Triển lãm "Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu" đã khai mạc vào chiều 12-8, tại 42 Yết Kiêu (Hà Nội). Điểm nhấn của triển lãm chính là bức tượng "Người lính", đứa con tinh thần mà nhà văn Hữu Ước vô cùng tự hào, trân trọng. Bởi với ông, người lính luôn thiêng liêng.
Triển lãm "Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu"
Bên lề triển lãm, nhà văn Hữu Ước cho hay: Có những câu hỏi không nhất thiết phải trả lời. Mỗi bức tranh như một câu hỏi, người xem sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình bởi nghệ thuật là một con đường mở, đa chiều, đa diện.
Trò chuyện với người xem tại phòng tranh, nhà văn Hữu Ước chia sẻ: "Mỗi khi ngòi bút bất lực, tôi lại cầm cọ lên vẽ. Tôi vẽ để giải tỏa những chất chứa trong lòng, với mong muốn được tự do, bay bổng trong sáng tác nghệ thuật. Có người bảo màu phải như thế này, màu phải như thế kia nhưng với tôi, màu cũng phải tự do, phóng khoáng".
Ở sinh nhật tuổi 70, nhà văn Hữu Ước đã chọn một mốc quan trọng trong đời người để tổ chức triển lãm. Với những gì chiêm nghiệm qua những năm tháng chiến đấu, làm nghề, ông gửi gắm nhiều suy tư, hoài bão, kỷ niệm vào "Chiều Trường Sơn", "Lính trinh sát", "Bến quê", "Người đàn bà yêu"…
Triển lãm trưng bày 69 tác phẩm hội họa.
Những nét vẽ ngang tàng, những vệt màu phá cách không tuân thủ bất cứ niêm luật, quy tắc nào của nghệ thuật tạo hình nhưng lại mang đến cho người xem cảm giác bay bổng vào một không gian nghệ thuật hiện đại đầy sắc màu.
Khi xem tranh ông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Tranh của Hữu Ước có lý trí, mộng mị và trí tưởng tượng vượt ra ngoài dự đoán của chúng ta, vô tình nhưng rất ấn tượng. Hội họa chính là bến bờ tự do nhất mà ông hướng tới".
Các tấm phẩm được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan.
Có điều, không phải tác phẩm hội họa nào họa sĩ Hữu Ước cũng ưng ý. Chỉ những bức tranh đẹp ông mới đem tặng bạn bè. "Bức nào dở", theo lời ông, "thì tôi hủy". Biết được cái hay, cái chưa được của mình, ngẫm ra ở tuổi thất thập cổ lai hy, không phải ai cũng được như nhà văn Hữu Ước.
Điểm nhấn của triển lãm chính là bức tượng "Người lính". Nói như nhà văn Hữu Ước thì có lẽ đây là bức tượng duy nhất trong đời ông. Tự hào về "Người lính", nhà văn Hữu Ước trải lòng tác phẩm như "món quà ý nghĩa của trời ban tặng cho tôi". Bức tượng thể hiện sức mạnh của người lính nhờ bệ đỡ vững chãi của hồn dân tộc, của bề dày văn hóa mấy nghìn năm tích tự từ văn hóa Đông Sơn.