Du khách đến Ninh Bình, khi trở về nhà, thường mua món quà tặng để làm kỷ niệm sau chuyến đi. Bên cạnh những ẩm thực đặc sản, như cơm cháy, rượu Kim Sơn, nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, còn có những món quà nhiều ý nghĩa, có tính sử dụng trong đời sống như: tranh thêu, rèm cửa, khăn trải bàn hay những bộ ấm chén, bát đĩa, bình hoa… được làm từ nguồn đất sét trắng phau của xứ Bạch Liên, Bồ Bát (Yên Mô).
Qua khảo sát cho thấy việc sản xuất, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ uống và ẩm thực trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã thu được kết quả tích cực. Tại các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình đã hình thành các điểm bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch mang rõ nét đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh. Đó là những gian hàng bán các sản phẩm thêu tay ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; các mặt hàng cói mỹ nghệ ở Nhà thờ đá Phát Diệm. Nhiều mặt hàng của tỉnh được bày tại các quầy hàng bến thuyền Tràng An (Khu du lịch Tràng An), bến xe chùa Bái Đính.
Nhìn chung mẫu quà tặng lưu niệm khá phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, mang đậm bản sắc của địa phương, tuy nhiên vẫn còn nhiều món quà chưa mang nét đặc trưng của mảnh đất Cố đô, chưa gắn với các địa danh nổi tiếng. Nhiều mặt hàng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu chưa phù hợp với yêu cầu của du khách. Vì nguồn lợi trước mắt, đã có không ít cửa hàng vẫn còn nhập sản phẩm của Trung Quốc hoặc từ các địa phương khác về bày bán cùng với các mặt hàng truyền thống của Ninh Bình. Điều này vô hình chung làm mất giá trị các mặt hàng quà tặng mang dấu ấn Cố đô Hoa Lư.
Thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao doanh thu để xứng tầm với tài nguyên du lịch. Cụ thể, đầu tháng 8 vừa qua, Sở Du lịch đã tổ chức hội nghị trưng bày, lựa chọn sản phẩm làm mẫu quà lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch, có gần 150 sản phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 81 làng nghề truyền thống tham dự. Nhiều sản phẩm được Ban tổ chức đánh giá rất cao vì tính đặc trưng văn hóa, lịch sử.
Theo thống kê, năm 2016, doanh thu từ bán hàng lưu niệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 239 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2015. Doanh số bán hàng lưu niệm 8 tháng năm 2017 là khoảng 270 tỷ đồng, chiếm gần 15% doanh thu ngành du lịch.
Trao đổi về sản phẩm quà lưu niệm cho khách du lịch ở Ninh Bình, ông Đoàn Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới - một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chia sẻ: Thời gian tới các cấp, ngành cần duy trì, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của Ninh Bình góp phần tạo việc làm và thu nhập của người dân.
Đến năm 2025, ngành Du lịch Ninh Bình phấn đấu đưa doanh thu từ bán hàng lưu niệm phấn đấu đạt 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm 30% doanh thu của ngành du lịch tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh