Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, đòi hỏi giới văn nghệ sỹ cần có sự đổi mới hơn nữa trong sáng tác. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã là một trong những động lực tiếp "lửa" cho văn nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn về mặt tư tưởng, nghệ thuật.
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, đội ngũ văn nghệ sỹ Ninh Bình so với khu vực tương đối đồng đều, tác phẩm của họ từng bước đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Với 140 hội viên, thời gian qua, các văn nghệ sỹ Ninh Bình đã lao động sáng tạo với trách nhiệm cao. Đặc biệt là giới trẻ. Mỗi người luôn cố gắng tìm cách thể hiện, làm mới mình bằng các tác phẩm. Nhiều tác phẩm của các tác giả Ninh Bình đã xuất hiện trên những ấn phẩm Báo, tạp chí có uy tín về văn chương như: Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Quân đội...
Hoạt động nhiếp ảnh, mỹ thuật đã mang tính tập trung, không đơn lẻ như trước. Đa số văn nghệ sĩ có lòng say mê nghề nghiệp, năng động, sáng tạo và phản ánh nhiều lĩnh vực, nhiều đề tài thiết thực với cuộc sống. Việc thường xuyên tổ chức các triển lãm tranh, ảnh và các trại sáng tác đã tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sỹ được thể hiện và công bố tác phẩm của mình rộng rãi trước công chúng.
Tuy nhiên, với yêu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao thì một số sáng tác, hoạt động biểu diễn, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà trong thời gian qua chưa đáp ứng được mong muốn của công chúng. Số lượng tác phẩm nhiều nhưng còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa quê hương...
Nhà thơ Bình Nguyên - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, cùng với thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, những cây bút, nhà nhiếp ảnh, họa sỹ... xuất hiện sau năm 1975 về cơ bản là biết dấn thân. Hơn 30 năm qua, đã có những gương mặt đáng nhớ và những tác phẩm đáng đọc, góp phần tạo nên sự đa dạng cho văn học tỉnh Ninh Bình. Tuy vậy, so với hiện thực cuộc sống sôi động hiện nay, văn học còn thiếu vắng những tác phẩm xứng tầm.
Mối quan hệ giữa văn nghệ sỹ và cuộc sống là một vòng tròn: Cuộc sống làm khơi dậy trong văn nghệ sỹ để cho ra đời những tác phẩm nhưng chính tác phẩm ấy lại tác động trở lại cuộc sống. Trong bối cảnh mới, văn nghệ sỹ có thêm cơ hội tiếp nhận đề tài, phát huy sáng tạo nhưng cũng đòi hỏi họ phải có bản lĩnh vững vàng hơn. Cuộc sống có quyền đòi hỏi ở văn nghệ sỹ những tác phẩm có chất lượng cao và ngược lại, văn nghệ sỹ cũng có quyền đòi hỏi sự đáp ứng từ chính cuộc sống, đó là thái độ ứng xử, mức độ quan tâm, chia sẻ, sự đón nhận tác phẩm của người thứ 3 (bao gồm công chúng và cấp ủy, chính quyền)...
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" được coi là một nguồn lực "tiếp lửa" cho giới văn nghệ sỹ. Nghị quyết tập trung vào 5 hoạt động cốt lõi là: Sáng tác; lý luận, phê bình; sản xuất, công bố, trình diễn, sử dụng, truyền bá các tác phẩm; đội ngũ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động văn học, nghệ thuật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức, đầu tư, tài trợ đối với hoạt động văn học, nghệ thuật.
Thực hiện Nghị quyết 23, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động với mục tiêu phát triển văn học, nghệ thuật Ninh Bình trong thời gian tới, đó là: Tập trung nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương. Phấn đấu có nhiều tác phẩm mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp gắn với phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ phát triển cả về số lượng, nâng cao về chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo phong phú, hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn...
Phấn đấu hàng năm kết nạp được từ 4 hội viên trở lên vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; trong mỗi nhiệm kỳ phấn đấu có hội viên được kết nạp vào Hội chuyên ngành T.Ư... Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật của tỉnh.
Đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật trung tâm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động biểu diễn, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật...
Đức Nghĩa