Tràng An "giống như một truyện cổ chưa từng có dị bản"
GS. Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN - UNESCO), người chịu trách nhiệm tư vấn tổng thể xây dựng hồ sơ và kế hoạch quản lý di sản Tràng An, nhấn mạnh: "Về cảnh quan, Tràng An là một nơi tuyệt vời! Tôi cũng đã nghiên cứu và đi khảo sát khu danh thắng này và qua những nghiên cứu, những báo cáo khảo cổ học và địa chất, theo tôi, đó là một cuộc "chinh phục" thành công của con người nơi đây trong môi trường cổ. Đó chính là câu chuyện chưa được kể ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này. Bây giờ chúng ta sẽ kể cho thế giới nghe câu chuyện ly kỳ đó, nhưng muốn thành công chúng ta phải có những chứng cứ khoa học trung thực, chứng minh được câu chuyện này "không có dị bản". Nghĩa là, cần chứng minh Tràng An không giống với bất kỳ địa danh nào trên thế giới bằng chính những giá trị nó đã có và còn tồn tại từ xa xưa cho đến ngày nay".
Sự hiểu biết về các giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An chủ yếu dựa trên các di chỉ khảo cổ. Cuộc điều tra, nghiên cứu và khai quật được bắt đầu chủ yếu từ năm 2007 bởi các nhà Khảo cổ học Việt Nam và các chuyên gia Đại học Cambridge và gần đây bởi các nhà khảo cổ học Viện Khảo cổ học Việt Nam. Các di chỉ khảo cổ học được phát hiện trong rất nhiều hang động, phân bố rải rác trên toàn bộ khu vực và ở những khoảng độ cao khác nhau… Những bằng chứng cụ thể này được hỗ trợ bởi nhiều bằng chứng lịch sử và văn hóa khác như hệ thống các đình chùa, miếu mạo, hệ thống các lễ hội, kho tàng văn học dân gian, đồ thủ công mỹ nghệ… Tất cả cho phép khẳng định tính chân thực của các giá trị di sản văn hóa ở Tràng An.
Theo kết quả nghiên cứu, tại đây, ít nhất đã có 3 lần biển tiến, biển thoái ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là giai đoạn từ 7.000 năm đến 4.000 năm (thời kỳ Holocene trung). Nhưng dù ở thời kỳ nào, biển tiến hay thoái thì con người vẫn luôn có mặt ở đây và cư trú trong các hang động đá vôi. Đây là một nét độc đáo, một thí dụ nổi bật về truyền thống sử dụng hang động của người Việt trong lịch sử mà các nơi khác hầu như không có".
Về giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo, TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản Việt Nam cho biết: "Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An chính là việc khởi đầu của nó là một vùng biển cổ từ cách đây 250 triệu năm, sau đó nổi lên trên cạn thành đất liền. Tràng An rất giống với Vịnh Hạ Long nhưng đồng thời lại rất khác ở chỗ, Vịnh Hạ Long đến ngày nay vẫn chìm ngập trong nước biển, còn khu Tràng An đã nổi lên trên cạn. Với những nét đặc biệt về thung lũng, hệ thống hang động và các hang động xuyên thủy liên thông với nhau cùng với các dòng sông đã góp phần khẳng định khu danh thắng Tràng An có thể đạt được hai tiêu chí về cảnh quan, địa chất địa mạo. Nó còn là nền tảng để chúng ta xây dựng thêm một tiêu chí nữa về mối liên hệ, mối tương tác và sự thích ứng của người tiền sử đối với môi trường địa chất đầy biến động này...".
"Tôi tin hồ sơ Tràng An sẽ thành công".
Việc Ninh Bình lựa chọn 3 tiêu chí 5, 7 và 8 để xây dựng hồ sơ di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An theo GS. Richard Engelhardt Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS - UNESCO) trong cuộc hội thảo quốc tế về Tràng An đánh giá: "Cả ba tiêu chí này phối hợp với nhau rất tốt, mô tả được cảnh quan môi trường tự nhiên vào thời kỳ băng tan, làm cho Trái đất ấm lên, qua đó cho thấy lịch sử con người thích nghi như thế nào đối với tự nhiên vào thời kỳ đó. Câu chuyện này rất hay ở chỗ, nó đã diễn ra từ 23.000 năm trước và cho đến ngày nay vẫn diễn ra bởi vì chúng ta vẫn sẽ phải sống và tìm cách thích nghi với sự thay đổi của thiên nhiên trong tương lai".
Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Phạm Cao Phong đánh giá: Ninh Bình lựa chọn 3 tiêu chí bao gồm cả văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo để xây dựng hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An là con đường khó nhưng sẽ có cơ hội lớn để thành công. Tràng An đã mở đầu cho Việt Nam trong việc lựa chọn tiêu chí hỗn hợp khi xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ khi Ninh Bình xây dựng hồ sơ vì cùng một lúc phải bảo vệ 3 hồ sơ theo 3 tiêu chí và giữa 3 tiêu chí tưởng chừng độc lập nhưng lại phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để kể lại một câu chuyện về con người Việt cổ ở Tràng An đã tồn tại và thích nghi như thế nào qua những biến đổi của môi trường, khí hậu, địa chất thông qua các giai đoạn lịch sử của loài người. Tuy nhiên có thể khẳng định, với con đường này, "cánh cửa" để Tràng An trở thành di sản thế giới đã rộng mở.
GS. Richard Engelhardt, nhận định: "Tràng An như một khối nam châm khổng lồ giữa đất trời Ninh Bình. Tôi nghĩ các bạn hãy đánh thức những giá trị ngoại hạng của khu danh thắng này để hút mọi người về với nó. Bản thân tôi không có phép thuật nào để nhìn thấy trước tương lai của hồ sơ này, nhưng tôi tin hồ sơ quần thể danh thắng Tràng An sẽ thành công…
Nguyễn Thơm