Nhận diện "Tour 0 đồng" Xét về khía cạnh khách du lịch, tour giá rẻ có thể được hiểu là khách du lịch mua sản phẩm du lịch gồm chi phí vé máy bay (tàu, thuyền, ô tô), phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả. Còn về phía doanh nghiệp du lịch, tour giá rẻ hoặc là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành "tour 0 đồng".
Vậy, họ lấy đâu để có kinh phí chi phí vận hành? Trao đổi về vấn đề này, anh Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch Ninh Bình) chia sẻ: Thông qua các hình thức như đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa...
Do vậy, khái niệm giá rẻ hay 0 đồng ở đây là nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của chính các công ty du lịch chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Do đâu lại xuất hiện "tour 0 đồng"? Đầu tiên phải kể đến, nó ra đời từ thị trường, xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá. Có thể về giá giữa sản phẩm du lịch của các công ty gom khách, công ty đón khách. Nhiều công ty đón khách vì muốn giành giật khách nên xuất hiện tình trạng chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường. Đây là bài toán kinh doanh đan xen, do chính thị trường quyết định.
Anh Hoàng Bình Minh cho biết thêm, "Tour 0 đồng" xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó có mặt ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, đến giờ vẫn tồn tại. Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn.
Vì vậy, tour 0 đồng chính là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường. Các quốc gia cũng đã từng siết chặt "tour 0 đồng" bằng việc thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm, chính quyền địa phương cũng áp dụng rất nhiều biện pháp, quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành. Có quốc gia đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bằng video để khách cảnh giác với hàng nhái và những cái "bẫy mua sắm".
Trên địa bàn Ninh Bình, hơn hai năm trước đã xuất hiện một vài tour du lịch mang "hồn, cốt" từ "tour 0 đồng". Đó là đơn vị tổ chức sự kiện về các phường, xã có thư mời một số hội, đoàn thể tổ chức cho hội viên đi du lịch miễn phí. Sau khi báo chí và dư luận phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc thì dạng "tour 0 đồng" đã được ngăn chặn.
Giải pháp ngăn chặn
Thực hiện Văn bản số 365/UBND -VP5, ngày 1/8/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tuyên truyền để các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hướng dẫn viên trong việc tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch đào tạo cho đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên gắn với mục tiêu chiến lược kinh doanh, xác định nhu cầu, phương pháp và hình thức đào tạo để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp.
Sở Du lịch có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh lữ hành và chuyển tiền trái phép liên quan đến tình trạng tour du lịch giá rẻ trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh vào tháng 12 hàng năm.
Để ngăn chặn hiện tượng chuyển tiền kinh doanh không qua hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh các quy định pháp luật về hoạt động mua, bán, kinh doanh ngoại tệ; niêm yết, quảng cáo giá mua bán hàng hóa, dịch vụ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ; tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngoại hối, thanh toán.
Chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức thanh toán trên địa bàn quản lý các hình thức thanh toán điện tử qua máy POS, ví điện tử Alipay, Wechat pay, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán tích cực, chủ động cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật trong thanh toán quốc tế.
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các hình thức kinh doanh dịch vụ, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Yêu cầu việc thực hiện quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn tỉnh, như: hành nghề hướng dẫn viên du lịch trái phép, kinh doanh du lịch trái phép và hoạt động tuyên truyền các nội dung không đúng quy định.
Đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng ép buộc, lừa đảo khách du lịch vào các cơ sở bán hàng nhái, hàng kém chất lượng; các hoạt động phức tạp về an ninh trật tự phát sinh từ loại hình tour du lịch giá rẻ.
"Tour 0 đồng" là hiện tượng phát triển không tốt của thị trường, vì vậy, việc theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm đòi hỏi sự vào cuộc sát sao của các cấp, ngành, đơn vị có liên quan, trong đó tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định pháp luật. Tất cả để xây dựng, giữ gìn môi trường hoạt động du lịch văn hóa, văn minh, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Minh Đường