Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Các sản phẩm "hàng hóa" từ biển phải có khối lượng lớn và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa với việc xây dựng "thương hiệu biển" ở tầm khu vực và quốc tế. Đây chính là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn "Thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế" diễn ra ngày 20/6 tại thành phố Hạ Long, do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức. Nhiều đại biểu cho rằng, thương hiệu biển biểu hiện và được xây dựng ở nhiều cấp độ: thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, lĩnh vực kinh tế biển và vùng địa lý... Xây dựng và phát triển thương hiệu biển là công cụ để liên kết tiềm năng, khai thác lợi thế của các địa phương với doanh nghiệp, của các vùng biển, tạo nên mục tiêu và động lực cho sự tăng trưởng. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần xác định và phân loại, quản lý tốt các vùng/khu vực biển để đảm bảo "nguồn vốn tự nhiên" cho phát triển lâu dài các ngành kinh tế thủy sản, du lịch, dịch vụ, tạo ra sức hấp dẫn cho hoạt động đầu tư , thương mại-du lịch. Những cái tên: vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, vịnh Nha Trang, Lăng Cô, đảo Phú Quốc sẽ là điểm nhấn cho thương hiệu biển Việt Nam. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức trong việc xây dựng thương hiệu biển hiện nay như: phương thức quản lý thống nhất và tổng hợp về biển, hải đảo còn khá mới mẻ với các nhà quản lý, hoạch định chính sách; chưa xác lập cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau. Mặt khác, vẫn còn tồn tại việc sử dụng biển, hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ theo quy hoạch, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất có khá năng tái tạo còn ít chú trọng....
Theo TTXVN/Vietnam+