Tuy nhiên để phát triển bền vững, vấn đề quan tâm hàng đầu của du lịch hiện nay không chỉ là cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm… mà còn phải chú trọng đến đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến hoạt động du lịch.
Sự nở rộ của các loại hình, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Không ít lao động từ các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyển sang kinh doanh dịch vụ và trực tiếp tham gia làm du lịch. Do vậy, nguồn nhân lực du lịch được tăng cường đáng kể về số lượng… Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ bản ban đầu, đội ngũ lao động làm du lịch không ngừng phấn đấu học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ theo hướng chuyên nghiệp. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, theo thống kê, số lao động trên địa bàn được đào tạo làm việc năm 1999 có 431 người, gồm đào tạo ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng… đến năm 2009 tăng lên 9.189 người. Ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn, sơ cấp nghề ở các bộ phận và bồi dưỡng giáo dục cộng đồng cho hàng nghìn lao động tại các đơn vị, địa phương. Được tỉnh ưu tiên dành nguồn kinh phí, ngành đã liên kết với nhiều đơn vị tổ chức đào tạo khóa đầu tiên ngành hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nấu ăn, lễ tân…cho gần 300 người (ưu tiên những người có hộ khẩu tại Ninh Bình) tại Trường Đại học Hoa Lư, với mục tiêu cung cấp bổ sung thêm cho ngành một lực lượng lao động chính quy, bài bản, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, ngành còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, các lớp ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp; tổ chức các cuộc thi như thi nấu ăn, thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân… cho nhân viên, cán bộ quản lý ở các Ban, trạm quản lý các khu, điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Đối với những lao động tham gia làm du lịch ở các địa phương nơi có các di tích, danh lam thắng cảnh, ngành mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng về xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong du lịch, qua đó góp phần làm chuyển biến trong phong cách, thái độ và ý thức phục vụ khách du lịch. Phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về du lịch trong các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cho phát triển.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển của du lịch tỉnh thì thực trạng nguồn nhân lực này vẫn còn nhiều bất cập. Số không ít là lao động tận dụng, không chuyên nghiệp và đa phần chưa qua đào tạo. Trình độ lao động du lịch ở các bộ phận qua đào tạo mới chỉ chiếm 20-34% trong tổng số lao động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thuộc ngành Du lịch phần lớn do các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh tổ chức theo mô hình vừa và nhỏ, chưa có đầu tư nước ngoài, hiệu quả chưa cao, mức kinh phí chi trả cho lao động thấp nên không thu hút được lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nghiệp vụ cao... Nhận thức của một số người sử dụng lao động còn hạn chế nên không tạo điều kiện cho lao động tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ do ngành tổ chức. Việc đào tạo nguồn nhân lực chưa sát với nhu cầu của người sử dụng lao động mà chủ yếu đào tạo theo nhu cầu của người học. Việc học đi đôi với hành tại các cơ sở đào tạo còn hạn chế nên nhiều sinh viên ra trường làm ở các khu, điểm du lịch thiếu thực tế.
Khắc phục thực trạng trên, để tạo nguồn nhân lực ổn định, vững mạnh cho ngành Du lịch, trong phương hướng phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, một trong những giải pháp tỉnh tập trung chỉ đạo đó là chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, được cụ thể tại Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 07 của UBND tỉnh. Ngành chức năng, các đơn vị liên quan đang nỗ lực tiến hành điều tra, thống kê, phân tích lao động trong ngành Du lịch, làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo ở từng giai đoạn, trong đó chú trọng nguồn nhân lực trực tiếp, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp chuyển đổi sang lĩnh vực du lịch. Đồng thời tiếp tục tổ chức tốt các khóa, lớp đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của ngành, cũng như người dân tham gia làm du lịch. Một số lĩnh vực thiếu nhân lực trước mắt cần phải tập trung đào tạo ngay như lễ tân, bàn, bar, kỹ thuật chế biến món ăn, thuyết minh viên, bán hàng, chụp ảnh, vận chuyển khách, thậm chí có thể lựa chọn cả phương pháp đào tạo ngắn hạn như "cầm tay chỉ việc"… Tỉnh cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trách nhiệm không thuộc riêng về ngành Du lịch mà cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội và sự ủng hộ của nhân dân, nhất là đối tượng trực tiếp làm du lịch. Có như vậy thì du lịch Ninh Bình mới luôn hấp dẫn, thu hút du khách và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hoàng Tâm