Tháng Tư thăm Khu bảo tàng Phòng làm việc của V.I.Lenin
Thứ Hai, 21/04/2025, 09:15
Zalo
Những hiện vật chân thực của Bảo tàng tái hiện chi tiết nhất bầu không khí nơi một trong những nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã sống và làm việc.
Bàn làm việc của V.I.Lenin tại bảo tàng. (Ảnh: TTXVN)
Bảo tàng "Phòng làm việc và căn hộ của V.I.Lenin tại Điện Kremlin" có số phận đầy kịch tính.
Mở cửa vào năm 1955 tại Điện Kremlin, đây là một trong những bảo tàng Lenin được ghé thăm nhiều nhất.
Tuy nhiên, từ năm 1994, Chính phủ Nga đã quyết định chuyển toàn bộ hơn 42.000 hiện vật của bảo tàng về Khu bảo tồn bảo tàng lịch sử quốc gia Gorki Leninskie ở ngoại ô Moskva. Nhờ đó nhân dân có thể dễ dàng đến thăm và tận mắt nhìn thấy những hiện vật nguyên gốc từng thuộc về vị lãnh tụ của giải cấp vô sản.
Khu bảo tàng bố trí thành hai khu: bên phải là các phòng làm việc, thư viện, phòng họp, văn phòng, còn bên trái là khu căn hộ gồm các phòng khách, phòng ngủ, phòng của vợ và em gái Lenin, phòng ăn và bếp.
Những hiện vật chân thực của Bảo tàng tái hiện chi tiết nhất bầu không khí nơi một trong những nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã sống và làm việc.
Điều ấn tượng của bảo tàng là số lượng sách về nhiều chủ đề khác nhau. Tất cả những tác phẩm này đều thuộc về Lenin, Người đã đọc tất cả những cuốn sách này. Tổng cộng, thư viện cá nhân của Lenin có khoảng 11.000 cuốn sách.
Tuy nhiên, trong đó có không ít sách thuộc về bà Nadezhda Krupskaya, vợ của Lenin. Bà cũng đọc và nghiên cứu rất nhiều, được xem là người đặt nền móng và nhà tư tưởng chính của nền giáo dục Liên Xô.
Trưởng phòng khoa học-giáo dục của Bảo tàng Svetlana Generalova cho biết Lenin còn thu thập cả những bài viết, sách in của “phe đối lập,” tức là những ý kiến chỉ trích chính quyền, chỉ trích cá nhân Người, từ những người không cùng chính kiến. Người đọc chúng để có thể nhìn mình từ bên ngoài, để có thể đánh giá khách quan hơn.
Trong những căn phòng Bảo tàng Lenin, mỗi vật dụng đều đã qua tay Người. Mỗi chiếc máy điện thoại từng được Người sử dụng để đưa ra những chỉ thị tại Kremlin, mỗi chiếc ghế từng cùng Người đón các vị chính khách, mỗi cây bút từng "thức thâu đêm" cùng Người soạn thảo ra những văn bản đầu tiên của Nhà nước Xô viết.
Căn phòng làm việc nhỏ còn là nơi Người đã đọc cho thư ký chép bản di huấn nổi tiếng “Thư gửi Đại hội,” đưa ra những lời cảnh báo tâm huyết về việc cần phải cải tổ các cơ quan lãnh đạo chính quyền.
Không thuộc khu Bảo tàng Phòng làm việc nhưng cùng nằm trong quần thể Gorki còn có hai căn phòng rất đặc biệt, nơi Lenin đã sống những ngày cuối cùng. Lúc đó Người đã bị ốm, song chiếc bàn làm việc luôn hiện diện tại mọi nơi Người sống.
Phòng làm việc tại Kremlin của V.I.Lenin. (Ảnh: TTXVN)
Tại một trong những chiếc bàn làm việc ở Gorki năm 1922, vị lãnh tụ đã ký văn bản thỏa thuận thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên Xô, cái tên đến nay vẫn còn rất thân thuộc với nhiều người Việt Nam.
Hai căn phòng này có thể gọi là không gian không thời gian. Vì mọi chiếc đồng hồ ở đây đã được bà Nadezhda Krupskaya chỉnh dừng vĩnh viễn ở 18:50 phút, giờ vị lãnh tụ trút hơi thở cuối cùng trong lời đọc “Tình yêu cuộc sống.”
Bà Liudmila, một khách tham quan từ Moskva, cho biết trong không gian được bảo tồn nguyên vẹn này, có cảm giác Lenin chỉ vừa rời đi.
Những kỷ vật về Lenin còn là chứng tích về buổi ban đầu hình thành nên chính quyền Xô viết của công-nông-binh đầu tiên trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thời đại đối với lịch sử nhân loại.
Sự kiện vĩ đại mà sau này đã ảnh hưởng to lớn tới các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc nhiều quốc gia, từ châu Âu, châu Á, châu Phi, tới Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam.
Những ngày tháng Tư đặc biệt năm 2025, toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới kỷ niệm 155 năm ngày sinh của V.I.Lenin.
Những ký ức về Người, những di sản của Người luôn trường tồn, lấp lánh ánh sáng của lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, mãi mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.