Những trang viết của anh có thể là những mảnh ghép cuộc đời, là những tiếng nói đấu tranh, lên án nhưng đậm tính phóng sự, không ca ngợi một chiều cũng không cực đoan chủ nghĩa. Tất cả dưới ngòi bút của anh là cả một thế giới sống động nơi vùng biên có tất cả hỷ, nộ, ái, ố, có nước mắt và niềm vui… để từ đó có tạo ra hiệu ứng xã hội rộng lớn. Điều đặc biệt tôi nhận thấy từ những bài phóng sự ấy là một cái tâm trong sáng, say nghề, có thể bất chấp hiểm nguy, có thể hàng tháng trời xa nhà, "3 cùng" với người dân để viết nên một bài phóng sự. Với một lãnh đạo cơ quan báo chí, tôi tin không phải ai cũng làm được điều đó.
Văn phong của Đông Bắc trong tập phóng sự này ấn tượng trước hết là bố cục sáng, văn viết cô đọng, mạch lạc, biết vận dụng linh hoạt giữa tả và kể để làm nên sức hút cho tác phẩm. Đọc phóng sự mà như đọc truyện, bị lôi cuốn từ kỳ này sang kỳ khác. ấn tượng thứ 2 là qua các bài viết có thể thấy vốn sống của tác giả khá dày dặn, thâm nhập cơ sở và nằm trong lòng cơ sở bất chấp hiểm nguy của vùng biên để đi đến cùng sự thật. Anh vẫn duy trì thói quen đi cơ sở 2 lần/tuần đến những vùng sâu vùng xa mặc dù bận rộn với công việc lãnh đạo quản lý để có những cách kể, những lối tả chân thực và sống động nhất. Người dân quý anh nên như anh nói "chỉ cần củ sắn, củ khoai cũng làm nên cảm hứng cho mỗi bài phóng sự". Mỗi bài phóng sự của anh là một lát cắt của cuộc sống mà anh cảm nhận sau rất nhiều chuyến đi xông xáo, là những vấn đề tung ra không phải để đấy cho bạn đọc biết mà chủ yếu là để mọi người sôi sục tìm cách giải quyết đến cùng. Chuyện nhỏ, chuyện lớn dưới ngòi bút của anh đều buộc ta phải suy ngẫm, phải trăn trở bởi nó đi thẳng vào vấn đề, nhất là những góc khuất của cuộc sống.
Phóng sự của anh giản dị và trong sáng như con người của anh vậy. Không màu mè, khoa trương mà mang đậm hơi thở cuộc sống vùng biên với những tệ nạn đào vàng, đá gà, buôn lậu, buôn người, lâm tặc… Cái đặc biệt là anh viết mà như kể, lôi cuốn người ta từ tít đến sapo. Tít anh đặt thường rất ngắn và khơi gợi trí tò mò khiến người ta phải đi đến cùng của bài viết. Đông Bắc có một đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy là anh chú trọng đến việc đặt tít, càng ngắn càng cô đọng càng tốt nhưng phải lột tả được hết những gì trong bài biết. Có lần anh nói chuyện với tôi rằng tít của anh không quá 8 chữ, chỉ để 5 chữ chứ không người tiếp nhận khó hiểu và không đọc tiếp. Tôi không biết có phải Đông Bắc học về ngôn ngữ Trung quốc trước khi học Cao học Báo chí nên trong cách dùng từ đặt câu của anh rất thâm thúy, nhiều khi đọc kỹ mới nhận ra là chơi chữ. Những bài phóng sự như "Khuổi Lầy, lầy trong cái khó", "Nước mắt dưới tán rừng", "Đào núi về xuôi", "Nước mắt Lệ Chi", "90 ngày trong "tổ quỷ"... khiến tôi hứng thú từ tít đến hết bài. Đông Bắc viết như kể chuyện, viết vừa có tính cảnh báo lại vừa có giá trị nhân văn sâu sắc. Tôi có thể nhìn thấy giọt nước mắt của anh sau những trang phóng sự, nỗi xót xa của một nhà báo khi chứng kiến cận cảnh lâm tặc, buôn người...mà "lực bất tòng tâm". Không ít những phóng sự trong "Nơi sâu thẳm vùng biên" đã khiến tôi rơi nước mắt vì thật quá, tình quá như "Nước mắt dưới tán rừng già", "Hoang lạnh nhà tắm "lão trư", "Nơi lốc xoáy đi qua"...
Mỗi bài phóng sự trong "Nơi sâu thẳm vùng biên" đều để lại cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lúc thì dạt dào yêu thương, lúc thì đầy phẫn nộ, lúc lại có sự cảm thông chia sẻ và có lúc lại xót xa đau đớn. Ngay cả Đỗ Doãn Hoàng (người viết phóng sự mà tôi khá nể phục thời sinh viên) cũng chưa đưa tôi đến nhiều cung bậc cảm xúc đến thế. Lúc đầu tôi chỉ đọc lướt tập phóng sự này với tư cách một đồng môn, đồng nghiệp, sau càng đọc càng thấy thấm, càng đọc càng thấy chữ Tình trong báo chí và chữ Tâm của người cầm bút. Khi viết phóng sự, Đông Bắc không những tiếp cận nhân vật mà còn sống cùng nhân vật, hiểu rồi mới viết, cố gắng tìm ra những góc khuất trong tâm hồn từ cụ già đến em nhỏ, từ người đãi vàng đến anh nông dân trồng nho. Nhân vật xuất hiện trong phóng sự của Đông Băc cũng rất đa dạng: Tri thức có, nông dân có, tội phạm có, các lực lượng làm nhiệm vụ có, những người đáy cùng của xã hội cũng có mà giới thượng lưu cũng có. Tất cả trong "Nơi sâu thẳm vùng biên " là một bức tranh tổng hợp, thu nhỏ của Lạng Sơn, nơi anh công tác.
Trong cách nhìn đa chiều của một nhà báo, Đông Bắc đã tái hiện một Lạng Sơn của anh vừa năng động trên đường phát triển với những con người thân thiện, đáng yêu, sâu nặng nghĩa tình, một Lạng Sơn còn không ít sù sì, gai góc với những chuyện người, chuyện đời xen lẫn tốt và xấu, giận và thương, tích cực và tiêu cực. Anh vừa khéo tả thực, vừa khéo chọn thời điểm đưa ra những lời bình luận hóm hỉnh, sắc sảo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Có lẽ vậy mà phóng sự của Đông Bắc đã vượt ra ngoài những trang báo, trang sách để đi vào tâm tư, tình cảm của người đọc một cách tự nhiên. Và tôi tin với những cây bút như thế, các nhà báo sẽ được truyền lửa để có những tác phẩm có tâm, có tầm, mang hơi thở cuộc sống
Quỳnh Thu