"Cú hích" từ phát triển du lịch
Nằm trọn trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An- Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, với Bến thuyền Tràng An, Khu du lịch Hang Múa… nên những năm gần đây ngành nghề du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã Ninh Xuân khá phát triển. Đây chính là động lực hỗ trợ tích cực cho việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Đức Kim, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân phấn khởi: Gần chục năm trước, phần lớn người dân trong xã làm nông nghiệp, mỗi năm hai vụ bấp bênh, thu nhập thấp mà thời gian rảnh rỗi thì thừa. Từ khi khu du lịch Tràng An được mở ra, đời sống của bà con thay đổi hẳn, người nào cũng có việc làm và làm không hết việc. Phụ nữ tuổi thanh niên và trung niên thì chèo đò, may mặc (trên địa bàn có hai xưởng may), người lớn tuổi thì làm ruộng, nuôi dê, nam giới thì làm thợ mộc, thợ nề, xe ôm, chụp ảnh, nấu nướng, nhỏ tuổi hơn thì chạy bàn, bán đồ lưu niệm, trông xe tại các khách sạn, nhà hàng. Nổi nhất trong những ngành nghề này là chèo đò. Ninh Xuân đóng góp 500 tay chèo cho Quần thể danh thắng Tràng An, được Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An trả khoảng 15-16 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ có "đồng vào, đồng ra" như chị Hiên, tại Ninh Xuân còn có khá nhiều gia đình giàu có, khấm khá lên nhờ mở các dịch vụ nhà hàng, khách sạn ví như quán thịt dê của anh Vũ Văn Chính, thôn Khê Thượng. Trước đây, anh Chính ốm đau, nghèo khó là thế nhưng nhờ du lịch, nhờ am hiểu chăn nuôi và ẩm thực mà giờ đây gia đình anh đã ăn nên làm ra. Mỗi năm nhà hàng của anh Chính đóng góp cho ngân sách xã từ 300 đến 400 triệu đồng, ngoài ra còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Chỉ cách đây vài năm, nhiều tuyến đường trong xã còn rất lầy lội, chật hẹp, nhưng khi triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các tuyến đường trong xã đã được đầu tư mở rộng và kiên cố hóa. Trong 5 năm, toàn xã đã tiếp nhận 1.036 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ; làm mới, nâng cấp 59 tuyến đường với chiều dài 8,32 km và 1 tuyến kênh với chiều dài 500 mét. Đầu năm 2016, nhà văn hóa xã, thôn cũng được đầu tư xây dựng mới, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới…Từ một xã nghèo của tỉnh, đến nay Ninh Xuân đã vươn lên hoàn thành 19/19 tiêu chí, là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
Thay đổi nhận thức để làm du lịch bền vững
Mấy năm trước, về Ninh Xuân, khách du lịch thường ái ngại bởi những đống rác lớn hai bên vệ đường, triền đê, chân núi. Với cách nghĩ sạch nhà là được, bẩn đường mặc kệ, người dân vứt rác sinh hoạt bừa bãi, gây mất vệ sinh, mỹ quan du lịch. Nhưng từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã tổ chức các đội thu gom rác thải đến từng nhà thu gom rác, chở ra xe lớn rồi vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải của tỉnh. Một số ít hộ dân do đất rộng, điều kiện thu gom rác khó khăn (nhà sát chân núi, đường sá không thuận tiện), thì cam kết tự xử lý, không vứt, xả rác nơi công cộng. Số tiền phí vệ sinh 6.000 đồng/người/tháng được coi là cao ở nông thôn, nhưng bà con đều chấp thuận. Như vậy rõ ràng, một thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh mảnh đất du lịch đã được xóa bỏ nhờ xây dựng nông thôn mới.
Vấn đề nước sạch cũng là bài toán khó. Nhiều hộ dân nông thôn quen dùng nước giếng, nước sông, thậm chí một số nơi dùng nước ao để sinh hoạt. Khi địa phương triển khai cấp nước sạch, chi phí ban đầu lên tới vài triệu đồng một hộ, khá cao so với thu nhập nên nhiều người dân không mặn mà. Chính quyền xã đã kiên trì giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc dùng nước sạch để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh cho gia đình, nhờ vậy tại Ninh Xuân hiện nay đã có 76% số hộ sử dụng nước sạch từ nhà máy nước.
Bác Nguyễn Thị Xuân, thôn áng Ngoại cho biết: "Trước đây, các con đường trong xã xuống cấp, bà con đi lại rất vất vả. Nhưng từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đường sá được đổ bê tông rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch. Hiện nay, rất nhiều khách du lịch ưa thích đạp xe dạo quanh các thắng cảnh trong xã". Như vậy có thể khẳng định việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, môi trường đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến tham quan.
Ông Hà Đức Kim, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: Thực tế thời gian qua cho thấy, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch là một trong những hướng đi phù hợp. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền xã và người dân đã và đang nỗ lực để lộ trình nông thôn mới tiếp tục được hưởng lợi nhiều hơn từ phát triển du lịch, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, sắp tới xã cũng chú trọng đến khâu đào tạo nghề theo hướng chuyển dịch cơ cấu sang thương mại, dịch vụ, trang bị các kỹ năng làm du lịch cần thiết và nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ di sản thiên nhiên, hướng tới một cách làm du lịch bền vững. Và tất nhiên, sự quan tâm định hướng và có những hỗ trợ tích cực, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng sẽ là rất cần thiết cho các địa phương trong lộ trình này.
Nguyễn Lựu