Anh có dáng người gày gò, mái tóc dài búi tó lên sau gáy, chòm râu dài và đen khiến anh vừa có vẻ một tu sỹ nơi thảo am lại vừa có vẻ phong trần, lãng tử. Nhìn anh mọi người khó đoán biết được tuổi tác, nhưng điều làm nên sức hút của anh là những tác phẩm điêu khắc gỗ rất đỗi tài hoa.sức hút của anh là những tác phẩm điêu khắc gỗ rất đỗi tài hoa.
Nguyễn Văn Túc (ảnh) sinh năm 1988 tại xã Sơn Thành, huyện Nho Quan. Tốt nghiệp trường THPT Nho Quan A, anh thi vào trường Trung cấp nghề lâm sản Hà Nam, ra trường từng làm thuê cho nhiều cơ sở mỹ thuật, tiệm quảng cáo trước khi cưới vợ, mua đất lập xưởng riêng. Nói về lý do chọn học ngành điêu khắc gỗ, Nguyễn Văn Túc rất thẳng thắn: "Hồi đi học, em học quấy quá cho xong, chỉ thích mỗi việc đục đẽo, nặn tượng và chơi nhạc.
Sở thích của em bị "nhiễm" từ cụ thân sinh. Vì sở thích của mình mà học xong cấp ba em đăng ký học nghề điêu khắc gỗ ở trường Trung cấp nghề lâm sản Hà Nam ngay. Đơn giản chỉ nghĩ học lấy một cái nghề kiếm sống nhưng được làm một công việc mình yêu thích". Nhờ chọn đúng nghề, hợp với cái tạng của mình mà ngay khi ra trường, anh đã có một tay nghề khá vững.
Bản tính lãng tử, ra trường Nguyễn Văn Túc khoác theo bộ đồ nghề vừa làm thuê vừa học lỏm nghề. Có thời điểm anh còn phiêu bạt lên tận Hà Giang. Nhờ có hoa tay, lại tinh nghề nên nhiều người xem tác phẩm điêu khắc gỗ của chàng trai người Ninh Bình luôn mê mẩn với những sáng tác này. Ngót một năm ròng, anh được nhiều gia đình ở Hà Giang thuê làm tượng.
Hồi tưởng lại quãng thời gian đó, Nguyễn Văn Túc vừa cười vừa kể: "Hành lý của em chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo, mấy cái chàng, đục. Vậy mà rất nhiều người thuê. Có chủ nhà tốt bụng, đối đãi chân tình, em còn làm không công. Chủ nhà chỉ đãi cơm với rượu ngô. Mình thì cứ làm theo ý tưởng của mình, miễn là đẹp, họ xem thấy thích"...
Phiêu bạt một thời gian, có lẽ vì bước chân lãng tử có phần mỏi mệt, cậu học trò nghệ sỹ quyết định quay về Ninh Bình. Trải qua vài năm tự lập, từ chỗ phải thuê mướn nhà xưởng, nay Nguyễn Văn Túc đã có một khoảng đất nho nhỏ tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Có đất lập xưởng riêng, anh tự do làm những gì mình yêu thích. "Thực lòng em không muốn làm cho mấy phòng tranh, công ty quảng cáo vì sợ mình chưa đủ cứng, làm hỏng mất tay nghề, hay sẽ chịu ảnh hưởng từ những người khác. Em cứ làm riêng, khi nào thấy mình vững tay nghề thì lập xưởng" - Nguyễn Văn Túc cho biết thêm.
Chính tại "khoảng trời riêng" này mà nhiều tác phẩm nghệ thuật tài hoa được ra đời. Dân chơi mỹ thuật cũng tìm đến Nguyễn Văn Túc nhiều hơn. Và có một nghịch lý là trong khi không ít người làm mỹ thuật Ninh Bình luôn than vãn về sức tiêu thụ chậm của thị trường mỹ thuật, nhiều người làm điêu khắc phải sống chật vật với nghề thì sản phẩm của Nguyễn Văn Túc làm ra bán khá tốt. Cứ vài tháng một lần, khi sáng tác đủ số lượng thì những nhà buôn mỹ thuật, dân chơi thành phố Hồ Chí Minh lại đánh xe ra lấy. Nhiều người mê mẩn tác phẩm của anh còn đặt tiền trước.
Kỷ niệm khó quên trong đời làm nghề là có lần một đại gia Sài thành đã tìm đường ra tận Ninh Bình để mua tác phẩm của anh. Lúc ghé thăm xưởng, thấy nhiều tác phẩm đẹp, ông mê mẩn nên đặt tiền trước nhờ anh đục cho bức tượng thổ dân. Tiền thì anh đã nhận, nhưng vì bận công việc, bức tượng mới chỉ làm xong một phần. Vừa qua người nọ điện thoại ra báo tin ông đã bị ung thư máu, có ý giục Túc sớm hoàn thành bức tượng cho ông.
Sản phẩm ông đặt sẽ là món kỷ vật ông dành tặng người con gái trang trí trong căn biệt thự mà ông xây cho con trước khi mất. Vì ân tình đó mà anh đã làm việc cật lực ngày đêm để sớm giao tác phẩm. Trong đời làm điêu khắc của mình, thỉnh thoảng anh lại bắt gặp những bạn hàng tri kỷ như vậy. Và với anh, đó là một hạnh phúc của người làm nghề.
Có một điểm đáng quý ở người làm điêu khắc chân chính như Nguyễn Văn Túc là dù sản phẩm bán rất tốt, song anh không ham chạy theo số lượng, không làm theo kiểu sản xuất hàng loạt, mà chủ yếu làm hàng độc bản. Anh tâm sự: "Những người chơi mỹ thuật không phải là người dễ tính, mình không nên chiều khách mà sản xuất những tác phẩm dễ dãi kiểu hàng mỹ nghệ. Hàng mỹ thuật khác hàng mỹ nghệ, cái cốt nhất là tính sáng tạo phải cao.
Có nhiều người khi mình sáng tác tác phẩm theo ý tưởng của mình thì họ không ưng, nhưng khi tác phẩm hoàn thành thì họ lại thay đổi cách nghĩ, thậm chí tranh mua cho bằng được. Cho nên rút ra một điều rằng, gì thì gì, cốt nhất vẫn phải là đẹp và sáng tạo". Do vậy anh thường trung thành với quan điểm giữ gìn chất lượng và gia tăng tính sáng tạo nghệ thuật. Bởi thế mỗi tác phẩm thể hiện đều rất có hồn, thu hút người xem, người mua, vì vậy sản phẩm làm ra tuy ít nhưng có giá bán khá cao, giúp anh sống được bằng nghề và chuyên tâm vào việc sáng tác. Anh hầu như ít phải lo đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nên trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, những người làm được như anh cũng không nhiều.
Tháng 7 vừa qua, khi hoạt động mỹ thuật "Mùa hè với di sản" được CLB mỹ thuật trẻ Ninh Bình tổ chức tại Công ty CP du lịch Hoàng Long (Trường Yên, Hoa Lư), Nguyễn Văn Túc đã tham gia một cách hăng hái, nhiệt tình. Sở dĩ anh tham dự sân chơi này bởi anh đang tìm kiếm thêm năng lượng sáng tạo cho mình và hơn thế nữa, tìm kiếm một sân chơi rộng lớn hơn cho sản phẩm của mình. Bởi ai cũng biết, hoạt động mỹ thuật "Mùa hè với di sản" là nơi quy tụ nhiều nghệ sỹ chuyên nghiệp, các nhà sưu tập mỹ thuật, các nhà môi giới, buôn bán sản phẩm mỹ thuật nổi tiếng trong nước…
Với một người chuyên tạo ra những sản phẩm dựa vào sức sáng tạo như Nguyễn Văn Túc, thì những cuộc chơi như vậy là cần thiết, từ đó anh có thêm cơ hội và năng lượng để tiến xa hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Mai Phương