Tại Hội thảo, những tác giả như: Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Việt Chiến, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Vi Thùy Linh (thơ), Trần Đại Vinh (nghiên cứu phê bình), Đặng Mậu Tựu (họa sỹ)... tham dự góp phần làm phong phú thêm bởi chính bề dày cống hiến của họ từ trước. Tuy nhiên điều ấn tượng nhất và có giá trị nhất chính là những tham luận chính thức được trình bày trước hội thảo. Bản thân những tham luận này tuy vẫn xoay quanh chủ đề chính của hội thảo mà đơn vị tổ chức đã xác định song do vấn đề đưa ra hội thảo cũng có tính chất mở do vậy nhiều tham luận với cái nhìn đa thanh phức điệu, nhiều góc tiếp cận, nhiều điểm nhìn khác nhau đã gợi ý cho người nghe nhiều liên tưởng thú vị.
Tham luận: "Vài nét về VHNT Huế trong dòng chảy văn hóa Huế" của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Thừa Thiên- Huế) đã góp vào hội thảo một cái nhìn toàn cảnh về văn hóa Huế, các thành tố về văn hóa của vùng đất này với vị thế là một Kinh đô của triều đại nhà Nguyễn đã góp phần bảo tồn, tập hợp và nuôi dưỡng các giá trị về văn hóa, văn học của Huế trong suốt chiều dài lịch sử như thế nào. Nhà báo Đỗ Quốc Long (Phú Thọ) lại nhấn mạnh đến tính chất đặc trưng của Phú Thọ trong vai trò là nơi ra đời nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Với vị thế là vùng "Đất Tổ", VHNT Phú Thọ đã lưu giữ trong mình nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hát Xoan Phú Thọ... Những giá trị văn hóa ấy không những làm nên yếu tố bản sắc của vùng Đất Tổ mà còn là những nguyên liệu, những gợi ý, là nơi nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo cho VHNT Phú Thọ thời cận và hiện đại.
Nhà thơ Lê Đăng Sơn (Thanh Hóa) góp một góc nhìn khác khi nhấn mạnh đến mối liên hệ nhiều mặt của người Thanh Hóa, các nhân vật lịch sử xứ Thanh với lịch sử, văn hóa các vùng kinh đô khác. Chẳng hạn kinh đô Phong Châu (Phú Thọ) nơi đóng đô các vua Hùng thì nhân vật xứ Thanh đầu tiên mang mối liên hệ là Mai An Tiêm với truyền thuyết trái dưa hấu. Tương tự là dấu ấn của Lê Hoàn với kinh thành Hoa Lư. Hồ Quý Ly tể tướng triều Trần với cuộc thiên đô từ Đông Đô-Thăng Long (Hà Nội) về Tây Đô-Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Mối liên hệ của Lê Triều phát tích từ Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đến việc các đời con cháu nhà Lê đóng đô ở Thăng Long Hà Nội, xây dựng nên vương triều phong kiến cực thịnh trong lịch sử Việt Nam. Kinh thành Phú Xuân (Huế) được kiến tạo bởi "chín chúa, mười ba vua" triều Nguyễn đều có gốc gác từ vùng Gia Miêu, Hà Trung ,Thanh Hóa. Với góc nhìn ấy, tác giả Lê Đăng Sơn không ngụ ý đề cao vai trò của vùng đất "tam Vương, nhị Chúa" mà chỉ muốn chứng minh: "Mối lương duyên của người xứ Thanh với các kinh đô của đất nước trong trường kỳ lịch sử". Tất nhiên khi đã đề cập đến mối liên hệ của những nhân vật lịch sử quê Thanh với các kinh đô, tác giả cũng khiến người nghe không ngớt suy tư về việc làm thế nào để tiếp tục duy trì "dòng chảy văn hóa", mối liên hệ vốn đã có của vùng văn hóa xứ Thanh với các vùng kinh đô ở thời hiện đại.
Tác giả Ninh Đức Hậu (Ninh Bình) trong tham luận của mình có nhấn mạnh đến vai trò lịch sử của triều đại Đinh với việc dẹp loạn 12 sứ quân, xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Đây chính là nền tảng vững chắc về mặt thể chế để phát triển các yếu tố văn hóa, làm chỗ dựa cho sự ra đời dòng văn học viết của Việt Nam. Cố đô Hoa Lư về sau đóng vai trò là nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc danh sỹ, trí thức, "văn thần, võ tướng" tài giỏi của nhiều triều đại trong lịch sử. Và từ mạch nguồn văn hóa ấy, ngày nay các văn nghệ sỹ cố đô đang cố gắng nỗ lực giữ gìn, đồng thời phát huy làm phong phú thêm bản sắc văn hóa vốn đã hình thành từ trong lịch sử. Trong suốt quá trình lịch sử phát triển Cố đô Hoa Lư bao giờ cũng duy trì mối liên hệ tương hỗ, bền chặt với các vùng kinh đô khác, vì những nơi này chính là nơi hội tụ, nơi phô diễn bản sắc của các vùng văn hóa khác tiêu biểu.
Trên đây người viết chỉ điểm qua một số tham luận mà những góc nhìn của nó có nhiều điểm gợi mở, giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các văn nghệ sỹ dự hội thảo có thêm nhiều ý tưởng mới hòng góp phần sáng tạo nhiều giá trị văn hóa, thiết lập thêm nhiều kênh thông tin giữa văn nghệ sỹ các vùng kinh đô nhằm làm phong phú thêm những di sản văn hóa hiện có. Tại hội thảo cũng còn nhiều tham luận của nhiều tác giả Thy Lan, Bùi Văn Kha, Nguyễn Minh Khiêm, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Việt Chiến...mà ý tưởng khá mới và nhiều vấn đề đề cập có tính phức hợp, vượt ra ngoài khuôn khổ hội thảo và cả khả năng thẩm định của tác giả bài viết. Với những vấn đề có phần gai góc này người viết xin nhường lại câu trả lời cho các nhà nghiên cứu mang tính chuyên ngành. Chỉ xin khẳng định một điều chỉ với những gợi mở từ các tham luận đã phân tích trên cũng có thể khẳng định những kết quả thu được về mặt học thuật từ: "Hội thảo xây dựng và phát triển văn hóa, con người mỗi vùng Kinh đô xưa và nay trong sáng tác VHNT thời kỳ hội nhập và phát triển" là rất có giá trị.
Đức Bá