Văn nghệ sỹ Ninh Bình với đề tài dân tộc thiểu số và miền núi
Thứ Năm, 24/03/2022, 08:40
Zalo
Thực tế và sáng tác luôn là hai vấn đề gắn bó mật thiết với nhau, cũng vì vậy mà từ nhiều năm nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh luôn cố gắng tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho các văn nghệ sỹ. Trong số đó là những chuyến đi thực tế sáng tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên. Sau những chuyến điền dã đầy thú vị, nhiều tác phẩm đã được thai nghén, có không ít sáng tạo nghệ thuật đã ra đời.
Văn nghệ sỹ Ninh Bình với đề tài dân tộc thiểu số và miền núi
Thể hiện rõ nhất những thành quả nghệ thuật có thể kể đến các tác giả bộ môn nhiếp ảnh: Chợ tình Khau Vai (Ninh Đức Hậu); Phiên chợ Đồng Văn (Đoàn Minh Chiến); Ngày mùa (Phạm Thị Duyên)... Đặc biệt, gần đây nhất, chùm ảnh "Hạt lúa biên cương" gồm 3 ảnh của nhiếp ảnh gia Ninh Mạnh Thắng đã giành giải C "Giải thưởng văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2021".
Chất văn hóa đậm đặc của của vùng cao nguyên đá cũng in dấu trong âm nhạc với các sáng tác: Hương lúa Mù Căng Chải (Hà Ân); Cướp vợ (Phạm Chí Linh)... Đặc biệt, nhạc phẩm "Cướp vợ" với chất liệu văn hóa của vùng núi phía Bắc hoang sơ, trữ tình, qua việc mô tả phong tục cướp vợ của người vùng cao, Phạm Chí Linh đã cho người nghe một cảm nhận thú vị về nét bản sắc độc đáo của con người vùng cao nguyên đá.
Chia sẻ về xúc cảm đưa đến nhạc phẩm này, nhạc sỹ trẻ Phạm Chí Linh tâm sự: "Tôi đã tham gia nhiều chuyến đi thực tế cùng các văn nghệ sỹ Ninh Bình, song ấn tượng nhất với những lần đến Hà Giang. Những câu chuyện về tục cướp vợ của người vùng cao ám ảnh tôi. Tôi nghĩ cần phải viết điều gì đó về phong tục này.
Cùng thời gian đó tôi may mắn đọc được bài thơ "Thơ tình trên núi" của tác giả Bùi Thị Nhài. Bài thơ có một ý rất hay đó là "nhớ là anh chỉ cướp em thôi", có nghĩa tục "cướp vợ" nhưng thực chất là phải có sự đồng thuận ngầm giữa cặp trai gái. Tục cướp vợ độc đáo, nên thơ, tuyệt vời là vậy nhưng gần đây có khi bị lạm dụng, biến tướng không còn nét đẹp vốn có của nó.
Từ suy nghĩ này đã thôi thúc tôi viết nên nhạc phẩm "Cướp vợ" bằng việc phỏng theo ý thơ của Bùi Thị Nhài. Sáng tác này đã đem về cho tác giả Phạm Chí Linh giải C của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2021.
Đối với bộ môn Mỹ thuật, sức hấp dẫn văn hóa miền biên viễn cũng in dấu trong nhiều sáng tác của các tác giả. Tác giả Nguyễn Thanh Túc vì mê vẻ đẹp của phố cổ Đồng Văn đã có thời gian dài lên sáng tác tại Hà Giang. Nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ của anh đến thời điểm hiện tại vẫn còn phảng phất dấu ấn của văn hóa con người vùng cao. Nhất là những tác phẩm điêu khắc về sinh hoạt văn hóa, đời sống, lao động của người H'mông.
Họa sỹ Kù Kao Khải tâm sự anh rất mê thích màu sắc sặc sỡ, vui nhộn trong trang phục của đồng bào. Đặc biệt là sắc áo chàm của người miền núi. Một vài sáng tác của anh cũng sử dụng màu chàm trong sắc áo thổ cẩm của vùng núi phía Bắc. Họa sỹ Phan Nguyễn trong họa phẩm "Nét vùng cao" cũng thể hiện rất rõ gam màu nóng của sắc đỏ trong trang phục thổ cẩm của người dân mạn ngược...
Đối với các tác giả văn, thơ, sự trải nghiệm về không gian văn hóa miền núi lại vang vọng vào thơ văn theo một cách riêng. Nhịp sống của người vùng cao, những phong tục tập quán, hương vị ẩm thực quyến rũ, tình đất, tình người với đồng bào miền núi là những âm ba vang động vào những trang văn, những thi phẩm.
Nhà thơ Bùi Thị Nhài, cách đây nhiều năm, sau chuyến trải nghiệm không gian văn hóa chợ tình Khau Vai đã viết nên thi phẩm "Thơ tình trên núi" đầy mê đắm.
Tác giả Đinh Ngọc Lâm lại luyến nhớ vùng đất Hà Giang với kỷ niệm về San tuyết Suối Giàng, Du xuân, Ơi Khau Vai... Ngưới lính-nhà thơ Võ Ngột ngược thời gian trở về với vùng đất lửa Vị Xuyên với ký ức Một ngày trên đất Vị Xuyên...
Nhiều tác giả thơ, văn khác của Ninh Bình cũng ghi lại cảm xúc của mình về đề tài đồng bàodân tộc thiểu số và miền núi. Mỗi tác giả lại cảm nhận vẻ đẹp của vùng cao theo một cách nhìn riêng, điều này giúp lan tỏa và và làm giàu có thêm kho tàng văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Các văn nghệ sỹ tự làm giàu thêm sức trải nghiệm, óc quan sát và suối nguồn văn hóa vùng cao chính là "mỏ quặng thô" chờ những "người thợ" tài hoa Ninh Bình tinh chế.
Tác phẩm trong chùm ảnh "Hạt lúa biên cương" của Ninh Mạnh Thắng.
Các tỉnh miền núi phía Bắc do điều kiện tự nhiên đặc biệt đã là những "bảo tàng tự nhiên" nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, những phong tục, tập quán rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số... Các văn nghệ sỹ Ninh Bình với cảm quan nghệ thuật bén nhạy, lòng yêu mến các giá trị văn hóa đã mang những cảm nghiệm ấy vào Thơ, Văn, Âm nhạc, Hội họa, Nhiếp ảnh... đem đến cho người yêu văn nghệ những trải nghiệm thú vị về một "vùng văn hóa" đặc trưng trong kho tàng văn hóa giàu có của dân tộc.
Hàng năm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thường tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho các văn nghệ sỹ, trong đó có các chuyến đi đến các tỉnh vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi các văn nghệ sỹ được tắm mình trong suối nguồn văn hóa đặc sắc ấy, sẽ còn nhiều sáng tác có giá trị sẽ ra đời dành tặng bạn đọc. Nó tựa như những món "đặc sản" làm quà sau những chuyến đi xa nhiều thú vị.