Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã về cõi vĩnh hằng tròn 1 tháng, nhưng trong trái tim những người yêu nghệ thuật hát xẩm nói chung và yêu mến nghệ nhân Hà Thị Cầu nói riêng thì hình ảnh về "Người đàn bà hát rong qua 2 thế kỷ" đã trở thành một biểu tượng đẹp về âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
NSƯT, đạo diễn Đinh Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình, một người ấp ủ khá nhiều dự định về hát xẩm đến bây giờ vẫn không khỏi cảm thấy tiếc nuối khi nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi.
Anh tâm sự: Mặc dù chúng ta đã tiến hành được giai đoạn 1 của Đề án "Bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật hát xẩm" và đã cơ bản tiếp thu được những làn điệu lòng bàn của hát xẩm từ nghệ nhân Hà Thị Cầu. Thế nhưng tôi vẫn thấy chúng ta tiến hành việc này hơi muộn.
Giá như việc phục dựng này được những người nhiệt huyết tiến hành sớm hơn thì có lẽ "tài sản" mà nghệ nhân Hà Thị Cầu để lại cho chúng ta không chỉ đơn thuần là "phần xác", đó là các làn điệu xẩm, âm nhạc mà sẽ có cả "phần hồn", đó chính là bí quyết nghệ thuật trong đàn và hát, làm sao cho thật rõ chất xẩm - trữ tình, da diết, đượm buồn nhưng cũng rất dí dỏm, lạc quan.
Đó cũng là tiếng nói, tiếng lòng của người hát xẩm bày tỏ với đời, với người nghe là trong cuộc sống dù có vất vả, khổ đau, thì con người cũng cần phải lạc quan, phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua số phận… và đó là lời ru thiết tha của người mẹ nghèo phải mang nặng đẻ đau không chỉ suốt chín tháng, mười ngày mà còn vất vả nuôi con khôn lớn trong cảnh đói nghèo…
Để tri ân người nghệ sỹ đồng quê của quê hương, tỉnh Ninh Bình đang trăn trở làm tiếp phần 2 của Đề án "Bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật hát xẩm". Với quyết tâm làm sống dậy nghệ thuật hát xẩm và trở thành một "đặc sản văn hóa" của Ninh Bình, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Công việc này sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có sự cố gắng của Nhà hát Chèo Ninh Bình mà cần có sự vào cuộc của các địa phương, sở, ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng… để từng bước đưa xẩm vào trường học, vào đời sống của mỗi người dân, từ đó mới có thể lưu giữ, phát triển và phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho bộ môn xẩm Ninh Bình nói riêng và kho tàng âm nhạc dân tộc nói chung.
Bên cạnh những việc làm mang tính dài hơI, tối 15/4 vừa qua, tỉnh đó tổ chức chương trình "Tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu". Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sỹ Trung ương và địa phương.
Đạo diễn Đinh Quang Thập nói thêm: "Tỉnh ta tổ chức chương trình tri ân đối với nghệ nhân Hà Thị Cầu là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Bởi nghệ nhân Hà Thị Cầu không chỉ là "báu vật nhân văn" của Ninh Bình mà còn là niềm tự hào của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Hơn nữa, Ninh Bình được xem là cái nôi của nghệ thuật hát xẩm. Để góp phần vào chương trình này, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Ninh Bình đã dành tất cả nhiệt huyết, tình cảm của mình cho người nghệ sỹ lớn của dân tộc và đây cũng là trách nhiệm của những người nghệ sỹ Ninh Bình đối với công chúng yêu mến nghệ thuật hát xẩm".
Không chỉ có những người con Ninh Bình yêu mến nghệ thuật hát xẩm, yêu mến nghệ nhân Hà Thị Cầu, mà trên đất nước Việt Nam có rất nhiều người đã gọi nghệ nhân Hà Thị Cầu với cái tên thân thiết như "bu", "bà" và phong bà là "người thầy lớn".
Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả của bộ phim "Xẩm đỏ" cho biết: Sau khi cụ Cầu mất, tôi đã dồn sức để dựng lại nguyên văn những bài hát xẩm của cụ dưới dạng đĩa, hiện đang phát hành trên thị trường với giá rất rẻ. Mục đích cao nhất là làm tư liệu và để nhiều người cùng lưu giữ nghệ thuật xẩm, chứ một mình tôi lưu giữ thì sẽ không xuể.
Việc làm phim, phát hành đĩa của tôi cũng là để chia sẻ những điều tôi biết được với nhiều người. Và tôi sẽ trích tiền từ việc bán băng đĩa xẩm để giúp đỡ những người đam mê theo đuổi môn nghệ thuật này. Đây cũng là một việc làm nhỏ của tôi để tri ân cụ. Mong rằng hát xẩm sẽ sớm tìm lại được chỗ đứng xứng đáng trong nền âm nhạc dân tộc.
Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, người được xem là kế nghiệp của nghệ nhân Hà Thị Cầu và từng được nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ tặng 2 câu thơ " Bà Cầu xẩm đỏ Yên Mô - Tuyết Hoa xẩm đỏ Thủ đô anh hùng" cũng đã xúc động nói: Bà Hà Thị Cầu "báu vật dân gian" mất đi, chúng tôi - những người làm văn nghệ dân tộc cảm thấy bị hẫng hụt, không biết lấy gì bù đắp được cái khoảng trống nghệ thuật đặc biệt này. Đó là nghệ thuật hát xẩm với đầy đủ ý nghĩa của nó, bởi người nghệ nhân vừa đàn, vừa hát mà nói thay tâm trạng của người nghe… Với vốn liếng được bà truyền dạy cho, tôi đã tiếp thu, phát huy và quảng bá nghệ thuật hát xẩm không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, từ châu á đến châu Âu và cả nước Mỹ nữa.
Bên cạnh những người nổi tiếng thì không ít các học trò của bà chỉ đơn thuần là yêu xẩm, sau khi bà mất đã có những đóng góp không nhỏ để tỏ lòng tri ân đến với "Người thầy vĩ đại" của mình.
Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm CLB hát xẩm Hải Phòng, học viên Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam cho biết: Là những người yêu nghệ thuật hát xẩm, từ ngày còn sinh viên chúng em đã thu thập được khá nhiều những tư liệu về xẩm cũng như về nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nhất là sau khi bà mất các thành viên trong nhóm đã dành rất nhiều thời gian, công sức để sắp xếp, sao chép, lưu giữ lại những tư liệu về xẩm.
Bên cạnh đó, nhóm cũng đã cử những thành viên tâm huyết đi khắp đất nước để tìm hiểu những thông tin về xẩm và những nghệ nhân hát xẩm đang còn sống ở các làng quê". Mong muốn lớn nhất của nhóm học trò thế hệ 8X này là xuất bản thành sách hoặc đĩa CD những tư liệu mà họ có được về bộ môn nghệ thuật hát xẩm.
Với sự yêu mến và tình cảm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật hát xẩm, yêu mến nghệ nhân Hà Thị Cầu, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, nghệ thuật hát xẩm không thể thất truyền .
Bảo Yến