Đây là chốn linh thiêng, chứng tích khởi phát, gắn liền với quãng thời gian thuở ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh - người có công dẹp loạn 12 sứ quân, lập ra Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên vào thế thứ X, với "tích: Tập trận cờ lau, mổ trâu khao quân". Từ ý nghĩa đó, động Hoa Lư đã được Nhà nước xếp hạng di tích.
Khu di tích là một thung đất bằng phẳng rộng khoảng 16 mẫu, bao kín xung quanh là núi đá. Khu đền trong động rộng trên 1 mẫu, có cung chính thờ vua; có tam quan được xây dựng 3 gian; có sân, tường bao... Tự bao giờ, khu đền đã gắn liền với đời sống tinh thần, các hoạt động văn hóa của cư dân nơi đây. Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, nhân dân trong xã thường tổ chức lễ rước kiệu vào đền và làm lễ tế vua và ngày 10 tháng 8 âm lịch hàng năm đều có lễ dâng hương tại đền. Các hoạt động tế lễ, dâng hương của nhân dân trong vùng tại đây đều cầu mong được bình an, sức khỏe, mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Đền được xây dựng đã lâu, qua thời gian, các hạng mục trong khu động đã bắt đầu bị xuống cấp, một số vì, kèo, xà đã bị mối mọt làm rơi gẫy, tường xây chắp vá, khuôn viên nhỏ hẹp, các đồ khánh tiết còn sơ sài chưa được đầu tư trang trí. Do vậy, việc tu bổ, tôn tạo khu đền là hết sức cần thiết. Ngày 31-12-2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2970/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích động Hoa Lư, sau có điều chỉnh tại Quyết định số 1240/QĐ-UBND ngày 23-6-2008, giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2010, là một trong những công trình văn hóa, du lịch có liên quan đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng mức đầu tư của công trình trên 40 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu và ngân sách tỉnh đối ứng.
Tập kết vật liệu để tu bổ động Hoa Lư.
Việc tu bổ, tôn tạo khu đền sẽ được tập trung vào những hạng mục như xây dựng 2 cung: Một thờ vua, một thờ Thánh Nguyễn; tam quan rộng 7 gian; các khu nhà bên tả, bên hữu đền; cuốn thơ bằng đá để tại cổng vào; lát đá đường đi từ quèn núi vào đền; bãi đỗ xe rộng gần 1 ha... Sau tu bổ, tôn tạo khu động Hoa Lư sẽ có diện mạo khang trang, khuôn viên rộng, đảm bảo được cảnh quan, lối kiến trúc cũ, có cả khu chức năng như nhà trông coi, bảo vệ... Đến thời điểm hiện nay, việc tu bổ, tôn tạo khu di tích mới chỉ bắt đầu được tiến hành, chậm so với tiến độ đề ra. Một trong những khó khăn của dự án là nguồn vốn bố trí chưa kịp thời. Do vậy để công trình được khẩn trương xây dựng đảm bảo tiến độ đề ra cần phải tạm thời huy động từ các nguồn khác mà trước mắt đơn vị thầu công trình cần phải tự bỏ vốn ra để thi công. Nhưng không hiểu do nguồn lực tài chính, hay vì một lí do nào khác mà đơn vị thầu công trình chưa tổ chức thi công?
Trao đổi qua điện thoại, ông chủ đơn vị thầu công trình cho chúng tôi biết: Vướng mắc là do chưa giải phóng mặt bằng. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn khẳng định, huyện đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng như kiểm kê tài sản, diện tích, gửi phương án đền bù để phê duyệt, nhân dân đều đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng để tu bổ, tôn tạo khu di tích.
Xung quanh khu di tích này còn có những điểm cần chú ý như việc cắm biển chỉ dẫn. Đến khu di tích, du khách chỉ có được một sự chỉ dẫn duy nhất là chiếc biển tại chân cầu Đế. Từ cầu Đế đi vào Động Hoa Lư dài khoảng 6 km, đi qua con đường ngoằn ngòeo, nhiều ngã rẽ nhưng không có một biển chỉ dẫn nào khác, khách phải dừng lại hỏi thăm nhiều lần mới có thể tìm đến được khu động. Theo người dân quanh khu vực này thì trước đây cũng có biển chỉ dẫn nhưng đã bị ai đó lấy đi hiện còn trơ lại cọc sắt. Ngoài ra, các tài liệu để giới thiệu cho khách đến đây tham quan, tìm hiểu về khu di tích này chưa có.
Động Hoa Lư là nơi thờ tự linh thiêng, để xứng tầm, tôn vinh giá trị lịch sử, truyền thống với công lao dựng nước và giữ nước của cha ông, các đơn vị, các ngành, các cấp liên quan, đơn vị thi công, chính quyền địa phương cần nỗ lực phối hợp để khu di tích sớm được tu bổ, chỉnh trang kịp thời phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm