Kỳ I: Sức tàn phá của cơn bão COVID-19
Kỳ II: Nhóm lên "ngọn lửa" phục hồi ngành Du lịch
"Cái khó ló cái khôn"
Năm 2021, Ninh Bình được Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động, sự kiện trong chương trình Năm Du lịch không tổ chức được. Nhưng "cái khó ló cái khôn", trong lúc cơn bão dịch đang càn quét ngành du lịch cả nước thì Ninh Bình là tỉnh đầu tiên có sáng kiến thực hiện chương trình du lịch online "Khám phá điểm đến Ninh Bình cùng hướng dẫn viên online" với mục đích đưa hình ảnh du lịch Ninh Bình đến với du khách toàn cầu. Chương trình được giới thiệu thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Youtube....
Điều đặc biệt là chương trình không có ê kíp chuyên nghiệp, từ quay phim, hướng dẫn viên, nhân vật trải nghiệm, đạo diễn... đều là cán bộ của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch phối hợp với hướng dẫn viên ở các điểm du lịch phụ trách nên mang lại cảm giác gần gũi, chân thật, hấp dẫn, phù hợp với mức độ quảng bá trên mạng xã hội. Sau chương trình đầu tiên với tên gọi "Khám phá Cố đô Hoa Lư", hàng loạt điểm đến nổi tiếng sẽ tiếp tục "lên sóng" cố định vào sáng Chủ nhật hàng tuần như: Đền Thái Vi, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch hang Múa, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, Nhà thờ đá Phát Diệm...
Chị Thu Hằng, cán bộ Trung tâm trực tiếp tham gia làm hướng dẫn viên của chương trình cho biết: Ngoài quảng bá hình ảnh điểm đến, các tour du lịch online sẽ giới thiệu nhiều món ngon và đặc sản của Ninh Bình như dê ủ trấu, nem Yên Mạc, mắm tép, miến lươn, canh cá rô Tổng Trường… Trong chương trình ê kíp cũng tương tác trực tiếp với khán giả để cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm khi tới các điểm đến để du khách có thể cân nhắc lựa chọn khi hoạt động du lịch tái khởi động. Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cũng sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình tới du khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho biết: Ninh Bình là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện các chương trình du lịch online. Sau những buổi phát sóng đầu tiên, hiệu ứng mang lại cho chương trình rất tốt. Số lượng người xem tương tác với chương trình lên đến hàng chục nghìn người. Theo kế hoạch, chương trình "Khám phá điểm đến Ninh Bình cùng hướng dẫn viên online" được triển khai từ ngày 19/9 - 26/12. Chúng tôi mong rằng khi dịch COVID-19 được kiểm soát, du khách có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện đáng nhớ để chọn Ninh Bình cho chuyến du lịch, khám phá sắp tới.
Ngoài ra, để duy trì, cung cấp thông tin, quảng bá du lịch Ninh Bình, Trung tâm đã rà soát các bài viết của khách du lịch về du lịch Ninh Bình trên các trang mạng xã hội, Tiktok, Twitter, TripAdvisor, Lonelyplanet..., triển khai áp dụng công nghệ số chuyển đổi bài viết thành dạng audio tích hợp vào các bài viết và chuyên mục trên website để cung cấp thông tin cho khách du lịch. Đặc biệt, để ngành Du lịch nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, Sở Du lịch đã tổ chức hội nghị tập huấn ứng dụng chuyển đổi số ngành Du lịch Ninh Bình thuộc đề án "ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".
Giải pháp bứt phá
Từ đầu tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt chỉ tập trung cho thị trường khách nội địa nhằm thực hiện "mục tiêu kép". Việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với các doanh nghiệp, nhằm từng bước vượt qua khó khăn trong điều kiện bình thường mới. Ông Tống Anh Đệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH khách sạn Thùy Anh Ninh Bình Legend cho biết: Chủ trương tái khởi động ngành Du lịch của Nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay đã "thắp lên ngọn lửa" làm ấm dần lên thị trường du lịch "đóng băng" hơn 1 năm nay. Các doanh nghiệp đang rất chờ đón cơ hội này. Bản thân Công ty TNHH khách sạn Thùy Anh Ninh Bình Legend trong thời gian qua đã đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn với quy mô gần 300 phòng và quần thể các công trình phụ trợ như nhà hàng, bể bơi, khu thể thao... theo tiêu chuẩn 5 sao. Đồng thời Công ty đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, chỉnh trang cảnh quan môi trường để sẵn sàng đón khách trở lại khi được Chính phủ cho phép. Trong đó, quan tâm đến các tiêu chí, nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19. Công ty đã tiêm vắc-xin cho tất cả cán bộ, nhân viên trong Công ty; khai thác thị trường ở các vùng xanh; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, một số loại hình du lịch mới đã được Công ty xây dựng chiến lược để khai thác dài hạn như loại hình du lịch MICE. Ông Tống Anh Đệ khẳng định: "Đây là loại hình du lịch đang được xem là tiềm năng và là cơ hội lớn để giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thoát khỏi khó khăn, phục hồi thị trường du lịch nội địa. Song rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tạo nên những chính sách đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư bài bản hơn cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ lao động, đáp ứng yêu cầu của loại hình du lịch tiềm năng này".
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng ngành Du lịch Ninh Bình cũng như các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch vẫn luôn xây dựng kế hoạch dài hạn để phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Du lịch cho biết: Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua Ninh Bình đã phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên được chú trọng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này tại các điểm du lịch như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, Thung Nham...
Tiêu biểu như Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ - Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng đang mở rộng các dịch vụ, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới như các tour "Về nhà", "Khám phá kỳ quan hang động, hệ karst độc đáo", "Quan sát linh trưởng quý hiếm", lễ hội đom đóm, lễ hội bướm… Các hoạt động du lịch trải nghiệm, giáo dục bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã ở đây đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch của du khách khi đến Ninh Bình.
Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và độc đáo đang được ngành Du lịch Ninh Bình kỳ vọng là giải pháp bứt phá để "hút khách", nhất là trong giai đoạn vừa khai thác du lịch, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm lúc này là làm sao để việc khôi phục hoạt động du lịch phải mang tính bền vững, tránh tình trạng "nay mở, mai đóng" sẽ không chỉ gây tâm lý bất an cho du khách mà còn thiệt hại cho doanh nghiệp vốn bị "sức khỏe yếu" do dịch bệnh.
Nguyễn Thơm
Kỳ 3: Cần có lộ trình phục hồi phù hợp, an toàn