Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi được thông báo làm nhà văn hóa, người dân thôn Hà Đông, xã Khánh Hải đều sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công xây dựng nhà văn hóa. Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Đức Lơn, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Trước đây, mọi việc sinh hoạt tập thể rất khó khăn, nhà người dân trong thôn trở thành nơi hội họp. Khi bàn về xây dựng nhà văn hóa, người dân rất phấn khởi, vì không đủ chỗ và bàn ghế nên ai đến họp cũng chuẩn bị mang theo cho mình một chiếc ghế để ngồi, mỗi người một góc, người ngồi trong nhà, người ngồi bậc thềm, người thì ngoài sân. Chúng tôi đã họp bàn dự toán tổng kinh phí xây dựng nhà văn hóa khoảng 350 triệu đồng trên diện tích 200m2, bình quân mỗi hộ dân đóng góp từ 500.000 đồng trở lên, gia đình cán bộ, đảng viên từ 1 triệu đồng trở lên; huy động ngày công lao động và vật liệu xây dựng, đồng thời tận dụng đội ngũ thợ xây, phụ hồ trong xóm để xây dựng. Với mức đóng góp hợp lý này, khi đưa ra trước cuộc họp, người dân đều nhất trí cao. Ngoài khoản đóng góp chung, nhiều cán bộ, cá nhân trong thôn còn tự nguyện góp thêm tiền hoặc hỗ trợ các trang thiết bị cho nhà văn hóa.
"ý Đảng hợp lòng dân", chỉ vài tháng tích cực triển khai xây dựng, nhà văn hóa của thôn đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư 470 triệu đồng trên diện tích gần 1.000m2. Từ khi nhà văn hóa được khánh thành, bà con phấn khởi lắm. Nhà văn hóa không chỉ là nơi hội họp của cán bộ, nhân dân trong thôn mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nơi gắn kết bà con nhân dân trong thôn với nhau.
Thời gian qua, Đảng ủy xã Khánh Hải đã xây dựng chương trình, kế hoạch; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm. UBND xã đã tiến hành rà soát, bố trí quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Đối với những thôn, xóm có quỹ đất thì tiến hành đổi đất theo đúng thủ tục quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, nguyên, vật liệu, ngày công để xây dựng nhà văn hóa. Đồng thời tích cực huy động nguồn kinh phí hỗ trợ của con em quê hương công tác khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung tay xây dựng nhà văn hóa. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều thôn, xóm đã tự khai thác, huy động nguồn kinh phí. Phong trào xây dựng nhà văn hóa đã trở thành phong trào của cộng đồng dân cư, được đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp xây dựng. Nếu như hết năm 2013, xã Khánh Hải có 6/15 thôn, xóm có nhà văn hóa thì đến nay, toàn xã đã có 11/15 thôn, xóm có nhà văn hóa, 4 nhà văn hóa đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.
Yên Khánh là một trong những huyện có phong trào xây dựng nhà văn hóa sôi nổi, hiệu quả nhất trong tỉnh. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đồng thời tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, TDTT ở cơ sở. Và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm.
Ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách địa phương, huyện đã cân đối nguồn thu nhập của từng gia đình, từ đó xác định phương án phù hợp huy động đóng góp của nhân dân, các xã, thị trấn. Theo đó, hộ có điều kiện thì đóng góp một lần, hộ khó khăn thì được chia ra đóng góp nhiều lần…
Do đó, năm 2014 toàn huyện đã có 10 thôn, xóm xây dựng nhà văn hóa, xây mới lại, sửa chữa 7 nhà văn hóa. Đến nay tổng số thôn, xóm, khu phố có nhà văn hóa là 231/268, đạt tỷ lệ 86,2%. Toàn huyện có 14 xã 100% thôn, xóm có nhà văn hóa là xã Khánh Thiện, Khánh Tiên, Khánh Thành, Khánh Cường, Khánh An, Khánh Mậu, Khánh Công, Khánh Thủy, Khánh Phú, Khánh Cư, Khánh Hải; Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Trung. Mỗi nhà văn hóa thôn, xóm đều có sân cầu lông, bóng chuyền… phục vụ nhân dân tham gia các hoạt động TDTT.
Từ khi có nhà văn hóa, người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi hội họp, học tập, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có những làng, khu phố, Đoàn thanh niên tổ chức các đám cưới theo nếp sống mới tại nhà văn hóa. Đây cũng là nơi vui chơi, giải trí của các cháu thiếu nhi vào những đêm trăng rằm. Nhà văn hóa cũng là nơi diễn ra hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng như: tìm hiểu pháp luật; truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức hội thi, hội diễn hàng năm phục vụ những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng ở xóm làng, khu phố. Nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ thơ, hát xẩm, hát chèo… cũng tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa đã góp phần giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt của các nhà văn hóa thường xuyên được cải tiến theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng nên đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong các buổi sinh hoạt, nội dung sinh hoạt được Ban văn hóa địa phương xây dựng thành chuyên đề, có tính khoa học, phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Thông qua các hoạt động cộng đồng đã góp phần thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, tạo mối đoàn kết trong xây dựng cuộc sống mới.
Ông Tạ Quang Thao, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Khánh cho biết, thực tế ở nhiều địa phương mặc dù xây dựng được nhà văn hóa nhưng lại không có điều kiện đầu tư mua sắm các trang thiết bị phụ trợ. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hóa do được xây dựng từ nhiều năm trước nên đến nay các thiết bị phụ trợ như: bàn ghế, phông màn, trang âm, ánh sáng đã lạc hậu hoặc tạm bợ… Bởi thế, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở những cơ sở này gặp không ít khó khăn. Từ thực tiễn này, huyện đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết chế nhà văn hóa. Đặc biệt, Phòng Văn hóa, Thông tin phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở bảo đảm có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tập trung nâng cao chất lượng và hình thức hoạt động tại nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, TDTT, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Đào Hằng