Tại ngày thơ, nhiều thầy, cô giáo luôn đứng trước hàng trăm học sinh giảng bài không hề bối rối, ngại ngần, nhưng khi đọc những vần thơ do mình sáng tác cho hàng trăm đại biểu và những người yêu thơ tại khán phòng nghe, đã không khỏi xúc động, nghẹn ngào, bởi đó là những cảm xúc, suy nghĩ chân thành, da diết nhất được các thầy, cô giáo chắt lọc, kết tinh và thể hiện qua những câu chữ, những dòng thơ mang đầy cảm xúc. Nó là những trải nghiệm, trăn trở với sự nghiệp trồng người; là niềm vui, phấn khởi khi mùa xuân về mang đến sự tươi mới, may mắn cho mọi người; là những lưu luyến về tuổi thơ nghèo khó với biết bao kỷ niệm thân thương về cha, về mẹ và cả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống… Cô giáo Đỗ Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B cho biết: Để đẩy mạnh phong trào học tập môn văn và yêu thơ ca, hàng năm, nhà trường phát động các cuộc thi sáng tác thơ văn, truyện ngắn, đồng thời trong các giờ ngoại khóa, các cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường đều tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các thầy, cô giáo và các em học sinh để mọi người cùng tham gia hưởng ứng. Cùng với đó, thành lập ban chấm thi, chọn những bài thơ hay, đặc sắc để đọc trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm của nhà trường và tổ chức trao giải là những phần quà, mang ý nghĩa như quyển sổ, cây bút, tập sách truyện…, góp phần động viên, ghi nhận sự cố gắng của những người yêu thơ, sáng tác thơ.
Tại Ngày thơ, ngoài những "nhà thơ" là các thầy, cô giáo yêu thích bộ môn thơ, dạy môn văn học trong các nhà trường liên tục sáng tác và có nhiều bài thơ hay, được nhiều người trong ngành và các thế hệ học sinh biết đến, năm nay còn xuất hiện nhiều thầy, cô giáo trẻ và những em học sinh học môn tự nhiên nhưng yêu thích thơ văn, như các cô giáo: Phạm Thị Linh, giáo viên môn Tin học, trường THPT Kim Sơn B); Nguyễn Thị Kiều Hạnh (trường THPT Nho Quan B); Trần Thị Yến Nga (trường THPT Gia Viễn A) và các em học sinh: Phạm Thị Hoa, Phạm Thị Tuyết, lớp 10B4, trường THPT Kim Sơn B; Phạm Thị Kim Chi, lớp 10A, trường THPT Tạ Uyên…
Cũng tại ngày thơ, những nhà thơ có tên tuổi, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh như nhà thơ Bình Nguyên, nhà thơ Lâm Xuân Vi, Thanh Thản… đã có những tâm sự, giao lưu, chia sẻ với các thầy, cô giáo và các em học sinh là những "nhà thơ không chuyên" về tình yêu, sự hiểu biết và cả những kỷ niệm, trải nghiệm, những cảm xúc để họ sáng tác nên những bài thơ, câu thơ hay về tình yêu quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa, con người, tình đồng chí đồng đội…
Gần 30 bài thơ của các thầy cô giáo, các em học sinh và các đại biểu tham dự được ngâm đọc trong Ngày thơ Việt Nam với nhiều tâm trạng, nỗi niềm là minh chứng cho thấy vẫn còn rất nhiều người yêu thơ, tâm huyết với phong trào thơ ca và đây chính là dịp để những người làm thơ, yêu thơ được sống trong không khí đúng nghĩa của một Ngày thơ, được cùng chia sẻ, bày tỏ tình yêu, khát vọng, giấc mơ, niềm vui, cùng mọi người hướng đến cuộc sống chân - thiện - mỹ…
Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng BTC Ngày thơ Việt Nam ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hàng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng, hưởng ứng sự chỉ đạo của Hội nhà văn Việt Nam, Sở giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày thơ Việt Nam với nhiều hình thức ngày càng đổi mới, đảm bảo trang trọng và mang đậm ý nghĩa nhân văn. Để phong trào sáng tác thơ văn trong các nhà trường ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã phát động hội thi sáng tác thơ, truyện trong các trường học. Theo đó, đã có hơn 1 nghìn thầy, cô giáo và các em học sinh tham gia, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các nhà trường, động viên phong trào giảng dạy và học tập môn văn trong giáo viên và học sinh ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Từ sự khuyến khích, động viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học cũng tăng cường các hoạt động thơ, văn trong trường mình. Nhiều trường học đã thành lập các CLB thơ, văn và sinh hoạt rất đều đặn, đem lại nhiều niềm vui, sự hứng khởi cho các thầy, cô giáo và các em học sinh, tạo điều kiện để bộ môn Ngữ văn trong nhà trường ngày càng phát triển, được nhiều học sinh yêu thích, chọn học.
Đối với việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam, qua mỗi năm cho thấy, trong ngành Giáo dục có rất nhiều người yêu thơ và làm thơ hay, đặc biệt là những thầy, cô giáo dạy văn, yêu thích bộ môn thơ. Điều đó khẳng định, nếu được khuyến khích, động viên kịp thời, phong trào sáng tác thơ, viết truyện của ngành Giáo dục Ninh Bình sẽ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Ngữ văn trong các nhà trường và giúp các em học sinh ngày càng hướng đến cuộc sống chân - thiện - mỹ...
Mỹ Hạnh