộng và bền vững trên địa bàn huyện. Đồng thời nhằm cụ thể hóa, triển khai kịp thời các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Xẩm theo tinh thần Nghị quyết số 15 của BCH Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 07 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 384 của UBND huyện Yên Mô về thực hiện đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm truyền thống" và phát triển du lịch huyện Yên Mô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây cũng chính là một hoạt động mang ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền trong dân gian, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh